Logo
phone
Hotline: 02437327155
Báo động về ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp ở Việt Nam
  12/06/2015
icon-zalo

 

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển công nghiệp trong nước và thu hút đầu tư nước ngoài nhằm phát triển đất nước theo định hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, từ năm 1991, Chính phủ Việt Nam chủ trương xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN). Theo thống kê, đến tháng 6/2012 cả nước có 334 KCN đã được phê duyệt thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên là 90.900 ha, trong đó có 232 KCN đã đi vào hoạt động và 102 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Vùng kinh tế trọng điểm Miền Nam có 159 KCN, chiếm gần 50% tổng số KCN trên cả nước. Việc phát triển các KCN trên cả nước là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, hiệu quả kinh tế xã hội mà các KCN mang lại đã thấy rõ, hàng năm tạo ra 40% giá trị sản xuất công nghiệp, hơn 60% giá trị xuất khẩu của cả nước và giải quyết việc làm cho hơn 1,6 triệu lao động trực tiếp và gần 1,8 triệu lao động gián tiếp (Bộ KH&ĐT, 2012).


Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực, quá trình phát triển công nghiệp nói chung và hệ thống các KCN nói riêng ở Việt Nam đang tạo ra nhiều thách thức lớn về ô nhiễm môi trường do chất thải rắn, nước thải và khí thải công nghiệp. Theo đánh giá của Ngân hàng thế giới, Việt Nam có thể phải chịu tổn thất do ô nhiễm môi trường lên tới 5,5% GDP hàng năm. Mỗi năm Việt Nam cũng thiệt hại 780 triệu USD trong các lĩnh vực sức khỏe cộng đồng vì ô nhiễm môi trường.


Thực trạng ô nhiễm môi trường tại các KCN


Ô nhiễm môi trường nước do nước thải từ KCN trong những năm gần đây là rất lớn, tốc độ gia tăng này cao hơn rất nhiều so với tổng nước thải từ các lĩnh vực khác. Tính đến tháng 6/2012, có khoảng 62% các KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung nhưng theo đánh giá chung của Cục cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường PC49, các công trình này dù đã đi vào hoạt động nhưng hiệu quả không cao, dẫn đến tình trạng 75% nước thải KCN thải ra ngoài với lượng ô nhiễm cao. Điển hình là Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam gồm Tp. Hồ Chí Minh (TPHCM), Đồng Nai và Bình Dương được xem là khu vực tập trung nhiều KCN và dự án FDI lớn nhất cả nước, mặc dù tỷ lệ xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung ở khu vực này khá cao, nhưng tình trạng vi phạm các qui định về môi trường vẫn thường xuyên xảy ra. Bởi vậy không có gì lạ khi nhiều kênh rạch ở TPHCM hiện nay như Tham Lương, Ba Bò, Thầy Cai, An Hạ… đang được coi là những dòng kênh chết với màu đen ngòm và mùi hôi nồng nặc vì dòng chảy chở theo lượng nước thải khổng lồ và rác thải đủ loại từ các hoạt động sản xuất công nghiệp cũng như sinh hoạt. Đa số các doanh nghiệp hiện nay đều dùng các thủ đoạn tương tự nhau, xây dựng hệ thống ngầm kiên cố xả thẳng ra sông, rạch, chẳng hạn như công ty Hào Dương, Phạm Thu, Tường Trung, Tân Nhật Dũng tại TPHCM, hoặc lợi dụng thủy triều lên xuống để pha loãng nước thải chưa qua xử lý đưa ra môi trường mà gần đây nhất chính là sự kiện của công ty cổ phần Sonadezi Long Thành - Đồng Nai


Ô nhiễm môi trường, không khí, thường chủ yếu tập trung tại các KCN cũ, do các KCN này đang sử dụng công nghệ sản xuất lạc hậu hoặc chưa được đầu tư hệ thống xử lý khí thải trước khi thải ra môi trường. Ô nhiễm không khí tại các KCN chủ yếu là bụi, một số KCN có biểu hiện ô nhiễm CO2, SO2 và tiếng ồn.


Trong khi đó tại các KCN mới, do được đầu tư công nghệ hiện đại, hệ thống xử lý khí thải đồng bộ trước khi xả thải ra môi trường, dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường không khí tại các KCN này đã được cải thiện một cách rõ rệt. Thống kê cho thấy, năm 2011 mỗi ngày các KCN nước ta thải ra khoảng 8000 tấn chất thải rắn (CTR), tương đương khoảng ba triệu tấn một năm. Tuy nhiên, lượng CTR đang tăng lên cùng với việc gia tăng tỷ lệ lấp đầy các KCN, nếu như tính trung bình cả nước, năm 2005 - 2006, một ha diện tích đất cho thuê phát sinh CTR khoảng 134 tấn/năm, thì đến năm 2008 - 2009, con số này đã tăng lên 204 tấn/năm (tăng 50%). Sự gia tăng phát thải trên đơn vị diện tích đã phản ánh sự thay đổi trong cơ cấu sản xuất công nghiệp, xuất hiện các ngành có mức phát thải cao và quy mô ngày càng lớn tại các khu công nghiệp và dự báo tổng phát thải CTR từ các KCN năm 2015 sẽ vào khoảng 6 đến 7,5 triệu tấn/năm và đến năm 2020 đạt từ 9 đến 13,5 triệu tấn/năm.


Giải pháp khắc phục


Các chuyên gia đều có chung nhận định vấn đề ô nhiễm môi trường  tại các KCN đang trở thành một vấn đề môi trường cấp bách của đất nước, làm suy thoái môi trường, đe dọa trực tiếp đến các thành quả về phát triển kinh tế - xã hội, cũng như tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân. Ðể từng bước khắc phục tình trạng nói trên, thời gian tới các cơ quan chức năng cần lưu ý những vấn đề sau:


Một là, tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra pháp luật về bảo vệ môi trường tại các KCN, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm, cũng như kiên quyết đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật.


Hai là, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động đánh giá môi trường chiến lược, tác động môi trường đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và dự án phát triển, nhất là ở khâu thẩm định, kiểm tra sau thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường nhằm bảo đảm các dự án trước khi đi vào hoạt động được xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp bảo vệ môi trường, đồng thời chỉ cho phép xây dựng các nhà máy, dự án trong KCN sau khi đã hoàn thành cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình bảo vệ môi trường.


Ba là, cần sửa đổi, bổ sung Nghị định số 140/2006/NÐ-CP của Chính phủ về quy định việc bảo vệ môi trường trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển theo hướng làm rõ đối tượng áp dụng, tăng cường hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm tra và các chế tài xử lý. 
Bên cạnh đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và cộng đồng dân cư trong việc giám sát thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại các địa phương....

 

Nguồn NCSEIF

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt