Logo
phone
Hotline: 02437327155
Bảo vệ môi trường từ việc quản lý sử dụng hóa chất
  05/05/2015
icon-zalo

 

Thời gian qua, những sự cố môi trường liên quan đến hóa chất độc hại ở các doanh nghiệp vẫn xảy ra tại nhiều địa phương trong cả nước. Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, đây là những hiểm họa gây ô nhiễm, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và phá hủy môi trường sinh thái.

 

 

 

Sự cố lật xe hóa chất tại tỉnh Đồng Nai.  (Nguồn: Báo Tuổi trẻ).


Báo động ô nhiễm từ sự cố hóa chất

 

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong cả nước, địa phương có nguy cơ xảy ra sự cố an toàn hóa chất cao nhất là Thành phố Hồ Chí Minh. Kết quả thống kê từ năm 2010 - 2014, trên địa bàn Thành phố đã xảy ra 7 vụ cháy nổ liên quan đến hóa chất, làm chết 8 người và bị thương 7 người, thiệt hại tài sản trên 40 tỷ đồng. Riêng trong năm 2014 xảy ra 4 vụ, làm chết 7 người, bị thương 6 người, thiệt hại trên 30 tỷ đồng.

 

Một số ví dụ điển hình của việc vi phạm các quy định quản lý hóa chất là vụ lật xe tải chở axit tại đường Bùi Văn Hòa, phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Vụ lật xe khiến khoảng 5.000 lít axit đã đổ tràn lênh láng ra đường bốc mùi nồng nặc, tỏa khói mù mịt khiến người đi đường hoảng loạn. Hay sự cố rò rỉ 300 tấn hóa chất LAB ra sông Cấm của Công ty Hóa chất Soft-SCC (Hải Phòng) vào tháng 11/2014. Tiếp đến là vụ nổ kinh hoàng ở Công ty Sản xuất Dịch vụ Thương mại Đặng Huỳnh (phường Thới An, quận 12, TP HCM) vào cuối năm 2014, khiến 8 người thương vong và hơn 100 căn nhà đổ sập hoàn toàn, hư hỏng một phần và nứt tường tốc mái.

 

Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do thiết bị, vận hành, người lao động không được trang bị kiến thức và thông tin không đầy đủ, doanh nghiệp thiếu kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Những vụ việc trên ngoài gây thiệt hại lớn về người và tài sản còn làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng tới đời sống nhân dân.

 

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, số doanh nghiệp không trang bị thiết bị cho ứng phó sự cố hóa chất chiếm 45%. Số lãnh đạo quản lý không nhận thức các quy định về an toàn hóa chất là 20%. Tình trạng lơ là, mất cảnh giác với cháy nổ hóa chất còn thấy rất rõ ở cả các doanh nghiệp sản xuất đặc thù hàng ngày, hàng giờ phải sống chung với hóa chất độc hại.

 

Tăng cường các hoạt động kiểm tra, ứng phó sự cố

 

Theo đánh giá của các chuyên gia môi trường, những sự cố hóa chất xảy ra trong thời gian qua một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo công tác quản lý việc mua bán hóa chất quá lỏng lẻo tại nhiều nơi, tiềm ẩn nguy cơ lớn. Các loại hóa chất cực độc, cực nguy hiểm, thậm chí là hóa chất dùng để điều chế thuốc nổ dễ dàng mua được tại các chợ lớn.

 

Cùng với đó, nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nằm xen kẽ trong các khu dân cư đông đúc đang âm thầm điều chế những “quả bom” có sức công phá lớn có thể nổ bất cứ lúc nào. Thậm chí, một đứa trẻ chưa đủ vị thanh niên cũng có thể dễ dàng mua hóa chất đem về phòng để chế thuốc nổ. Đó là mối nguy hiểm tiềm tàng đang ngày ngày đe dọa mạng sống và môi trường của cộng đồng.

 

Các vụ nổ hóa chất nghiệm trọng xảy ra gần đây cảnh báo về sự mất an toàn lao động tại các nhà máy hóa chất và cư dân sinh sống xung quanh. Nếu không có các giải pháp phòng chống hoặc ứng phó với việc xảy ra sự cố rò rỉ, nổ hóa chất thì hệ lụy kèm theo là vô cùng lớn đối với con người và môi trường.

 

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Bùi Cách Tuyến, để kiểm soát tốt hoạt động vận chuyển buôn bán chất thải và hóa chất, các cán bộ cần phải nắm rõ và thực thi hiệu quả các Công ước quốc tế, cũng như các quy định quốc gia về môi trường. Đây là một trong những biện pháp quan trọng trong việc bảo vệ môi trường và sức khỏe nhân dân.

 

Ông Đoàn Xuân Hòa - Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhấn mạnh: Tất cả các nhà máy hóa chất cần đưa thêm tiêu chí nghiêm ngặt về môi trường trong quy hoạch, nhất là hệ thống tuần hoàn nước thải, đặc biệt là dự án mở rộng dây chuyền tuyển quặng apatit. Thêm nữa, cần đầu tư về trình độ và công nghệ; có quy định rõ ràng cho phép công nghệ nào thì được đầu tư, các tiêu chuẩn về khí thải, nước thải…

 

Đặc biệt, để khắc phục sự cố hóa chất trong thời gian tới, theo Trung tâm Dữ liệu và Hỗ trợ ứng phó sự cố hóa chất trực thuộc Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), đơn vị này sẽ phối hợp liên ngành tăng cường các hoạt động thanh tra, kiểm tra công tác an toàn, ứng phó sự cố hóa chất của các doanh nghiệp, đặc biệt các cơ sở sản xuất, kinh doanh, sử dụng lượng lớn hoá chất, có nhiều nguy cơ xảy ra sự cố hóa chất. Kiểm tra, cải tạo nâng cấp kho chứa hóa chất nguy hiểm. Đảm bảo đủ các trang thiết bị an toàn, phòng chống cháy, nổ, phòng chống rò rỉ, phát tán hóa chất độc hại theo quy định và đảm bảo khả năng ứng phó tại chỗ khi sự cố hóa chất xảy ra.

 

Đồng thời, Trung tâm cũng sẽ triển khai thực hiện kế hoạch tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, dán băng rôn, khẩu hiệu về nguy cơ, tác hại của sự cố hóa chất và trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất nhằm bảo vệ sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường./.

 

Nguồn dangcongsan

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt