Nếu như người dân đô thị phải đối mặt với tình trạng tiếng ồn, rác thải sinh hoạt, khói bụi... thì người dân ngoại thành Hà Nội và một số vùng nông thôn lại phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường do chất thải từ chăn nuôi và đặc biệt là ô nhiễm từ các làng nghề. Đây là bài toán nan giải cần phải được giải quyết, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng.
Theo đánh giá của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), hiện nay tại các vùng nông thôn và một số khu vực ngoại thành Hà Nội, hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm được duy trì ổn định và có chiều hướng gia tăng. Các trang trại chăn nuôi ngày càng được mở rộng về cả quy mô và số lượng, phần lớn các trang trại này đều có hệ thống xử lý chất thải, với các loại công nghệ khác nhau. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý ô nhiễm chưa triệt để, quy mô chăn nuôi còn tồn tại mô hình cá thể, phân tán, chưa theo quy hoạch.
Đặc biệt, nhiều nơi có chuồng trại chăn nuôi quy mô hộ gia đình. Đây là mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, không được đầu tư công nghệ cũng như kiến thức trong chăn nuôi, không có kế hoạch thu gom chất thải. Chất thải gia súc, gia cầm hầu như không được xử lý đúng kỹ thuật, xả thải trực tiếp ra môi trường là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm đất, nước mặt, nước ngầm và đặc biệt gây mùi khó chịu, hàm lượng khí Metan (CH4) ngày càng cao ảnh hưởng đến môi trường không khí.
Cùng với ô nhiễm từ các trang trại, hộ chăn nuôi, việc tăng sản lượng cây trồng là việc gia tăng lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, lượng thuốc trừ sâu nhập về Việt Nam gia tăng một cách đáng báo động, nếu như năm 2005, cả nước chỉ nhập 20.000 tấn thì sang năm 2006 - 2007 tăng lên 30.000 tấn/năm; năm 2012: 55.000 tấn. Đến nay, Việt Nam đang đối mặt với tình trạng sử dụng bừa bãi phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật cả về liều lượng lẫn chủng loại dẫn đến tình trạng dư thừa và phát tán thiếu kiểm soát ra môi trường xung quanh. Điều này gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường không khí, do thuốc trừ sâu, thuốc kích thích sinh trưởng,... sau sử dụng, bị ô-xy hóa thành dạng khí thải có tính axit, kiềm rất độc hại và phát tán vào môi trường, gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Theo dự báo của ngành chăn nuôi, với tốc độ phát triển hiện nay, mỗi năm sẽ phát sinh khoảng 1,2 triệu tấn chất thải. Do đó, để ngành chăn nuôi phát triển bền vững gắn với bảo vệ môi trường, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương cần quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng mô hình xử lý chất thải theo công nghệ hiện đại.
Để từng bước giảm ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cũng khuyến cáo, các địa phương cần có quy hoạch vùng chăn nuôi ổn định, theo từng đối tượng nuôi phù hợp nhằm giảm hộ nuôi nhỏ lẻ, tự phát trong khu dân cư. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ triển khai mô hình ứng dụng xử lý nước thải sau bể biogas, sau đó nhân rộng ra các trang trại chăn nuôi ở từng địa bàn thích hợp. Ngoài ra, người dân cần áp dụng sử dụng chất thải rắn trong chăn nuôi để nuôi giun quế và các loại giun khác. Hộ chăn nuôi nên sử dụng chế phẩm sinh học để hạn chế mức độ ô nhiễm chất thải trước khi đưa ra môi trường.
Nhiều làng nghề ô nhiễm cao cần xử lý
Trong thời gian qua, chủ trương phát triển nông thôn và làng nghề theo định hướng của Chính phủ đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, cuộc sống của người dân nhờ đó cũng được cải thiện, kinh tế nông thôn khởi sắc.
Theo số liệu của Hiệp hội làng nghề Việt Nam: Tính đến hết năm 2014, cả nước có 5.096 làng nghề và làng có nghề. Số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 1.748. Các làng nghề thu hút khoảng 10 triệu lao động. Có nhiều làng tồn tại từ 500 đến 1.000 năm, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến.
Trong số đó, Bộ TN&MT đã xác định được 104 làng nghề ô nhiễm nhất trên phạm vi cả nước cần phải xử lý triệt để. Trong đó, có những địa phương, mức độ ô nhiễm kim loại nặng độc hại cao gấp hơn 3.000 lần quy chuẩn cho phép. Tỷ lệ bệnh tật tại các khu vực ô nhiễm do làng nghề ngày một gia tăng. Hầu hết các cơ sở sản xuất tại làng nghề không có biện pháp xử lý chất thải; các loại khí thải, nước thải, chất thải rắn đều xả trực tiếp ra môi trường. Đặc biệt là chất thải của các làng nghề sản xuất tái chế (giấy, kim loại, nhựa), dệt nhuộm sử dụng hóa chất công nghiệp… đang là vấn đề bức xúc gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân.
Trước thực trạng trên, Bộ TN&MT đề nghị cần tính toán bài toán giữa lợi ích kinh tế mà 104 làng nghề này mang lại với những hao tổn về sức khỏe, môi trường và hậu họa cho tương lai.
Nhìn nhận từ thực trạng ô nhiễm làng nghề hiện nay, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng: Đa số các làng nghề chậm thay đổi về mô hình, chủ yếu là kinh doanh hộ gia đình, mô hình doanh nghiệp và hợp tác xã còn ít, đó là nguyên nhân cơ bản khiến làng nghề vẫn manh mún, nhỏ lẻ, chưa thể phát triển mạnh được, vì kinh doanh hộ gia đình khó tiếp cận với vốn vay, công nghệ, thị trường tiêu thụ... Vì vậy, Bộ trưởng đề xuất có cấp độ pháp lý lớn hơn về làng nghề, ví dụ như Pháp lệnh Làng nghề.
Thứ trưởng Bộ TN&MT Bùi Cách Tuyến cũng cho rằng, việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các khu công nghiệp đã khó, việc xử lý ô nhiễm môi trường tại các làng nghề còn khó hơn rất nhiều lần. Bởi vậy, các cơ quan chức năng công nhận làng nghề phải bám sát các điều kiện về bảo vệ môi trường, điều mà rất nhiều các địa phương hiện nay chưa quan tâm tới./.
|
Nguồn dangcongsan