Hoàn toàn không phải chiến tranh, không phải các “bệnh dịch thế kỷ” như HIV/AIDS… mà chính ô nhiễm môi trường mới là “sát thủ” đáng sợ nhất cướp đi sinh mạng của 9 triệu người trên thế giới, đồng thời gây thiệt hàng nghìn tỷ USD mỗi năm cho kinh tế toàn cầu.
Loài người đang đầu độc chính bản thân và hành tinh của mình
Tổng Thư ký LHQ António Guterres ngày 4-12 đã nhấn mạnh tới việc cần có hành động phối hợp nhanh chóng và trên diện rộng giữa tất cả các thành phần xã hội để chống lại nạn ô nhiễm môi trường đang đe dọa nghiêm trọng cả người dân lẫn Trái đất. Lời kêu gọi “cả thế giới vào cuộc” của người đứng đầu tổ chức lớn nhất hành tinh được đưa ra trong thông điệp gửi tới Hội nghị Môi trường LHQ đang diễn ra tại Thủ đô Nairobi của Kenia, hội nghị với trọng tâm là xử lý nạn ô nhiễm môi trường vốn ngày càng trở nên nghiêm trọng.
LHQ và người đứng đầu tổ chức này từng nhiều lần kêu gọi thế giới chung tay bảo vệ môi trường sống trên Trái đất, song lần này Tổng thư ký António Guterres đã nhấn mạnh tới việc vào cuộc của “mọi thành phần xã hội”. Bởi “chủ thể” gây ô nhiễm môi trường không chỉ là những chính sách bất cập “vì phát triển kinh tế, bỏ qua vấn đề môi trường” của các quốc gia hay “vì lợi nhuận chà đạp môi trường” của các công ty… mà của chính mỗi con người trên Trái đất thông qua các hành động có ý thức hoặc vô thức gây hại cho môi trường như xả rác bừa bãi, dùng các sản phẩm gây ô nhiễm…
Cũng chính vì “sự tiếp tay” gây ô nhiễm như vậy mà ô nhiễm môi trường đã trở thành một “kẻ hủy diệt” ghê gớm nhất đối với sự sống trên Trái đất, từ sinh mạng con người tới các loài động thực vật khác. Một nghiên cứu quan trọng được công bố hồi tháng 10 vừa qua trên tờ Tạp chí y học The Lancet (tuần san y khoa lâu đời nhất, được đánh giá là tốt nhất và có uy tín nhất trên thế giới) cho thấy ô nhiễm môi trường là nguyên nhân gây chết người hàng đầu, hơn cả chiến tranh, bạo lực, thiên tai, đói nghèo và bệnh tật
.
Theo The Lancet, cứ 6 ca chết non trên toàn thế giới thì có 1 ca là do bệnh tiếp xúc với chất độc hại. Chi phí tài chính cho các vấn đề phúc lợi liên quan đến ô nhiễm môi trường cũng rất lớn, vào khoảng 4.600 tỷ USD mỗi năm, tương đương 6,2% GDP toàn cầu.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất mang tên “Hướng tới một hành tinh không ô nhiễm” đưa ra tại Hội nghị Môi trường LHQ, Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) cho biết, trên thế giới cứ 4 ca tử vong thì có 1 ca là do ô nhiễm môi trường, tương đương 12,6 triệu người/năm. Đó là chưa kể tới hàng loạt hệ sinh thái quan trọng bị hủy diệt. UNEP cùng chung đánh giá với The Lancet khi cho biết, ngoài tác động tới sức khỏe và môi trường, ô nhiễm đã gây thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế toàn cầu với ước tính làm thất thu phúc lợi xã hội hơn 4.600 tỷ USD mỗi năm.
Từ những con số thống kê cho thấy loài người đang đầu độc chính bản thân và hành tinh của mình, Giám đốc điều hành UNEP Erik Solheim nêu rõ, mọi thành phần xã hội, mỗi con người trên Trái đất đều phải nhận thức và hành động một cách táo bạo, loại bỏ những thói quen, hành vi gây hại cho môi trưởng.
Trong khi đó, Tổng Thư ký LHQ António Guterres kêu gọi các đại diện Chính phủ, doanh nghiệp, các nhà hoạt động chính trị cùng nhiều thành phần tham dự Hội nghị Môi trường LHQ phải có những kiến thức và giải pháp công nghệ cần thiết để ngăn chặn, giảm thiểu và quản lý vấn đề ô nhiễm môi trường. Ông nhấn mạnh, giải quyết nạn ô nhiễm chính là giúp giảm nghèo đói, cải thiện sức khỏe cộng đồng, tạo ra những việc làm có thu nhập tốt, giải quyết tình trạng biến đổi khí hậu và bảo vệ sự sống trên biển và đất liền trước “sát thủ” ô nhiễm môi trường.
Theo anninhthudo