Với mong muốn đóng góp vào việc xây dựng một cơ cấu nguồn điện giảm sự phụ thuộc vào than, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) phối hợp với Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) và chuyên gia Nguyễn Quốc Khánh đã tiến hành nghiên cứu phân tích tiềm năng đáp ứng nhu cầu năng lượng quốc gia, tiếp cận theo hướng chi phí thấp nhất đồng thời xem xét tới tác động của ô nhiễm không khí và phát thải các bon.
Nghiên cứu chỉ ra rằng sau năm 2020, Việt Nam không phải xây dựng thêm các nhà máy điện than mới mà vẫn đảm bảo được hệ thống năng lượng an toàn và khả thi về kinh tế. Cắt giảm 30 GW điện than và tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo là hướng đi đúng đắn để đáp ứng nhu cầu năng lượng của Việt Nam trong tương lai và phù hợp với Thỏa thuận Paris.
Từ phân tích và mô hình hóa, nghiên cứu đưa ra những kết luận sau:
1. Việt Nam có tiềm năng cao về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả (SDNLTKHQ). Từ nghiên cứu về dự báo nhu cầu điện tới năm 2030 do Green ID tiến hành năm 2015, chúng tôi ước tính rằng nếu tiềm năng này được ưu tiên khai thác, Việt Nam có thể giảm nhu cầu sản xuất điện khoảng 17.000 MW.1
2. Hiện tại giá nhiệt điện than rẻ hơn NLTT vì chưa bao gồm chi phí ngoại biên (là chi phí môi trường, xã hội, sức khỏe). Thực tế, đây là chi phí có thực mà người dân và chính phủ đang và sẽ phải gánh chịu chứ không phải nhà đầu tư. Nếu xem xét chi phí này thì ngay tại thời điểm nghiên cứu năm 2017, tất cả các công nghệ NLTT đều trở nên cạnh tranh hơn về chi phí so với các công nghệ nhiệt điện than.
So với Quy hoạch điện VII điều chỉnh (QHĐ VII ĐC), kịch bản đề xuất đến năm 2030 tăng tỷ trọng năng lượng tái tạo từ khoảng 21% lên khoảng 30%; tăng tỷ trọng nhiệt điện khí từ khoảng 14,7% lên khoảng 22,8%; giảm tỷ trọng của nhiệt điện than từ khoảng 42,6% xuống còn khoảng 24,4%.
Với những kết quả phân tích trên, báo cáo đưa ra kiến nghị: Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần được lựa chọn là phương án ưu tiên đầu tiên trước khi tính tới nhu cầu phát triển nguồn điện mới bởi đây sẽ là phương án tiết kiệm nhất và phù hợp với điều kiện của Việt Nam hiện nay.sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần được quy định thực hiện bắt buộc, thay vì chỉ dừng lại ở khuyến khích như hiện tại đồng thời chính phủ cần đưa ra các chính sách ưu đãi để thúc đẩy các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cần phát triển mạnh điện mặt trời trên mái nhà (PV) vì nó có thể làm giảm nhu cầu phụ tải đỉnh, đặc biệt là ở các tỉnh phía Nam.
Chi phí ngoại biên cần được tính toán đầy đủ vào chi phí sản xuất điện để có đánh giá công bằng hơn trong việc lựa chọn loại hình năng lượng cho tương lai.
Kiến nghị chính phủ và các cơ quan lập quy hoạch điện VIII xem xét phương án phát triển nguồn điện theo kịch bản chúng tôi đề xuất: Tăng công suất năng lượng tái tạo từ khoảng 27.000 MW (theo QHĐ VII ĐC) lên 32.000 MW (chiếm khoảng 30% tổng công suất). b. Tăng công suất điện khí từ khoảng 19.000 MW (theo QHĐ VII ĐC) lên khoảng 24.000 MW (chiếm khoảng 22,8% tổng công suất).
Giảm công suất điện than năm từ khoảng 55.300 MW (theo QHĐ VII ĐC) xuống còn khoảng 25.640 MW (chiếm khoảng 24% tổng công suất). Kết quả nghiên cứu cũng chỉ ra rằng năm 2020 là năm đạt đỉnh của công suất điện than ở Việt Nam. Hiện tại Việt Nam đang có cơ hội tốt để thực hiện điều này vì vẫn còn hơn 20 nhà máy (tương ứng với khoảng 30.000 MW) được quy hoạch đi vào vận hành sau năm 2020 tới thời điểm này vẫn chưa được xây dựng.
Quá trình lập QHĐ VIII cần tiến hành tham vấn rộng rãi và huy động sự tham gia của các bên liên quan, đặc biệt là các tổ chức khoa học xã hội và các chuyên gia độc lập để đảm bảo phản ánh các góc nhìn và lợi ích tổng thể của toàn xã hội và nền kinh tế. 6. QHĐ cần được được rà soát hàng năm để bắt kịp tốc độ phát triển công nghệ và giảm giá thành rất nhanh của năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời.
Xem chi tiết nghiên cứu tại đây:
Theo MTX