Khởi công công trình xây dựng hệ thống xử lý nước thải làng nghề Bình Thắng
Xử lý ô nhiễm là một giải pháp giúp làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng (Bình Đại – Bến Tre) phát triển một cách bền vững, duy trì sinh kế cho người dân.
Đặc quánh ô nhiễm
Bình Đại là một huyện ven biển của tỉnh Bến Tre với lợi thế về đánh bắt, khai thác trên biển, nuôi thủy sản các loại và chế biến đã và đang được huyện đặc biệt quan tâm vì đã xác định là mũi nhọn, thế mạnh trong phát triển kinh tế nói chung và ngành thủy sản nói riêng. Trong đó,
Làng nghề chế biến cá khô Bình Thắng đã tồn tại trên 50 năm. Làng nghề nằm ở Cửa Đại, cửa sông lớn nhất của hệ thống sông Cửu Long. Bởi thế nghề chế biến cá rất phát triển. Khoảng 70% dân cư sống chủ yếu bằng nghề đánh bắt và nuôi trồng thủy sản và 50% hộ dân sống bằng nghề thu mua và chế biến thủy, hải sản.
Sự phát triển của làng nghề tỷ lệ thuận với sự gia tăng là các vấn đề về ô nhiễm môi trường như: rác thải sản xuất, sinh hoạt, nước thải từ làng nghề làm tắt nghẽn dòng chảy các mương rãnh thoát nước.
Theo ông Trần Tấn Công, Phó Chủ tịch huyện Bình Đại (Bến Tre), nước thải sản xuất làng nghề là một trong những nguyên nhân chính gây lên tác động tiêu cực tới môi trường, làm thay đổi môi trường sinh thái ở đây. Trước năm 2014, các hộ sản xuất trong làng không có hệ thống thu gom và xử lý. 4 sông kênh rạch chính và các ao hồ của làng nghề hiện có dấu hiệu quá tải tràn, đầy, bồi tụ, . . . ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nước nguồn nước mặt.
Đời sống người dân khấm khá lên nhưng không khí trong làng lúc nào cũng đặc quánh một mùi khó chịu, người dân mắc bệnh về hô hấp, tiêu hóa nhiều hơn.
Sự đổi thay từ một dự án
Nhận thấy sự cấp thiết phải giải bài toán ô nhiễm môi trường ở Bình Thắng, đầu năm 2014, UBND tỉnh Bến Tre đã phê duyệt và triển khai dự án đầu tư xây dựng công trình hệ thống xử lý nước thải làng nghề Bình Thắng. Dự án nằm trong chương trình mục tiêu quốc gia về khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường giai đoạn 2012-2015.
Dự án được xây dựng trên diện tích hơn 5.000 m2, nằm tách biệt với trung tâm làng nghề. Đến nay, dự án đã thực hiện xong trạm xử lý nước thải công suất 300m3/ngày đêm, xây dựng đường cống thu gom nước thải xây dựng hệ thống thoát nước mưa dọc theo các tuyến lộ trung tâm làng nghề với tổng mức vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ và Ngân sách địa phương đối ứng.
Ông Trần Tấn Công cho biết, còn một phần của dự án là cải tạo môi trường và cảnh quan rạch Bà Khoai đang chờ kinh phí để xây dựng.
Dự án sẽ nạo vét rạch và xây dựng kè bảo vệ mái bằng, xây dựng đường dạo rộng 2m bằng bê tông cặp 2 bên bờ kênh, lắp đặt hệ thống lan can an toàn và hệ thống đèn chiếu sáng tạo cảnh quan, với tổng số hộ cần phải thu hồi đất để phục vụ dự án khoảng 192 hộ, diện tích 3.087,2m2. Qua đó, sẽ góp phần phát huy hiệu quả của toàn bộ dự án, giải quyết tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng do nguồn nước thải sản xuất và sinh hoạt ứ đọng, tắt nghẽn dòng chảy trên tuyến kênh Bà Khoai.
Người dân Bình Thắng mong đợi khi dự án xây dựng hệ thống xử lý nước thải này hoàn thành và vận hành đầy đủ góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường do nguồn nước thải sản xuất và sinh hoạt phát sinh từ làng nghề, đảm bảo thu gom và xử lý nước thải triệt để theo các quy chuẩn môi trường hiện hành, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm và chấm dứt tình trạng ngập úng trong thời gian qua.
Theo monre