.Bà Lê Thị Minh Tâm (TP. Hà Nội) phản ánh, tình trạng ô nhiễm môi trường tại lưu vực sông Nhuệ đoạn qua xã Cự Khê, huyện Thanh Oai đang ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của người dân trong xã. Nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt bị nhiễm độc, khiến người dân mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Qua Cổng TTĐT Chính phủ, bà Tâm đề nghị cơ quan chức năng xem xét, có phương án xử lý tình trạng ô nhiễm tại lưu vực sông Nhuệ và ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt.
Về vấn đề này, Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) có ý kiến như sau:
Về ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ
Trong những năm gần đây, sự phát triển kinh tế - xã hội trên sông Nhuệ diễn ra rất mạnh mẽ, đem lại nhiều lợi ích kinh tế góp phần nâng cao đời sống cho người dân, giải quyết công ăn việc làm cho một số lượng lớn người lao động.
Tuy nhiên, ngoài những lợi ích mang lại thì tình trạng ô nhiễm môi trường nói chung và môi trường nước nói riêng trên sông Nhuệ ngày càng gia tăng, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ cho cộng đồng dân cư sống quanh vùng.
Qua kết quả phân tích chất lượng nước sông Nhuệ định kỳ hàng năm cho thấy tại khu vực đầu nguồn (sau khi nhận nước sông Hồng), nước sông hầu như không bị ô nhiễm. Từ đoạn sông chảy qua khu vực Hà Đông (Phúc La) cho tới trước khi nhận nước sông Tô Lịch, nước đã bắt đầu bị ô nhiễm.
Nguyên nhân gây ô nhiễm chủ yếu do nước thải sinh hoạt của quận Hà Đông và nước thải sản xuất của Cụm công nghiệp Từ Liêm, làng bún Phú Đô, làng nghề Cát Quế, Dương Liêu đổ vào sông...
Sau khi tiếp nhận nước thải của sông Tô Lịch, nước sông Nhuệ bị ô nhiễm cao hơn. Nước thải sông Tô Lịch là nguyên nhân chính gây ô nhiễm cho sông Nhuệ, đặc biệt tại điểm cầu Tó trở đi. Ngoài ra, sông Nhuệ còn là nơi tiếp nhận nước thải từ hoạt động sản xuất công nghiệp, làng nghề chưa qua xử lý; tình trạng đổ phế thải, rác thải xuống sông còn phổ biến; tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép hai bên bờ sông vẫn diễn ra.
Theo đó, có thể nói đoạn sông Nhuệ chảy qua xã Cự Khê, huyện Thanh Oai, TP. Hà Nội là khu vực có chất lượng nước thuộc mức độ bị ô nhiễm cao trên toàn bộ dòng sông Nhuệ.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên sông Nhuệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và UBND 5 tỉnh, thành phố trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy xây dựng Đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy và đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 57/2008/QĐ-TTg ngày 29/4/2008.
Ngoài ra, Bộ cũng đang triển khai các Chương trình có liên quan như Chương trình mục tiêu Quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường; Xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg...
Công tác thanh tra, kiểm tra, cấp phép, thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đã và đang được Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND TP. Hà Nội triển khai thực hiện thường xuyên hàng năm và phát hiện xử lý các hành vi vi phạm đối với công tác bảo vệ môi trường. Ngoài ra, UBND TP. Hà Nội đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường nước.
Trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý triệt để các nguồn thải gây ô nhiễm đang xả thải vào sông Nhuệ; đồng thời, phối hợp chặt chẽ với UBND TP. Hà Nội và các Bộ, ngành liên quan triển khai các dự án thu gom, xử lý nước thải đô thị.
Về ô nhiễm nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt
Về việc nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt tại xã Cự Khê, huyện Thanh Oai bị nhiễm độc, khiến người dân mắc nhiều bệnh nguy hiểm. Đối với vấn đề này, để làm rõ nguyên nhân người dân mắc bệnh cần phải có các nghiên cứu và đánh giá chuyên sâu của các cơ quan chuyên môn và cần có sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan như Bộ Y tế, Bộ Công Thương, UBND TP. Hà Nội phối hợp cùng thực hiện.
Do vậy, trong thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ phối hợp với đơn vị liên quan, tiến hành điều tra, đánh giá, đặc biệt là đoạn sông Nhuệ chảy qua xã Cự Khê. huyện Thanh Oai để tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh và đưa ra các giải pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm và bảo vệ sức khỏe người dân nơi đây.
Theo Báo TN&MT