Logo
phone
Hotline: 02437327155
Báo cáo kết quả thực hiện giai đoạn 2010-2015 đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025
  12/09/2016
icon-zalo

 

Đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2009 và giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các bộ, ngành thực hiện.

 

Bộ Công Thương báo cáo tình hình triển khai thực hiện đề án giai đoạn 2010-2015 như sau:

 

I. Đánh giá kết quả đạt được

 

1. Mục tiêu Đề án

 

1.1. Mục tiêu tổng quát

 

Phát triển ngành công nghiệp môi trường thành một ngành công nghiệp có khả năng cung cấp các công nghệ, thiết bị, dịch vụ sản phẩm môi trường phục vụ yêu cầu bảo vệ môi trường nhằm xử lý, kiểm soát ô nhiễm, khắc phục suy thoái, hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường.

 

1.2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2015

 

- Xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường;

- Phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường, tổ chức nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ môi trường đủ năng lực đáp ứng cơ bản nhiệm vụ bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên;

- Nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển ngành công nghiệp môi trường.

 

2. Kết quả triển khai thực hiện Đề án

 

2.1. Công tác tổ chức thực hiện Đề án

 

Ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phê duyệt Bộ Công Thương đã thành lập Ban Điều hành và Văn phòng giúp việc để tổ chức thực hiện Đề án. Ban Điều hành Đề án do Thứ trưởng Bộ Công Thương làm Trưởng ban và các uỷ viên là đại diện từ các Bộ: Công Thương, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư và Tài chính và các Cục, Vụ chức năng của Bộ Công Thương.

 

2.2. Đánh giá hiện trạng phát triển và năng lực của ngành công nghiệp môi trường Việt Nam

 

Theo báo cáo của Hiệp hội công nghiệp môi trường, Việt Nam hiện có khoảng gần 4.000 doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực môi trường. Kết quả điều tra, khảo sát trong năm 2015 của Hiệp hội CNMT cho thấy phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp môi trường có quy mô nhỏ, vốn dưới 5 tỷ đồng (chiếm khoảng 52,6% tổng số doanh nghiệp môi trường), số lượng doanh nghiệp quy mô lớn, vốn trên 500 tỷ VNĐ không nhiều (chiếm khoảng 2,84%). Theo niên giám thống kê, tổng sản phẩm của doanh nghiệp môi trường năm 2014 chỉ chiếm gần 0,5% GDP cho thấy ngành công nghiệp môi trường Việt Nam quá non trẻ, mới ở giai đoạn đầu của sự phát triển.

 

Trong lĩnh vực chế tạo thiết bị và xử lý chất thải rắn, đã có một số doanh nghiệp sản xuất, cung cấp các loại thiết bị xử lý môi trường như: hệ thống thiết bị xử lý nước thải, thiết bị phân loại chất thải rắn, thiết bị lọc bụi tĩnh điện, lọc bụi túi vải, lò đốt rác thông thường và lò đốt rác nguy hại quy mô nhỏ, thiết bị sản xuất phân vi sinh từ rác hữu cơ, tái chế nhựa, phế thải cao su v.v... và một số loại thiết bị đo, quan trắc một số thông số môi trường quan trọng như DO, COD  v.v...

 

Hiện đã có khoảng 30 nhà máy xử lý rác sinh hoạt sử dụng công nghệ trong nước và các công nghệ nước ngoài đang tham gia xử lý rác sinh hoạt cho các địa phương. Các nhà máy thường áp dụng công nghệ phân loại – chế tạo phân compost đối với phân đoạn hữu cơ – thu hồi/tái chế đối với kim loại, nhựa – đốt đối với phần hữu cơ trơ – sản xuất vật liệu xây dựng từ tro lò đốt và phần vô cơ.

 

Công nghiệp tái chế các chất thải rắn như giấy, nhựa, kim loại đang được phát triển khá tốt. Việt Nam hiện có khoảng 100 làng nghề tái chế tập trung vào một số nguyên liệu chính phổ biến như kim loại, giấy, nhựa các loại. Về chất thải điện dân dụng, điện tử, Việt Nam chưa có công nghiệp tái chế đúng nghĩa, chỉ có các cơ sở tái chế nhỏ và làng nghề; công nghiệp đốt rác phát điện hiện mới chỉ dừng ở các dự án, chưa thực hiện đầu tư.

 

Trong lĩnh vực xử lý nước, nước thải, các công ty môi trường của Việt Nam, nhất là những công ty tương đối lớn như SEEN, Công ty Môi trường Á Đông, Công ty môi trường ECO ... thường cung cấp các giải pháp đồng bộ; tuy nhiên, một số loại thiết bị cơ điện như bơm các loại, máy nén khí, các cơ cấu phân tán khí, linh kiện điện tử, màng lọc ... vẫn còn phải phải nhập ngoại. Các thiết bị sản xuất trong nước thường được sản xuất ở quy mô nhỏ, thậm chí đơn chiếc nên gặp nhiều khó khăn về mặt thị trường. Công tác tiêu chuẩn hóa, đăng ký bản quyền, xây dựng thương hiệu còn chưa được quan tâm đúng mức.

 

Trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm phục vụ xử lý môi trường, Việt Nam đã làm chủ công nghệ sản xuất một vật liệu xử lý khí thải, nước cấp, nước thải như: một số hóa chất, vật liệu xúc tác, than hoạt tính, clo sát trùng, phèn, PAC, một số chủng vi khuẩn, vật liệu mang vi sinh v.v...

 

Dịch vụ môi trường là một lĩnh vực phát triển nhất trong các lĩnh vực của ngành công nghiệp môi trường, kể cả về số lượng doanh nghiệp và về quy mô hoạt động. Để đẩy mạnh phát triển lĩnh vực này, ngày 10/02/2010, tại Quyết định số 249/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và giao Bộ Tài nguyên và Môi trương chủ trì thực hiện Đề án phát triển dịch vụ môi trường đến năm 2020 với mục tiêu tổng quát là phát triển dịch vụ môi trường để cung ứng dịch vụ bảo vệ môi trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương; tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực dịch vụ trong nền kinh tế, tạo thêm việc làm và hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Đến nay, Việt Nam có khoảng 125 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, 473 doanh nghiệp làm dịch vụ thu gom, xử lý chất thải rắn, 86 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực xử lý chất thải nguy hại. Theo đánh giá của Bộ Tài

nguyên và Môi trường, thực trạng phát triển lĩnh vực DVMT có thể khái quát như sau:

- Quy mô hoạt động của doanh nghiệp DVMT thường ở mức vừa và nhỏ; hầu như chưa có doanh nghiệp nhà nước về DVMT đủ mạnh để giải quyết các vấn đề môi trường lớn, quan trọng, liên ngành, liên vùng như: xử lý chất thải nguy hại cấp vùng; xử lý sự cố tràn dầu; xử lý chất thải rắn sinh hoạt, nước thải sinh hoạt tập trung liên vùng, liên tỉnh; thẩm định công nghệ môi trường v.v...

 

- Chất lượng cung ứng dịch vụ của một số doanh nghiệp thực hiện DVMT chưa cao, chưa đầy đủ, chưa sát với thực tiễn.

 

- Chưa có quy định rõ ràng về điều kiện cấp phép hành nghề cung cấp DVMT, dẫn tới doanh nghiệp được thành lập tràn lan theo kiểu “toàn dân làm DVMT”, thiếu đầu tư về mặt chuyên môn nghiệp vụ, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả.

 

- Thiếu cơ chế khuyến khích, tạo thị trường cho các doanh nghiệp thực hiện DVMT hoạt động.

 

- Chưa quy định mức phí chi trả DVMT hợp lý, một số lĩnh vực còn có sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân.

 

- Công tác xã hội hoá, thu hút doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực cung ứng DVMT còn hạn chế.

 

2.3. Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường và cơ chế, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật về ngành công nghiệp môi trường

 

“Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đã được Bộ Công Thương tích cực triển khai xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Tuy nhiên, ngành công nghiệp môi trường là ngành mới ở Việt Nam, có phạm vi hoạt động đan xen, chồng chéo với nhiều ngành công nghiệp khác và do đó, trong quá trình xây dựng các phương án quy hoạch phát triển, báo cáo đánh giá môi trường chiến lược gặp nhiều khó khăn, dẫn đến bị chậm tiến độ. Dự thảo Quy hoạch và các tài liệu liên quan đã được trình Thủ tướng Chính phủ tháng 7 năm 2015 và hiện đang được xem xét để phê duyệt.

 

Về cơ chế, chính sách phát triển ngành công nghiệp môi trường, Nghị định số 19/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường 2014 đã được Chính phủ ban hành ngày 14/02/2015; trong đó, có một chương quy định các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về cơ sở hạ tầng, đất đai, vốn, thuế, tiêu thụ sản phẩm … đối với các hoạt động sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong bảo vệ môi trường. Ngoài ra, Bộ Công Thương đã xây dựng trình Chính phủ Nghị định về công nghiệp môi trường; trong đó, quy định cụ thể hơn về nội hàm của phát triển ngành công nghiệp môi trường, bao gồm: Công nghệ xử lý, tái chế chất thải, Thiết bị, sản phẩm công nghiệp môi trường, Dịch vụ công nghiệp môi trường và các chính sách hỗ trợ, ưu đãi phát triển công nghiệp môi trường. Tuy nhiên, đến nay Nghị định vẫn đang được Chính phủ xem xét để ban hành.

 

2.4. Chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển ngành công nghệ môi trường.

 

Chương trình nghiên cứu KH&CN phục vụ phát triển ngành công nghiệp môi trường thuộc Đề án được quản lý tương đương như một Chương trình KH&CN cấp nhà nước.  Trong giai đoạn 2010 – 2015, Bộ Công Thương đã phê duyệt và giao thực hiện 57 nhiệm vụ nghiên cứu (47 đề tài và 10 dự án SXTN) thuộc các lĩnh vực công nghệ, thiết bị và sản phẩm xử lý môi trường và tái chế chất thải với tổng kinh phí từ NSNN khoảng 134,3 tỉ đồng. Ngoài ra, các đơn vị đã huy động khoảng 64 tỉ đồng từ nguồn khác để thực hiện các nhiệm vụ được giao.

 

Các nhiệm vụ thuộc Chương trình được chia theo các lĩnh vực giải pháp, công nghệ, chế tạo thiết bị, sản xuất vật liệu xử lý môi trường. Đến nay, hầu hết các nhiệm vụ giao năm 2010, 2011, 2012 và 2013 cơ bản đã được nghiệm thu cấp nhà nước. Một số nhiệm vụ giao năm 2014 được thẩm định kinh phí bị chậm nên được gia hạn thời gian thực hiện đến tháng 6 năm 2016. Các nhiệm vụ đều bám sát mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án là tạo ra và nâng cao năng lực trong nước trong việc hình thành công nghệ xử lý môi trường, chế tạo thiết bị và sản xuất các sản phẩm xử lý môi trường, góp phần phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam. Các nhiệm vụ đã được nghiệm thu đều có kết quả đáp ứng yêu cầu đặt ra theo hợp đồng đã ký. Ngoài các sản phẩm được tạo ra là các quy trình công nghệ, các sản phẩm thiết bị, vật liệu cụ thể, các đề tài, dự án đã công bố được 93 bài báo trên các tạp chí trong và ngoài nước, đào tạo hoặc tham gia đào tạo 48 thạc sĩ, tiến sĩ, được cấp giấy xác nhận 41 đơn đăng ký sở hữu trí tuệ.

 

Một số ví dụ kết quả thực hiện Chương trình như sau:

 

- Đề tài: Nghiên cứu ứng dụng công nghệ hấp phụ - xúc tác không bã thải để xử lý nước thải chứa các hợp chất hữa cơ dạng vòng thơm đã đưa ra quy trình sản xuất vật liệu hấp phụ-xúc tác từ than hoạt tính và quy trình sử dụng vật liệu hấp phụ-xúc tác để xử lý nước thải chứa các hợp chất hữu cơ dạng vòng thơm và được thử nghiệm tại Công ty TNHH Sakura Hongming Việt Nam đạt kết quả tốt.

 

- Đề tài: Nghiên cứu xây dựng quy trình phân tích đồng thời dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất đã xây dựng và đưa vào sử dụng quy trình phân tích đồng thời dư lượng 103 hóa chất BVTV thuộc các nhóm khác nhau như cơ clo, cơ phốt pho, carbamate và pyrethroid trong mẫu đất trên thiết bị sắc kí khí khối phổ theo phương pháp mới, hiện đại.

 

- Đề tài: Nghiên cứu ứng dụng các phương pháp oxy hóa tiên tiến trong xử lý nước thải chứa các hợp chất hữu cơ khó phân hủy sinh học để xử lý các ô nhiễm hữu cơ chất trơ vi sinh.

 

- Dự án SXTN: Hoàn thiện quy trình công nghệ tái chế dầu nhờn đã qua sử dụng để sản xuất  dầu gốc đã làm chủ được công nghệ chưng cất chân không lớp mỏng hóa nhớt thải thành các các sản phẩm có giá trị kinh tế cao với 72 % lượng dầu gốc thu hồi đạt chất lượng API nhóm I.  

 

-  Đề tài: Nghiên cứu chế tạo hệ thống đo và điều chỉnh liên tục đồng thời nồng độ ôxy hòa tan phục vụ quan trắc và điều khiển tự động hệ thống xử lý nước thải đã chế tạo được sensor DO và hệ đo DO đa kênh tương đương của WTW (Đức), YSI (Mỹ).

 

- Đề tài: Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống quan trắc ô nhiễm nước tự động, lưu động đã chế tạo được trạm quan trắc nước thải tự động tương đương nhập ngoại.

 

- Đề tài: Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị điện di mao quản (CE) tự động phục vụ quan trắc môi trường đã chế tạo được máy điện di mao quản tự động 1 kênh phục vụ quan trắc môi trường nước.

 

- Dự án SXTN: Sản xuất thử nghiệm thiết bị xử lý nước thải tại chỗ hợp khối theo kiểu môđun, tiêu thụ ít năng lượng, phù hợp với điều kiện Việt Nam đã làm chủ công nghệ chế tạo thiết bị xử lý nước thải tại chỗ hợp khối theo kiểu môđun sử dụng giải pháp cấp khí gián đoạn tiết kiệm năng lượng và chế độ tuần hoàn bùn tối ưu bằng airlift.

 

- Đề tài: Nghiên cứu chế tạo vật liệu siêu hấp phụ kiểu nano cacbon ứng dụng trong xử lý nước đã làm chủ quy trình chế tạo vật liệu nano cacbon, vật liệu tổ hợp trên cơ sở ống nano cacbon và thiết bị lọc nước cầm tay có sử dụng vật liệu nao cacbon sử dụng cho công tác hành quân dã ngoại. Kết quả của đề tài đã được phát triển thành dự án sản xuất thử nghiệm.

 

2.5. Đánh giá chung kết quả thực hiện Đề án

 

Triển khai Quyết định số 1030/QĐ-TTg ngày 20/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện Đề án “Phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” và đã thu được một số kết quả. Đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị định của Chính phủ về ngành công nghiệp môi trường; đẩy mạnh phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường, đặc biệt là các doanh nghiệp dịch vụ môi trường để cung ứng dịch vụ bảo vệ môi trường cho các ngành, lĩnh vực, địa phương; hình thành Hiệp hội công nghiệp môi trường Việt Nam; tổ chức triển khai Chương trình “Nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển ngành công nghệ môi trường” và thu được một số kết quả bước đầu; một số kết quả đã được ứng dụng vào thực tế hoặc phát triển thành dự án SXTN. Các chính sách hỗ trợ, ưu đãi về cơ sở hạ tầng, đất đai, vốn, thuế … đối với các hoạt động sản xuất, nhập khẩu máy móc, thiết bị, phương tiện chuyên dùng sử dụng trực tiếp trong việc thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải; quan trắc môi trường; xử lý ô nhiễm môi trường v.v… đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định số 19/2015/NĐ-CP, tạo điều kiện thúc đẩy đầu tư bảo vệ môi trường nói chung và phát triển ngành công nghiệp môi trường, nói riêng.

 

2.6. Một số tồn tại

 

Kết quả thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án vẫn còn những tồn tại như:

 

- Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp môi trường và Nghị định của Chính phủ về phát triển ngành công nghiệp môi trường được xây dựng và trình Chính phủ chậm so với yêu cầu và đến nay vẫn chưa được Chính phủ phê duyệt;

 

- Việc phát triển các doanh nghiệp công nghiệp môi trường vẫn còn hạn chế về số lượng và chất lượng. Đóng góp của ngành công nghiệp môi trường trong nền kinh tế còn rất hạn chế. Năng lực và khả năng đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường của ngành công nghiệp môi trường vẫn còn thấp, kết quả thu hút các nguồn vốn đầu tư phát triển ngành công nghiệp môi trường chưa cao. Mức độ tham gia của xã hội vào lĩnh vực dịch vụ môi trường còn hạn chế và còn dựa nhiều vào kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước.

 

-    Thị trường của ngành công nghiệp môi trường chưa phát triển; Cơ sở hạ tầng của doanh nghiệp chế tạo thiết bị, sản xuất sản phẩm môi trường còn hạn chế. Các công ty công nghiệp môi trường hiện chủ yếu thực hiện chức năng sản xuất, chưa tích cực đầu tư nghiên cứu ứng dụng công nghệ, phát triển và nâng cao chất lượng, độ tin cậy và độ bền của thiết bị.

 

- Hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, thiết bị và sản phẩm xử lý môi trường chưa nhiều; hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ và liên kết giữa khối nghiên cứu và khối doanh nghiệp còn hạn chế. Sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường chưa nhiều về chủng loại, hàm lượng công nghệ hiệu suất xử lý chưa cao, chưa tối ưu được hệ thống (từ khâu thiết kế, chế tạo thiết bị, vật liệu..), chi phí vận hành cao dẫ đến việc ứng dụng các sản phẩm công nghệ môi trường trong thực tế còn hạn chế.

 

-    Chương trình nghiên cứu khoa học, ứng dụng và chuyển giao công nghệ phát triển ngành công nghệ môi trường mới được triển khai trong một thời gian ngắn; các kết quả phần lớn đang dừng ở giai đoạn nghiên cứu, cần tiếp tục hoàn thiện để ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa. Một số sản phẩm có kết quả tốt, chuyển sang giai đoạn sản xuất thử nghiệm, có tiềm năng ứng dụng, thương mại hóa cao nhưng vẫn còn nhiều khó khăn trong việc chuyển giao, thương mại hóa và vẫn cần nhiều nỗ lực, đặc biệt về công tác đánh giá hiệu quả kinh tế, thực hiện các công tác thị trường và tìm kiếm nhà đầu tư.

 

- Công tác đầu tư chiều sâu, nâng cao năng lực nghiên cứu của các tổ chức KH&CN trong lĩnh vực công nghiệp môi trường còn hạn chế, trang thiết bị tại các phòng thí nghiệm thiếu đồng bộ, cơ bản đã cũ và lạc hậu đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác nghiên cứu.

 

- Công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp môi trường còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

 

- Nhiều sản phẩm của ngành công nghiệp môi trường chưa có trong danh mục và tiêu chí thống kê về môi trường Việt Nam mà đang được gộp chung vào các sản phẩm cơ khí hay phân ngành công nghiệp khác; số liệu thống kê chưa đầy đủ về ngành công nghiệp môi trường tác động tiêu cực tới quá trình giám sát và hoạch định chính sách.

 

- Hoạt động nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc phát triển ngành công nghiệp môi trường còn nhiều hạn chế.

 

(Còn tiếp theo)

 

Nguồn MOIT

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt