Logo
phone
Hotline: 02437327155
Cảnh báo: GDP tăng 1 đồng thì thiệt hại về môi trường mất 3 đồng
  01/10/2015
icon-zalo

 

 

Nếu không có sự quan tâm đúng mức thì đến năm 2025 GDP cứ tăng 1% thì thiệt hại do ô nhiễm môi trường sẽ làm mất đi 3% GDP  (Ảnh minh họa Internet)

 

Theo báo cáo đánh giá tổng kết công tác bảo vệ môi trường giai đoạn 2011-2015 tại Hội nghị môi trường toàn quốc lần thứ 4 ngày 30/9 ở Hà Nội cho thấy Việt Nam đã đạt được một số kết quả đáng kể như nguồn gây ô nhiễm giảm dần về số lượng và mức độ tác động, cả nước có 392/439 cơ sở gây nghiêm trọng đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để.

 

Doanh nghiệp nay đã chú trọng hơn lĩnh vực bảo vệ môi trường. Các vi phạm liên quan đến quản lý chất thải nguy hại, điều chỉnh, thay đổi thiết kế, công nghệ của các công trình xử lý chất thải đã giảm đáng kể.

 

TS Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT), được Báo Thanh Niên dẫn lời cho biết tính đến nay 392/439 cơ sở gây nghiêm trọng theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ cơ bản đã hoàn thành các biện pháp xử lý ô nhiễm triệt để. Tỷ lệ khắc phục đạt 89,29%.

 

Việc lợi dụng nhập khẩu phế liệu để đưa chất thải vào nước ta ngày càng giảm so với giai đoạn trước, hiện chỉ còn 5.411 container hàng tồn đọng tại cảng biển. Tỷ lệ nước thải, chất thải rắn được thu gom, xử lý tăng trong khi chất thải nguy hại được quản lý tốt hơn.

 

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ghi nhận những kết quả trên nhưng cũng chỉ ra những yếu kém trong công tác bảo vệ môi trường. Ô nhiễm, suy thoái môi trường vẫn tăng ở một số khu vực, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức, thiếu tính bền vững. 

 

Báo Công An Nhân Dân cho biết trong giai đoạn 2011-2015, nguồn kinh phí cho sự nghiệp môi trường đạt 47.452 tỉ đồng, trong đó ngân sách Trung ương đạt 6.622 tỉ đồng, ngân sách địa phương đạt 40.830 tỉ đồng. Riêng trong năm 2015, tổng chi cho công tác bảo vệ môi trường đạt 11.400 tỉ đồng, tăng 14,2% so với năm 2014.

 

Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường vẫn còn nhiều hạn chế: Chưa giải quyết triệt để các điểm nóng về môi trường; khai thác tài nguyên quá mức, thiếu bền vững; vi phạm pháp luật về môi trường ngày càng tinh vi, nghiêm trọng; bố trí kinh phí còn dàn trải, chưa ưu tiên các dự án xử lí ô nhiễm cấp bách; vẫn còn tình trạng không giải ngân hết, phải chuyển sang năm sau hoặc sử dụng nguồn ngân sách không đúng mục đích... 

 

Thủ tướng lưu ý đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực tài nguyên môi trường vẫn thiếu về số lượng, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ, chưa phát huy tốt vai trò quần chúng, cộng đồng trong giám sát pháp luật.

 

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, dù đạt được nhiều kết quả bước đầu song phải thẳng thắn thừa nhận công tác ở nước ta còn nhiều yếu  kém.

 

“Cảnh báo của các chuyên gia môi trường quốc tế cho rằng, trong 10 năm tới GDP Việt Nam có thể tăng gấp đôi nhưng nếu không quan tâm đúng mức thì ô nhiễm môi trường sẽ tăng 3 lần, thậm chí có thể 4-5 lần, cứ tăng 1% GDP thì thiệt hại ô nhiễm môi trường làm mất đi 3% GDP. Đây là cảnh báo chúng ta phải rất quan tâm trong bối cảnh vẫn còn tình trạng coi trọng phát triển trước mắt hơn là bảo vệ môi trường lâu dài”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng được Báo Tiền Phong dẫn lời nói.

 

Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành địa phương phải tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm, gồm: Tăng cường công tác truyền thông về ý thức trách nhiệm tuân thủ pháp luật về môi trường, xây dựng và phát triển xã hội văn minh, người dân có lối sống ứng xử thân thiện với môi trường. 

 

Kiện toàn bộ máy, tăng cường năng lực của cán bộ các cấp ngành môi trường. Tăng cường da dạng hóa nguồn vốn cho bảo vệ môi trường, ưu tiên tăng cường vốn ODA giải quyết các tồn tại môi trường kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống sức khỏe người dân, huy động nguồn lực trong xã hội, khuyến khích xã hội đầu tư theo hình thức hợp tác công tư.

 

Trong 5 năm tới, Thủ tướng đề nghị ngành tài nguyên môi trường cần tập trung triển khai hiệu quả các Nghị quyết Trung ương, quy định pháp luật về bảo vệ môi trường; tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng; đẩy mạnh công tác thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật; tăng cường năng lực của đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường – theo VTV.

 

Thủ tướng cũng nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, phát triển công nghiệp "carbon thấp", nâng cao thành tố môi trường trong cơ cấu giá trị của hàng hóa, dịch vụ, hình thành các sản phẩm "xanh", dịch vụ "xanh" thân thiện với môi trường. Đặc biệt, không cho phép các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm, tác động xấu lên môi trường, kiểm soát chặt chẽ không để nước ta trở thành bãi thải công nghiệp lạc hậu của các nước phát triển.

 

Theo MTX

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt