Ngày 28/7/2015, Bộ Công Thương đã tổ chức hội nghị tổng kết Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) giai đoạn 2010 – 2015.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng, Trưởng ban chỉ đạo đã đánh giá cao các hoạt động mà ngành đạt được trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với BĐKH của Bộ Công Thương giai đoạn 2010 - 2015. Thứ trưởng nhấn mạnh, nhiệm vụ của ngành công thương là rất nặng nề trong bối cảnh BĐKH đã trở thành vấn đề mang tính cấp bách, các cơ hội đan xen nhau nhưng các thách thức cũng đòi hỏi sự hợp tác lâu dài không chỉ trong nước mà còn trên phạm vi toàn cầu.Trong bối cảnh tác động mạnh của BĐKH, ngành Công Thương mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác của các tổ chức hợp quốc tế, các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp trong việc đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế xanh, phát triển các bon thấp…
Giai đoạn 2010 - 2015, mặc dù còn nhiều khó khăn, song các Chương trình, Đề án có liên quan đến BĐKH do Bộ Công Thương thực hiện đã có nhiều đóng góp đáng kể. Để triển khai Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2010, Bộ Công Thương đã chủ trì triển khai thực hiện Chương trình MTQG về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả theo Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 01/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ, một số chính sách quan trọng đã được xây dựng để thực hiện nhằm đạt mục tiêu tiết kiệm từ 5 - 8% tổng mức tiêu thụ năng lượng của cả nước trong giai đoạn 2012 – 2015 so với dự báo nhu cầu năng lượng theo Quy hoạch điện VII.
Đối với việc triển khai Chiến lược phát triển năng lượng Việt Nam, Bộ Công Thương đã chủ trì xây dựng các chính sách hỗ trợ phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện sinh khối, điện từ chất thải rắn và đang tiếp tục cho lĩnh vực năng lượng mặt trời. Bên cạnh đó, với mục tiêu nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững, Bộ Công Thương đã triển khai Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp giai đoạn 2010 - 2020 đạt được một số kết quả quan trọng gồm: xây dựng trên 20 hướng dẫn kỹ thuật sản xuất sạch hơn cho các ngành dệt, giấy, tinh bột sắn, bia, mạ điện, đúc, xi măng, tấm lợp, sơn, dừa, NPK...; xây dựng được các giải pháp về quản lý nội vi, cải tiến kỹ thuật, thay đổi công nghệ, nâng cao công suất.
Hàng năm, chương trình đã bố trí hàng trăm dự án đầu tư, hỗ trợ, trong đó có khoảng 20% các dự án có nội dung liên quan đến áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường. Kết quả thực hiện đã góp phần không nhỏ cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thúc đẩy các hoạt động áp dụng sản xuất sạch hơn tại doanh nghiệp mình.
Bộ Công Thương đã lựa chọn thực hiện 14 nhiệm vụ đánh giá tác động của BĐKH, nước biển dâng đến các lĩnh vực ngành Công Thương, đến nay đã xây dựng được 13 báo cáo kỹ thuật đánh giá tác động của BĐKH, nước biển dâng đến các lĩnh vực công nghiệp, thương mại nhạy cảm ngành công thương và đề xuất giải pháp ứng phó. Theo đó, các ngành, lĩnh vực đã được triển khai gồm: Các lĩnh vực công nghiệp: Khai thác than, sản xuất hóa chất, sản xuất thép, khai thác khoáng sản (titan, sắt và apatit), hạ tầng sản xuất và truyền tải ngành điện, lĩnh vực thủy điện, ngành sản xuất giấy và bột giấy, và lĩnh vực thương mại; Các Quy hoạch phát triển công nghiệp và Quy hoạch phát triển thương mại (bao gồm quy hoạch phát triển hạ tầng và định hướng phát triển); Vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng trong bối cảnh BĐKH.
Cũng tại Hội nghị, ông Trương Đức Trí, Phó Cục trưởng Cục Khí tượng thuỷ văn và BĐKH - Bộ Tài nguyên và Môi trường nhấn mạnh, trong 5 năm tới, Chương trình MTQG ứng phó với BĐKS sẽ tập trung vào việc tăng cường năng lực giám sát BĐKH; dự báo, cảnh báo thiên tai, lũ lụt, hạn hán, xâm nhập mặn trong điều kiện BĐKH; Xây dựng hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá công tác ứng phó với BĐKH, tăng trưởng xanh tại các Bộ, ngành, địa phương; Tiếp tục thực hiện công tác truyền thông, nâng cao nhận thức công đồng về BĐKH, tăng trưởng xanh; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm tranh thủ sự hỗ trợ về tài chính, khoa học, công nghệ; Triển khai các mô hình thích ứng với BĐKH và giảm nhẹ phát thải nhà kính.
Ông Trương Đức Trí khẳng định, với những hoạt động trọng tâm về BĐKH này, Bộ Công Thương đã khẳng định vai trò và trách nhiệm rất lớn trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế các-bon thấp, tăng trưởng xanh, trong đó trọng tâm là phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng nhằm giảm nhẹ phát thải khí nhà kính ở Việt Nam
Nguồn monre