Vào năm 2005, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) thống nhất cùng Liên hợp Quốc, Cộng đồng chung châu Âu, Quỹ tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới đưa ra định nghĩa “ Công nghiệp moi trường” là nhóm các ngành sản xuất các sản phẩm môi trường, bao gồm các công nghệ và sản phẩm sản xuất sạch hơn, dịch vụ quản lý ô nhiễm và quản lý tài nguyên”.
Mặc dù chưa có các con số thống kê đầy đủ, nhưng có thể thấy, sự phát triển của ngành công nghiệp môi trường cả về số lượng và tổng số vốn đầu tư đang ở mức rất cao so với mức độ gia tăng trên thế giới.
Tình hình phát triển công nghiệp môi trường tại Việt Nam
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp môi trường không phải là ngành công nghiệp mới xuất hiện, tuy nhiên, sản xuất có liên quan đến định hướng công nghiệp môi trường thì chỉ mới xuất hiện trong thời gian gần đây. Nền công nghiệp còn non yếu này hàng năm mới chỉ đáp ứng được 5 % tổng nhu cầu xử lý nước thải đô thị, chế biến và tái chế khoảng 15 % nhu cầu chất thải rắn và 14 % nhu cầu xử lý chất thải nguy hại.
Trong cơ cấu doanh nghiệp môi trường năm 2011, có tới 50,97 % số doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực thu gom, xử lý và tiêu hủy chất thải, tái chế phế liệu và 33,62 % trong lĩnh vực khai thác, xử lý và cung cấp nước. Chỉ có 13,47 % số doanh nghiệp đăng ký trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải và chỉ có 1,94 % đăng ký hoạt động xử lý ô nhiễm và các hoạt động quản lý chất thải khác.
Các thống kê bước đầu cho thấy, năm 2007, trong lĩnh vực xử lý nước thải, cả nước mới có 36 doanh nghiệp đăng ký hoạt động (Mã ngành E), thì đến năm 2010 đã lên đến 153 doanh nghiệp. Trong lĩnh vực thu gom và xử lý chất thải rắn, có 270 doanh nghiệp năm 2007 và đến năm 2010 là 463 doanh nghiệp.
Tại thời điểm cuối năm 2012, theo khảo sát của Tổng cục Môi trường, có 3.982 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực Dịch vụ môi trường trong đó có 3.581 doanh nghiệp được thành lập trong giai đoạn 2006 – 2012, riêng giai đoạn 2006 – 2009 đã có tới 2.321 doanh nghiệp được thành lập đăng ký hoạt động trong lĩnh vực này.
Cần lưu ý rằng, trong mọi lĩnh vực của ngành thì số doang nghệp ngoài nhà nước chiếm đại đa số. Trong lĩnh vực xử lý nước thải, giai đoạn 2007 – 2010 tốc độ gia tăng số lượng doanh nghiệp đăng ký trung bình đạt 62%/năm, tốc độ gia tăng số lượng lao động đạt 45%/năm, tốc độ tăng vốn đạt trung bình 78 %/năm.
Trong lĩnh vực thu gom và xử lý chất thải rắn rắn, tốc độ tăng số lượng doanh nghiệp đạt 20 %/năm trong giai đoạn 2007 – 2010, tăng lao động đạt 8%/năm và tăng nguồn vốn đạt 36%/năm.
Mặc dù chưa có các con số thống kê đầy đủ, nhưng có thể thấy, sự phát triển của ngành công nghiệp môi trường cả về số lượng và tổng số vốn đầu tư đang ở mức rất cao so với mức độ gia tăng trên thế giới. Tuy nhiên, sự gia tăng này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quốc gia trong thời gian tới nhằm gia tăng số lượng và chất lượng dịch vụ, sản phẩm môi trường của ngành công nghiệp này.
Bài học kinh nghiệm phát triển công nghiệp môi trường
Điểm đầu tiên cần phải nhấn mạnh là công nghiệp môi trường là ngành công nghiệp chịu tác động lớn của chính sách, vì vậy, nó chịu sự chi phối của các định hướng chính sách.
Sự phát triển và thành công của ngành công nghiệp môi trường trên thế giới, thể hiện qua con số thị phần và giá trị thị trường, đã cho thấy một kinh nghiệm thực tế là trong từng giai đoạn, phải có được một định hướng phù hợp cho sự phát triển khoa học công nghệ và chính sách xã hội trong ngành công nghiệp môi trường.
Ví dụ cụ thể như Mỹ, quốc gia phát triển hàng đầu ngành công nghiệp môi trường lại chịu thua thiệt rất nhiều trong lĩnh vực năng lượng mới và năng lượng tái tạo do thiếu sự quan tâm từ phía Chính phủ, so với các doanh nghiệp ở châu Âu, nơi mà các Chính phủ khuyến khích rất mạnh việc sử dụng năng lượng tái tạo, thậm chí so với cả Trung Quốc, quốc gia đang phát triển có nhu cầu năng lượng lớn thứ hai thế giới, bởi chính sách khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo trên cơ sở giá rẻ mặc dù chất lượng không cao.
Theo sự xác định các định hướng cụ thể, việc đổi mới, hoàn thiện hệ thống chính sách, bao gồm các chính sách thị trường, cơ chế và chính sách đầu tư, cũng như các chính sách hỗ trợ và phát triển khoa học công nghệ cũng cần được tiến hành kịp thời và đồng bộ, nhằm đảm bảo tạo ra thị trường mới, mở, với môi trường đầu tư thích hợp cho doanh nghiệp công nghiệp môi trường, nâng cao sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này với các doanh nghiệp ngoài ngành cả về nguồn lực, năng lực công nghệ, năng lực quản lý.
Công nghiệp môi trường của Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển, nhưng cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Sự phát triển của ngành công nghiệp này mới chỉ đang ở những bước đầu tiên, vì vậy, cần sớm có các định hướng phát triển chi tiết cho các lĩnh vực được xác định, trên cơ sở đó, xây dựng và sớm hoàn thiện khung chính sách pháp luật nhằm hỗ trợ và giám sát, chấn chỉnh hoạt động của doanh nghiệp công nghiệp môi trường theo hướng chính quy hóa, phát triển quy mô, tăng cường hợp tác, đảm bảo chất lượng.
Bên cạnh đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp và đơn vị nghiên cứu khoa học, như là một trong các chìa khóa thành công của không chỉ ngành công nghiệp môi trường mà còn của các ngành công nghiệp khác.
Xem Bài viết nghiên cứu Tại đây
Theo moitruong