Trong thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm phát triển các khu kinh tế (KTT) ven biển, nhằm đưa nước ta trở thành “quốc gia mạnh lên từ biển và làm giàu từ biển”.Để phát huy các tiềm năng của biển, Hội nghị lần thứ 4 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X đã thông qua Nghị quyết số09-NQ/TW ngày 9/2/2007 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, trong đóđề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, các KKT ven biển sẽ đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước. Với quy mô tăng trưởng khá nhanh, cơ cấu ngành, nghề chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, các KKT ven biển của nước ta đã hình thành một số trung tâm phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Tuy nhiên, việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên trong các KKT ven biển thiếu bền vững. Để đáp ứng yêu cầu phát triển mới, cácKKT ven biển cần phát triển theo hướng đổi mới công nghệ, giảm phát thải khí nhà kính (KNK), hướng tới nền kinh tế các bon thấp.
Hiện cả nước có 17 KKT ven biển được thành lập,thu hút 254 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký là 42 tỷ USD và 1.079 dự án đầu tư trong nước, với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 805,2 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 1 KKT (KKT Ninh Cơ, tỉnh Nam Định) có trong quy hoạch, nhưng chưa được thành lập. Trải qua hơn 10 năm phát triển, các KKT ven biển đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương. Các dự án sản xuất kinh doanh trong KKT đã lấp đầy 40% tổng diện tích đất dành cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ trong KKT ven biển. Hiện tại, một số dự án lớn quan trọng tại các KKT đã hoàn thành và đi vào hoạt động như: Nhà máy Lọc dầu Dung Quất; Nhà máy TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (KKT Dung Quất); Khu công nghiệp cơ khí ô tô Chu Lai - Trường Hải(KKT mở Chu Lai); Các nhà máy xi măng, nhiệt điện tại KKT Nghi Sơn…. Theo tính toán của Ban quản lý các KKT ven biển, tính chung các lĩnh vực phát triển kinh tế như công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ,tổng lượng phát thải khí CO2 của các KKT ven biển năm 2010 đạt trên 7,42 triệu tấn (bình quân lượng phát thải trên một đầu người là 4,06 tấn CO2), chủ yếu là lượng phát thải của các nhà máy nhiệt điện. Dự báo đến năm 2020, tại các KKT ven biển sẽ có 15 nhà máy nhiệt điện, với tổng công suất là 16.629 MW theo phương án sản xuất điện (SXĐ) cao, 13 nhà máy hoạt động, với tổng công suất 11.678 MW theo phương án SXĐ trung bình và 11 nhà máy, với tổng công suất 9.767 MW theo phương án SXĐ thấp. Như vậy, mức độ phát thải khí nhà kính của các nhà máy nhiệt điện tại KKT ven biển sẽ rất lớn, dự tính vào năm 2020 sẽ tăng gấp 5, 76 lần đối với phương án SXĐ thấp; 7,54 lần đối với phương án SXĐ trung bình và 11, 09 lần đối với phương án SXĐ cao.
Để đổi mới công nghệ, giảm thiểu KNK trong các KKT ven biển, trong những năm tới, Việt Nam cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo đảm sự hài hòalợi ích trong khai thác, sử dụng tài nguyên để phát triển bền vững. Đồng thời, cần triển khai các giải phát giảm phát thải KNK cho từng lĩnh vực phát triển kinh tế trong các KKT ven biển, trong đó đặc biệt chú trọng đến các ngành, lĩnh vực gây nhiều phát thải:
Sản xuất năng lượng: Cần nâng cao hiệu suất lò hơi thông qua cải tiến thiết bị, công nghệ, nâng cao hiệu suất, chất lượng các hệ thống lọc bụi tĩnh điện; sử dụng dầu DO trong quá trình khởi động lò, tiến hành lắp đặt hệ thống quan trắc để kiểm soát lượng thải, nhiệt độ, độ pH của nước xả lò trước khi xả ra môi trường; xây dựng phương án phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường. Bên cạnh đó, cần phát triển năng lượng tái tạo, điện gió, điện mặt trời, tăng cường khai thác năng lượng sinh khối, nhằm cung cấp chất đốt sinh hoạt cho dân cư trong khu vực.
KKT Vũng Áng (Hà Tĩnh) tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch sinh thái biển
Sản xuất nông nghiệp: Trong chăn nuôi cần tăng cường các biện pháp quản lý chất thải, kiểm kê, giám sát phát thải KNK; lồng ghép các giải pháp giảm phát thải KNK vào các chương trình phát triển kinh tế; đẩy mạnh các hoạt động khuyến nông. Đồng thời, nghiên cứu chọn, tạo các giống vật nuôi có khả năng hấp thụ, năng suất cao và chống chịu với biến đổi khí hậu; thay thế các loại gia súc năng suất thấp bằng các loại gia súc năng suất cao và phương thức cho ăn tốt hơn, giảm tổng lượng giảm phát thải trong khi vẫn duy trì hoặc tăng cung cấp sản phẩm vật nuôi (chuyển đổi từ bò, cừu và dê có lượng phát thải khí methane lớn, sang nuôi lợn và gia cầm). Ngoài ra, cần phổ biến các biện pháp nuôi dưỡng phù hợp để hạn chế bài xuất nitơ và phốt pho ra môi trường (sản xuất chăn nuôi cácbon thấp); phát triển các công nghệ xử lý và tái sử dụng chất thải chăn nuôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng hiệu quả kinh tế và giảm phát thải KNK; nghiên cứu khả năng phát điện từ năng lượng khí sinh học; tái phục hồi năng lượng và cải tiến quản lý chất thải gia súc.
Trong trồng trọt, áp dụng chế độ ngập nước không liên tục so với ngập nước liên tục trên ruộng lúa sẽ hạn chế phát thải CH4, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, giảm sử dụng phân hóa học…
Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông: Xây dựng các tuyến giao thông ven biển nối liền các KKT làm cơ sở để tạo mối liên kết giữa các KKT ven biển; huy động các nguồn vốn (ODA, FDI, ngân sách nhà nước, trái phiếu Chính phủ) để tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu, quan trọng trong các KKT. Để bảo đảm môi trường giao thông thân thiện, cần đồng bộ giữa phát triển giao thông với hệ thống thoát nước, cây xanh và giảm thiểu bê tông hóa trong quá trình xây dựng… Mặt khác, phải rà soát, từng bước loại bỏ công nghệ, phương tiện, thiết bị kém hiệu quả, không thân thiện với môi trường;tổ chức thí điểm và triển khai nhân rộng ứng dụng năng lượng tái tạo, công nghệ ít tiêu hao năng lượng (pin năng lượng mặt trời, đèn led...) vào các hạng mục chiếu sáng, đèn tín hiệu giao thông.
Ngoài ra, tại các cảng biển, bến cảng, khu chuyển tải, cơ sở sửa chữa tàu biển của các KKT ven biển phải trang bị phương tiện hiện đại tiếp nhận, hoặc trạm xử lý rác thải từ tàu. Nếu các cảng chưa trang bị phương tiện tiếp nhận thì phải ký kết với các tổ chức, cá nhân có chức năng cung cấp, thực hiện dịch vụ xử lý rác thải. Các phương tiện vận chuyển rác thải phải đáp ứng các yêu cầu an toàn kỹ thuật và BVMT; công nghệ xử lý rác thải từ tàu phải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường và phù hợp với điều kiện Việt Nam…
Dương Văn Mão - Bộ Công Thương
Bài đăng trên Tạp chí Môi trường, số 2/2018
Theo VEA