“Nhiều làng nghề người dân vẫn phải sống chung với ô nhiễm, chịu nhiều bệnh tật, tuổi thọ giảm sút. Tỉ lệ bệnh tật tại các khu vực ô nhiễm do làng nghề ngày một gia tăng. Có những làng nghề mức độ ô nhiễm kim loại nặng độc hại cao gấp trên 3.000 lần quy định cho phép. Đây vấn đề đáng báo động!”. Thực tế này được Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến chỉ rõ tại tọa đàm Làng nghề Việt Nam do Ủy ban MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 20-4.
Theo ông Tuyến, hầu hết làng nghề đều không có biện pháp xử lý chất thải, các loại khí thải và nước thải, chất thải rắn đều xả trực tiếp ra môi trường. Đặc biệt là chất thải của các làng nghề tái chế chất thải như giấy, kim loại, nhựa và dệt nhuộm sử dụng hóa chất công nghiệp đang là vấn đề hết sức bức xúc, gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân. “Bài toán giữa lợi ích kinh tế mà những hoạt động này mang lại không thể bù đắp được những hao tổn về sức khỏe, môi trường và hậu họa cho tương lai mà chúng ta phải gánh chịu” – ông Tuyến nhấn mạnh.
Ông Tuyến đề nghị cần phải có kế hoạch xử lý triệt để những làng nghề gây ô nhiễm. Trước tiên, cần tập trung xử lý những cơ sở ô nhiễm nặng, tại những vùng rộng. Đồng thời, có chính sách giúp đỡ cho các cơ sở tự xử lý ô nhiễm tại chỗ.
Một thực trạng khác của làng nghề Việt Nam cũng được Hiệp hội Làng nghề Việt Nam chỉ rõ. Hiện cả nước có trên 1.700 làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của làng nghề còn thấp, mẫu mã đơn điệu, chậm thay đổi, thiếu độ tinh xảo. Do vậy, sản phẩm làng nghề thiếu sức cạnh tranh, đây là yếu kém lớn nhất. “Sản phẩm là yếu tố mang tính sống còn của các làng nghề. Do vậy, cần phải tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, mẫu mã và hình thức đẹp mắt, thu hút được người tiêu dùng. Để làm được điều đó thì phải thường xuyên đầu tư hiện đại hóa công nghệ, cải tiến đổi mới phương pháp sản xuất, trau dồi tay nghề cho người lao động” – ông Lưu Duy Dần – Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam nhấn mạnh.
Nguồn moitruong/Pháp luật TP Hồ Chí Minh