Quá trình xây dựng Bản dự thảo Báo cáo đóng góp dự kiến do quốc gia tự quyết định (INDC) của Việt Nam đã cơ bản hoàn tất. Mới đây, vào giữa tháng 9, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã trình Thủ tướng Chính phủ bản Dự thảo INDC, với những quan điểm chủ yếu của Việt nam đối với thỏa thuận trong Hội nghị về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP-21) tại Pháp vào cuối năm nay.
Khẳng định lập trường của Việt Nam
Dự thảo INDC đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường lấy ý kiến các các Bộ, ngành liên quan, các tổ chức phi chính phủ, các cơ quan nghiên cứu, đại diện của các doanh nghiệp cũng như các đối tác phát triển quốc tế qua nhiều cuộc hội thảo, tham vấn.
Mục tiêu của INDC của Việt Nam là đưa ra các thông tin, cam kết về mức đóng góp dự kiến do Việt Nam tự quyết định cho các hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2030, cùng với đó là nỗ lực của Việt Nam cùng cộng đồng thế giới ứng phó với biến đổi khí hậu và góp phần giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng không quá 20C vào cuối thế kỷ 21. INDC Việt Nam cũng góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế các-bon thấp, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu tại Việt Nam trong thời gian tới.
Thông qua INDC, Việt Nam tái khẳng định cam kết của quốc gia nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần thực hiện mục tiêu của Công ước khí hậu. Việt Nam tin rằng INDC của Việt Nam là công bằng và thể hiện nỗ lực cao nhất, khả thi và có thể đạt được và cam kết tiếp tục giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu dựa trên các nguồn lực trong nước và với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.
INDC là căn cứ để mỗi quốc gia cam kết mức đóng góp cắt giảm phát thải khí nhà kính |
Phó Cục trưởng Cục KTTV&BĐKH (Bộ TN&MT) Phạm Văn Tấn cho biết, COP-21 là cơ hội để thế giới chú ý nhiều hơn tới những hành động tích cực của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, INDC của Việt Nam được xây dựng với tinh thần tôn trọng nguyên tắc của Công ước khí hậu về “trách nhiệm chung nhưng có sự phân biệt”, tùy theo năng lực và hoàn cảnh quốc gia để có kế hoạch góp phần thực hiện các mục tiêu của Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu.
Việt Nam không ủng hộ thỏa thuận thiếu vắng cam kết của các quốc gia phát triển – những nước có lượng phát thải khí nhà kính lớn về việc cung cấp các phương tiện hỗ trợ thực hiện, cụ thể là về tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực cho các quốc gia đang phát triển, trên cơ sở phát triển bền vững và không ảnh hưởng đến mục tiêu xóa đói giảm nghèo của các quốc gia.
Hướng tới thỏa thuận Nghị định thư tại COP 21
Năm 2011, trong Hội nghị COP-17 tại Durban (Nam Phi), các nước đã nhất trí trong năm 2015 phải đạt được một nghị định thư, một văn kiện được coi là công cụ mang tính pháp luật hiệp định ràng buộc pháp lý đối với việc cắt giảm lượng phát thải dự kiến sẽ được thông qua năm 2015 và bắt đầu có hiệu lực từ năm 2020. COP-21 chính là thời điểm then chốt để thực hiện điều này. Tuy nhiên, đến nay nhiều vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ và dẫn đến các tranh luận.
Hội nghị cấp Bộ trưởng không chính thức hồi tháng 7 vừa qua tại Paris tiếp tục đề cập đến việc so sánh mức độ trách nhiệm, đóng góp vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu giữa một bên là những nước phát triển, còn bên kia là các nước đang phát triển và mới trỗi dậy; hay vấn đề làm thế nào gia tăng nguồn tài chính dành cho thích ứng với biến đổi khí hậu, khuyến khích các bên lên kế hoạch dự trù thích ứng với biến đổi khí hậu?...
Ông Siddharth Pathak, Điều phối Quốc tế về chính sách Mạng lưới hành động khí hậu quốc tế (CAN) nhận định, mỗi quốc gia đều đã có những cố gắng để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tăng trưởng xanh với lượng phát thải các-bon thấp, nhưng nếu có một thỏa thuận quốc tế thì quá trình thay đổi này sẽ diễn ra nhanh chóng và toàn diện hơn gấp nhiều lần.
Việt Nam là một nước có nhiều nỗ lực trong triển khai ứng phó với biến đổi khí hậu. Trong đó, đáng chú ý là việc xây dựng khá sớm Chương trình Mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu (2008) và thành lập Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu (2012). Hệ thống văn bản pháp luật về công tác ứng phó đến từng địa phương cũng được ban hành. Với sự tham gia của các tổ chức quốc tế, Việt Nam là một những quốc gia triển khai sớm nhất các dự án CDM (Cơ chế phát triển sạch), các chương trình hành động trong khuôn khổ REDD+ (Giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng), NAMA (Kế hoạch hành động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia)… và đã có những báo cáo đánh giá hiệu quả cụ thể. Theo ông Knoos Neefies, Chuyên gia quốc tế về biến đổi khí hậu, đây là điều kiện quan trọng để tiếng nói của Việt Nam có sức nặng tại COP 21 sắp tới.
Báo TN&MT