Logo
phone
Hotline: 02437327155
Báo cáo kết quả thực hiện giai đoạn 2010-2015 đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 (tiếp theo)
  12/09/2016
icon-zalo

 

Báo cáo kết quả thực hiện giai đoạn 2010-2015 đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 (tiếp theo)

 

II. Định hướng hoạt động “Chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển ngành công nghệ môi trường giai đoạn 2016 – 2020”

 

Việt Nam với dân số trên 90 triệu người hoạt động sản xuất kinh doanh, sinh hoạt hàng ngày đang tạo ra một khối lượng lớn chất thải rắn, nước  thải, khí thải đòi hỏi ngành công nghiệp môi trường phải phát triển mạnh để đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững tài nguyên. Kế hoạch hành động phát triển ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1292/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2014 đã nêu rõ “Phát triển mạnh ngành công nghiệp môi trường và tiết kiệm năng lượng đến năm 2020 trở thành ngành công nghiệp chủ lực, có đóng góp quan trọng trong nền kinh tế, đủ năng lực đáp ứng yêu cầu xử lý ô nhiễm môi trường, sử dụng năng lượng bền vững”.

 

Tại Quyết định số 1292/QĐ-TTg, để thúc đẩy phát triển mạnh ngành công nghiệp môi trường trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép triển khai thực hiện Chương trình “Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển ngành công nghệ môi trường giai đoạn 2016-2020” (tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025). Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương định hướng nội dung Chương trình như sau:

 

1. Nghiên cứu, hoàn thiện, làm chủ, ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lý nước cấp ô nhiễm vi sinh vật, tảo, chất hữu cơ, N, P, S …, nước thải sinh hoạt, nước thải làng nghề, nước thải chăn nuôi, chế biến, nuôi trồng nông sản, thủy sản, nước thải công nghiệp đặc thù (có các thành phần khó xử lý: thuộc da, hèm cồn, rỉ rác ..., các loại nước thải sản xuất có chỉ số ô nhiễm COD, muối cao); các công nghệ vi sinh cao tải.

 

2. Nghiên cứu, hoàn thiện, làm chủ, ứng dụng, chuyển giao công nghệ xử lý khí thải chứa bụi, các hợp chất NOX, SOx, COX , VOCS, H2S, chất hữu cơ, chất gây mùi … phát sinh từ các lò đốt, quá trình sản xuất công nghiệp, làng nghề, bệnh viện …

 

3. Nghiên cứu, hoàn thiện, làm chủ, ứng dụng, chuyển giao công nghệ phân loại rác, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp, bùn thải của các trạm xử lý nước thải, chất thải nguy hại; công nghệ tái chế chất thải (dầu thải, nhựa phế thải, rác thải thiết bị điện, điện tử, chất thải nhà máy nhiệt điện, nhà máy sản xuất phân bón, phế thải nông, lâm nghiệp …); các giải pháp tổng hợp xử lý rác thải nông thôn, chất thải rắn đô thị.

 

4. Nghiên cứu, hoàn thiện, làm chủ, ứng dụng, chuyển giao công nghệ sản xuất xúc tác sử dụng trong xử lý khí lò đốt công nghiệp, trong quá trình xử lý chất thải như nhiệt phân, lỏng hóa hoặc than hóa và quy trình thiết bị tương ứng, chế phẩm vi sinh hoạt tính cao, vật liệu mang vi sinh, vật liệu chuyên dụng phục vụ xử lý môi trường.

 

5. Nghiên cứu, hoàn thiện, thích nghi, làm chủ, ứng dụng, chuyển giao công nghệ chế tạo thiết bị môi trường: xe chuyên dùng phun nước-quét rác, xe chở rác thải, xe hút bùn thải, thông cống; thiết bị phân loại rác thải, lò đốt rác, dây chuyền sản xuất phân vi sinh, thiết bị lọc bụi túi vải, lọc bụi tĩnh điện, thiết bị xử lý khí thải chứa các hợp chất NOx, SOx, COx , VOCS , H2S, chất hữu cơ, chất gây mùi, thiết bị xử lý nước thải, xử lý chất thải trên các phương tiên giao thông, thiết bị đo, quan trắc và kiểm soát các thông số môi trường, dụng cụ, thiết bị lấy mẫu rắn, lỏng, khí, trầm tích.

 

III. Kiến nghị

 

Để thực hiện định hướng phát triển ngành công nghiệp môi trường, Bộ Công Thương kiến nghị:

-    Thủ tướng Chính phủ sớm xem xét, phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Nghị định của Chính phủ về ngành công nghiệp môi trường để tạo hành lang pháp lý, chính sách thuận lợi thúc đẩy phát triển mạnh hơn nữa ngành công nghiệp môi trường.

 

 - Bộ Tài chính sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về cơ sở hạ tầng, đất đai, vốn, thuế … đối với các hoạt động sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; quan trắc môi trường; xử lý ô nhiễm môi trường theo quy định tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư bảo vệ môi trường nói chung và phát triển ngành công nghiệp môi trường, nói riêng; xem xét, ban hành các cơ chế và hướng dẫn về ứng dụng và chuyển giao công nghệ đặc thù, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp môi trường.

 

- Bộ KH&CN hỗ trợ và tạo điều kiện để thực hiện có hiệu quả Chương trình “Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển ngành công nghệ môi trường giai đoạn 2016-2020” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1292/QĐ-TTg ngày 01 tháng 8 năm 2014.

 

- Bộ TN&MT tiếp tục quan tâm thực hiện dự án “Tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và trách nhiệm phát triển ngành công nghiệp môi trường” thuộc Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025.

 

Trên đây là báo cáo về kết quả thực hiện giai đoạn 2010-2015 Đề án Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025./.

 

Xem toàn bộ báo cáo tại đây

 

Nguồn MOIT

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt