Logo
phone
Hotline: 02437327155
Biến đổi khí hậu đang là mối nguy lớn nhất đối với Trái Đất
  12/06/2015
icon-zalo

 


 

Hồ chứa nước New Melones ở California, Mỹ bị cạn khô do hạn hán kéo dài. (Nguồn: AFP/TTXVN)

 

Tình trạng biến đổi khí hậu đang trở thành vấn đề được bàn thảo ngày càng nhiều. 


Vào trung tuần tháng 4, trong bài diễn văn trước ngày Trái Đất năm nay, Tổng thống Mỹ Barack Obama nhấn mạnh rằng biến đổi khí hậu là mối nguy lớn nhất đối với hành tinh chúng ta.


Vào cuối tháng 4, một nghiên cứu do tiến sỹ Erich M. Fischer và đồng nghiệp Reto Knutti thuộc Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sỹ ở Zurich thực hiện đã được công bố trên tạp chí Nature Climate Change. 
Nghiên cứu này nêu ra rằng tình trạng ấm nóng toàn cầu từng xảy ra, như hậu quả của phát thải từ hoạt động con người, đã tăng gấp 4 lần tần suất những đợt nóng cực độ kể từ thời Cách mạng Công nghiệp.
Giới khoa học cũng cảnh báo nếu không kiểm soát được khí thải gây hiệu ứng nhà kính, tình trạng ấm nóng toàn cầu sẽ dẫn tới mức tăng đến 62 lần những đợt cực nóng. 


Đợt nắng nóng ở Chicago vào năm 1995 khiến hàng trăm người thiệt mạng, trong khi đó đợt nóng vào năm 2003 ở châu Âu khiến chừng 70.000 người chết.


Một nghiên cứu khác do nhà sinh thái Mark Urban thuộc Đại học Connecticut (Mỹ) thực hiện đăng trên tạp chí Science vào đầu tháng 5 cảnh báo 1/6 loài trên Trái Đất có thể sẽ bị tiêu diệt, nếu như hiện nay không có hành động ngay chặn đứng hiện tượng biến đổi khí hậu.


Các loài lưỡng cư và bò sát sẽ phải đối diện nguy cơ tuyệt chủng lớn nhất, do nhiệt độ gia tăng khiến các dạng thức thời tiết và cây cỏ đổi thay. Do đó các loài buộc phải di chuyển đến những vùng mát hơn để sống còn.
Theo nhà sinh thái Mark Urban, nếu nhiệt độ Trái Đất tăng trung bình 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp hóa và cứ giữ ở mức đó thì hơn 5% các loài sẽ bị tiêu diệt. Còn trong trường hợp nhiệt độ tăng lên mức 4,3 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp hóa, thì cứ một trong sáu loài trên Trái Đất sẽ biến mất.


Giới khoa học cho rằng cần phải có cắt giảm, mới bảo đảm tình trạng ấm nóng toàn cầu không lên đến mức nguy hiểm cho Trái Đất.

 
Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (IPCC), cho rằng trong thế kỷ này nhiệt độ trung bình của Trái Đất có thể tăng 4,8 độ C. Đây là nguyên nhân gây ra hạn hán, lụt lội và nước biển dâng.
Để có thể giảm thiểu nguồn phát thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái Đất tiếp tục ấm nóng lên, nhiều biện pháp công nghệ được đưa ra. Tuy nhiên cần phải có nguồn kinh phí để ứng dụng các công nghệ mới, giảm bớt và đi đến loại trừ những loại nhiên liệu thải khí gây hiệu ứng nhà kính.


Bà Christiana Figueres, viên chức điều hành Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu vào đầu tháng 5 nói rằng tiến bộ công nghệ giúp giảm chi phí và tăng hiệu quả của những loại năng lượng tái tạo kể từ năm 2009, đã làm chuyển biến quan điểm về tình hình biến đổi khí hậu, song từ đó đến nay nỗ lực đạt được một thỏa thuận toàn cầu về mức giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn bất thành.
Theo bà Chritiana Figueres, giá cả của những tấm pin Mặt Trời giảm đến 80% kể từ cuộc họp thượng đỉnh Copenhagen ở Đan Mạch. Bên cạnh đó, pin Mặt Trời hiện nay cũng hiệu quả hơn đến 40%, trong đó có những tấm pin Mặt Trời Tesla. Giá điện Mặt Trời tại ít nhất 60 quốc gia được giảm ngang bằng hay thậm chí rẻ hơn điện từ mạng lưới hiện tại. Thống kê cho thấy năm 2014 khoản đầu tư cho năng lượng tái tạo lên đến con số kỷ lục từ trước đến nay là 271 tỷ USD. 


Cũng sau thượng đỉnh biến đổi khí hậu Copenhagen, số luật và quy định liên quan năng lượng tái tạo cũng tăng 20 lần. Điều này cho thấy rằng khung pháp lý của thế giới được điều chỉnh theo hướng phát triển năng lượng sạch hơn.

Vào tháng 2, các nhà thương thảo Liên hợp quốc đưa ra dự thảo thỏa thuận về khí hậu mà các quốc gia sẽ ký kết vào tháng 12 năm nay ở thượng đỉnh Paris . Bản dự thảo hoàn tất sớm trước kế hoạch đến 4 tháng. 
Nếu so với kỳ thượng đỉnh Copenhagen thì lần này có tiến bộ hơn dù rằng thỏa thuận Paris cũng không mong chặn đứng tình trạng biến đổi khí hậu hiện nay; nhưng đây là lần đầu tiên mà tất cả 194 quốc gia thống nhất với nhau cần phải thực thi một điều gì đó. 
Trước đây chỉ có những quốc gia giàu có đưa ra cam kết giới hạn lượng phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, chủ yếu là carbon dioxide, do đốt than, dầu mỏ và khí đốt. Năm ngoái hai nước phát thải lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Mỹ công bố những mức cắt giảm cho thỏa thuận Paris có hiệu lực từ năm 2020.


Trong khi đó, Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF) vừa công bố một nghiên cứu cho thấy việc mở rộng các khu bảo tồn biển (MPA) có thể giúp kiến tạo khoảng 180.000 việc làm và tạo ra trên 920 tỷ USD vào năm 2050. 
Thông báo cáo chí của tổ chức này chỉ ra rằng cứ mỗi USD đầu tư vào tạo lập MPA sẽ mang lại lợi ích kinh tế nhiều gấp ít nhất ba lần, thông qua các yếu tố như tạo thêm việc làm, bảo vệ bờ biển và thủy hải sản. 
Theo nghiên cứu của trường Đại học VU tại thành phố Amsterdam, lợi ích kinh tế của việc bảo vệ đại dương sẽ lớn hơn nhiều so với chi phí phải bỏ ra, góp phần giảm bớt các thiệt hại do tình trạng đánh hải sản bắt quá mức, hạn chế ô nhiễm và các yếu tố môi trường khác.


Tại thời điểm này, chỉ có chưa đến 4% số đại dương được bảo vệ và WWF đang kêu gọi nâng con số này lên lần lượt là 10% và 30% vào năm 2020 và 2030. Việc đầu tư vào MPA là cần thiết do đây là một trong những cách để thu hút và duy trì du lịch vùng ven biển cũng như các dịch vụ vui chơi giải trí đi kèm, hỗ trợ tăng trưởng việc làm và thương mại. 


Không những vậy, MPA còn giúp tăng số lượng tôm cá, mật độ cũng như tính phong phú của các loài động thực vật biển, đồng thời góp phần chống lại tình trạng biến đổi khí hậu. WWF kêu gọi các chính phủ các nước trên thế giới chú trọng đến hoạt động bảo vệ biển khi nhóm họp vào tháng Chín tới để thống nhất về những mục tiêu và chương trình hành động quốc tế vì sự phát triển bền vững.


Ngoài việc cam kết giảm phát thải, một số quốc gia giàu có trên thế giới như Mỹ, Nhật Bản đều cam kết đóng góp cho một quỹ của Liên hợp quốc để giúp các nước đang phát triển ứng phó với tác động bất lợi của biến đổi khí hậu do tình trạng ấm nóng gây nên, cũng như cắt giảm những khí thải gây hiệu ứng nhà kính và nghiên cứu ứng dụng những loại năng lượng tái tạo, năng lượng sạch. Quỹ Khí hậu xanh vào cuối tháng 4 cho biết những quốc gia tài trợ đã ký kết văn bản tài trợ được chừng 4 tỷ USD. Nhưng mức này chỉ được 42% của tổng khoản được cam kết vào cuối năm ngoái là hơn 10 tỷ USD. Nước Anh và Đức dẫn đầu khi ký thỏa thuận đóng góp với khoản của London là 1,2 tỷ USD và Berlin là 1 tỷ USD; tiếp đến là các quốc gia châu Âu Thụy Điển, Pháp, Na Uy, Hà Lan.


Trong khi đó, Mỹ hứa đóng 3 tỷ USD và Nhật Bản 1,5 tỷ USD cho Quỹ Khí hậu xanh nhưng đến hạn quy định vào cuối tháng Tư vừa qua hai nước vẫn chưa ký thỏa thuận góp tiền. Giám đốc điều hành Quỹ Khí hậu xanh của Liên hợp quốc, bà Hela Cheikhrouhou cho rằng quỹ này là một phần thiết yếu của thỏa thuận Paris. Theo bà, những nền kinh tế đang trổi dậy cần phải đầu tư chừng 2.500 tỷ USD mỗi năm vào các ngành như năng lượng, giao thông vận tải, nông nghiệp, công nghiệp; song song đó họ cần phải đầu tư thêm 450 tỷ USD để bảo đảm những khoản đầu tư mới được xanh, tức không tiếp tục gây hại cho môi trường Trái Đất./.

 

Nguồn VN+

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt