Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận vừa ký ban hành Kế hoạch số 4994/KH-UBND thực hiện Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.
Theo đó, Bình Thuận sẽ đẩy mạnh công tác thu gom, phân loại, lưu giữ, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh; phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu phát sinh chất thải rắn trong sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và dịch vụ; đẩy mạnh xã hội hoá và thu hút đầu tư trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt; ứng dụng các công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường, khuyến khích sử dụng, tiêu thụ các sản phẩm từ quá trình xử lý chất thải rắn.
Đến năm 2025, Bình Thuận phấn đấu 100% tổng lượng chất thải rắn nguy hại phát sinh từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ sở y tế, làng nghề phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường; 85% chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường; 100% các nhà sản xuất thiết bị điện tử phải thiết lập và công bố các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định.
Về chất thải rắn sinh hoạt đô thị, tất cả các đô thị loại đặc biệt và loại I đều có công trình tái chế chất thải rắn phù hợp; 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh tại các đô thị được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường; tăng cường khả năng tái chế, tái sử dụng, xử lý kết hợp thu hồi năng lượng hoặc sản xuất phân hữu cơ; phấn đấu tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp trực tiếp đạt tỷ lệ dưới 30% so với lượng chất thải được thu gom.
Để đạt được những mục tiêu trên, UBND tỉnh Bình Thuận yêu cầu các Sở, ngành và địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh kịp thời các đồ án, dự án xử lý chất thải rắn cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của địa phương; xây dựng lộ trình và kế hoạch để triển khai thực hiện theo đồ án quy hoạch, các dự án xử lý chất thải rắn đã được phê duyệt; rà soát, điều chỉnh bổ sung kịp thời các văn bản và cơ chế chính sách có liên quan về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, bố trí quỹ đất cho đầu tư xây dựng các cơ sở xử lý chất thải rắn phù hợp với mục tiêu phát triển của từng giai đoạn theo quy hoạch chất thải rắn, quy hoạch xây dựng và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; giám sát trách nhiệm của chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng xử lý chất thải rắn trên địa bàn trong quá trình đầu tư xây dựng và đưa công trình vào khai thác, sử dụng; xác định danh mục, dự án xử lý chất thải rắn ưu tiên đầu tư.
Ngoài ra, tăng cường vai trò của các tổ chức đoàn thể xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tổ chức và cá nhân, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc giữ gìn và bảo vệ môi trường, phân loại chất thải rắn tại nguồn, thải bỏ chất thải rắn đúng nơi quy định; sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường, thu gom và vận chuyển chất thải rắn theo đúng quy định; đề xuất các giải pháp thu gom và xử lý kịp thời khối lượng chất thải rắn phát sinh trên địa bàn quản lý.
Linh Nga
Theo baotainguyenmoitruong