Bài 1- Lời cảnh báo từ những dòng sông ô nhiễm
Việt Nam nổi tiếng có hệ thống sông ngòi dày đặc với 2.360 con sông có chiều dài trên 10km và 112 cửa sông đổ ra biển. Hệ thống sông ngòi chính là nơi trú ngụ của nhiều loài động, thực vật và là nguồn sống của triệu người dân. Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian, nhiều làng mạc, đô thị ven sông đã mọc lên, kéo theo sự ô nhiễm môi trường ở các dòng sông, gây tác động tiêu cực đến đời sống con người và các loài thủy sinh.
Báo động đỏ từ những lưu vực sông
Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chất lượng nước tại các con sông đang diễn biến phức tạp, nhiều nơi bị suy thoái, nhất là tại các đoạn sông chảy qua đô thị, khu công nghiệp, làng nghề. 3 lưu vực sông có vấn đề nổi cộm nhất về tình trạng ô nhiễm nước gồm sông Cầu, sông Nhuệ - sông Đáy và sông Đồng Nai. Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 9.000 người tử vong vì bị ảnh hưởng trực tiếp từ nguồn nước và điều kiện vệ sinh kém. Trong số gần 200.000 trường hợp mắc bệnh ung thư mới mỗi năm được phát hiện thì một trong những nguyên nhân chính gây nên bệnh là do sử dụng nguồn nước ô nhiễm.
Sông Nhuệ, đoạn chảy qua địa bàn bàn quận Hà Đông (Hà Nội) nước đen kịt vì ô nhiễm
Một khảo sát của Cục Kiểm soát ô nhiễm Môi trường cũng cho thấy, do quá trình công nghiệp hóa, nhu cầu phát triển kinh tế và việc hình thành các khu công nghiệp, khu dân cư tập trung... đã kéo theo nhiều hệ lụy gây ô nhiễm môi trường. Những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai…đứng trước tình trạng ô nhiễm môi trường nước nặng nề.
Hơn nữa, không chỉ hoạt động sản xuất của các khu công nghiệp, làng nghề mà mặt trái của dân số đông cũng là một trong những nguyên do dẫn đến tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại các sông. Những con sông trước đây trong xanh, yên ả từng đi vào thơ ca, nhạc họa thì nay màu xanh và sự trong lành đã biến mất. Thế nhưng nhiều nơi, người dân khu vực ven sông vẫn thản nhiên đổ chất thải trực tiếp xuống sông. Do các hoạt động vô ý thức mà các con sông sau đã bị ô nhiễm trầm trọng, không chỉ trực tiếp tại nơi xả thải mà nước bẩn tiếp tục lan rộng theo dòng chảy.
Có thể nêu ví dụ với lưu vực sông Nhuệ, phụ lưu của sông Đáy, chảy qua địa phận thành phố Hà Nội và tỉnh Hà Nam. Đây từng là một con sông trong xanh êm ả, thì nay sự nên thơ của dòng sông chỉ còn là hoài niệm. Nước thải công nghiệp, nước thải sinh hoạt và rác thải ở khu vực dân cư và khu công nghiệp quanh sông đổ thẳng trực tiếp ra dòng sông này. Với 400 xí nghiệp và khoảng 11.000 cơ sở sản xuất tiểu thủ công, ước tính trung bình khoảng 20 triệu m3 nước thải/năm đang trở thành gánh nặng cho dòng sông này. Ở những đoạn sông ô nhiễm nặng, không còn tìm thấy cá.
Còn tại khu vực sông Cầu, lượng chất thải lỏng ước tính khoảng 40 triệu m3/năm. Riêng khu vực sông chảy qua Thái Nguyên khoảng 24 triệu m3/năm, trong đó có nhiều kim loại độc hại như selenium, mangan, chì, thiếc, thủy ngân và các hợp chất hữu cơ từ các nhà máy sản xuất hóa chất bảo vệ thực vật như thuốc sát trùng, thuốc trừ sâu rầy, trừ nấm mốc...
Trong các phụ lưu của sông Cầu, hầu hết những thông số ô nhiễm nguồn nước phân tích đều vượt qua tiêu chuẩn cho phép từ 2 đến hơn 50 lần, như nhu cầu oxy hóa học (COD), lượng oxy hòa tan (DO), tổng cặn lơ lửng (TSS), nitrite (NO2).
Với sông Đồng Nai, hàng năm hệ thống sông ngòi ở lưu vực này cũng phải hứng chịu khoảng 40 triệu m3 nước thải công nghiệp, không kể trên 30.000 cơ sở sản xuất hóa chất rải rác mỗi ngày đưa ra môi trường một lượng không nhỏ chất thải, nước thải. Ngoài những chất thải công nghiệp như hợp chất hữu cơ, kim loại độc hại như: đồng, chì, sắt, kẽm, thủy ngân, cadmium, mangan, các loại thuốc bảo vệ thực vật; nơi đây còn từng xảy ra hiện tượng nước sông bị acid hóa, như đoạn sông từ cầu Bình Long đến Bến Than. Nặng nề nhất là sông Rạch Tra, nơi tất cả nước từ các bãi rác và hệ thống nhà máy dệt nhuộm ở khu Tham Lương đổ vào.
Hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải - từ thủy nông gánh thêm nhiệm vụ xả thải
Được xây dựng từ những năm 1958, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải hay còn được gọi là đại thủy nông Bắc Hưng Hải có chiều dài hơn 232km từng là công trình thủy lợi lớn nhất miền Bắc. Thế nhưng, hiện nay sông Bắc Hưng Hải đã trở thành “dòng sông chết”.
Hệ thống thuỷ lợi Bắc Hưng Hải trải rộng trên địa bàn 4 tỉnh, TP gồm Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh và Hà Nội
giờ gánh thêm nhiệm vụ xả thải
Với diện tích tự nhiên hơn 20 nghìn ha, khu vực Bắc Hưng Hải được bao bọc bởi sông Hồng, sông Đuống, sông Luộc và sông Thái Bình nên ngay sau khi hòa bình lập lại, Đảng và Chính phủ, trực tiếp là Bộ Kiến trúc và Thủy lợi cũ đã chỉ đạo, nghiên cứu xây dựng hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải. Và chỉ sau 7 tháng kể từ ngày cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng bổ nhát cuốc đầu tiên tại cống Xuân Quan (ngày 1/10/1058), công trình đại thủy nông Bắc Hưng Hải đã hoàn thành trong tiếng reo hò của hàng vạn cán bộ công nhân viên và Nhân dân ba tỉnh: Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương.
Sau hơn 60 năm vận hành phục vụ sản xuất và đời sống Nhân dân, hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải đã đem lại hiệu quả to lớn, đảm bảo cung cấp nước tưới cho hơn chục nghìn ha lúa, hoa màu, cây công nghiệp và tiêu úng cho gần 20 nghìn ha lưu vực. Cũng nhờ hệ thống thủy nông này, không những diện tích, năng suất và sản lượng lúa tăng lên đáng kể mà cơ cấu trong nông nghiệp của vùng cũng được chuyển đổi mạnh, mang lại hiệu quả lớn. Đã có sự xuất hiện nhiều trang trại, hộ gia đình có thu nhập cao, giúp hàng triệu người dân thụ hưởng thành quả lâu dài...Thế nhưng hiện giờ, hệ thống thủy nông này đang bị ô nhiễm nặng nề mà nguyên nhân, theo như câu trả lời của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV diễn ra chiều ngày 6/11 vừa qua là vì “hệ thống này gánh thêm nhiệm vụ xả thải”.
Theo Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh, hệ thống thủy lợi Bắc Hưng Hải từ hệ thống thủy nông, giờ hệ thống này gánh thêm nhiệm vụ là xả thải cho nhiều tỉnh ở phía Bắc, mỗi ngày tiếp nhận 450-500 nghìn mét khối nước thải. Nguồn xả thải từ cụm công nghiệp làng nghề, từ các khu đô thị và khu dân cư, trong đó nguồn thải từ khu đô thị và khu dân cư đều chưa qua xử lý ô nhiễm.
Bộ trưởng Khánh cho biết, hiện nay một số địa phương như Hưng Yên đã có những giải pháp xử lý, thu gom xử lý nước thải tại các khu dân cư. Tuy nhiên để đảm bảo hệ thống nước thải đô thị và nông thôn được xử lý, sẽ cần rất nhiều nguồn lực, chưa kể cần có giải pháp xây dựng nhà máy xử lý và vận hành nhà máy.
Với hệ thống sông bắc Hưng Hải, cũng như ô nhiễm dòng sông Cầu, Bộ TN&MT đã làm việc và báo cáo với Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các cấp có thẩm quyền cần có một chương trình mục tiêu quốc gia xử lý các dòng sông chết, xử lý ô nhiễm các dòng sông và ô nhiễm môi trường.
Bên cạnh đó, cần có cơ chế chính sách về huy động nguồn lực xã hội hóa, huy động sự tham gia của doanh nghiệp tham gia xử lý nước thải, rác thải và gắn trách nhiệm đóng góp của các doanh nghiệp tham gia xả thải.
Nguồn moitruong.net.vn