Logo
phone
Hotline: 02437327155
Hiện trạng hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng cộng nghệ phát triển công nghiệp môi trường P4
  11/04/2016
icon-zalo

 

2. Một số thành tựu của các chương trình NCKH phục vụ CNMT giai đoạn 2011-2015 (tiếp theo)

 

2.1.2. Chương trìnhKC.08

 

Theo Báo cáo của Ban Chủ nhiệm chương trình KC.08/11-15 Nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phòng tránh thiên tai, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên” thì Chương trình có 3 lĩnh vực nghiên cứu với 4 mục tiêu, 6 nội dung và 7 nhóm sản phẩm dự kiến.

 

Chương trình KC.08/11-15 có tổng số 36 nhiệm vụ, trong đó: 34 đề tài KHCN và 2 dự án sản xuất thử nghiệm, cùng 5 đề tài tiềm năng, được phân bố theo 3 lĩnh vực chính: Phòng tránh thiên tai (chiếm 50%), bảo vệ môi trường (chiếm 33%)  và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên (chiếm 17%).

 

Bốn mục tiêu đặt ra của chương trình là:

 

1/ Áp dụng, phát triển và hoàn thiện được các công nghệ dự báo tiên tiến để nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo sớm và quản lý rủi ro một số dạng thiên tai nguy hiểm, như bão (hạn dự báo từ 4 đến 7 ngày), lũ lụt miền Trung (hạn dự báo từ 3 đến 4 ngày), khô hạn (hạn dự báo từ 3 đến 6 tháng), sạt-trượt lở đất (hạn dự báo từ 2 đến 5 ngày); phát triển và hoàn thiện được các công nghệ mới trong xây dựng các giải pháp, công trình phòng chống thiên tai;

 

2/ Ứng dụng có hiệu quả và tạo ra được công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam để xử lý ô nhiễm môi trường, kết hợp với xử lý và tận dụng nguồn thải (nguồn thải của chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ; rác thải sinh hoạt đô thị loại nhỏ, nguồn thải nông nghiệp, nông thôn, làng nghề...);

 

 3/ Xác lập cơ sở khoa học cho việc nhận dạng đầy đủ và đánh giá đúng vị thế của các dạng tài nguyên thiên nhiên quan trọng; nâng cao hiệu quả khai thác tổng hợp, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế-xã hội và

 

4/ Tạo được các công nghệ, các giải pháp khoa học có tính khả thi và có tính ứng dụng cao; các nhóm nghiên cứu trẻ có năng lực nghiên cứu mạnh trên cơ sở kết quả các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học công nghệ tiềm năng.

 

Theo các mục tiêu được giao, về khía cạnh nghiên cứu phát triển công nghệ phục vụ công nghiệp môi trường, có mục tiêu 2 và phần nào là mục tiêu 4 là phù hợp; mục tiêu 2 chiếm 22%, mục tiêu 4 chiếm 8% tổng số các nhiệm vụ thuộc chương trình.

 

Sáu nội dung đặt ra của chương trình là:

 

1/ Nghiên cứu áp dụng, hoàn thiện và đánh giá khả năng sử dụng công nghệ dự báo một số dạng thiên tai nguy hiểm thường xảy ra ở Việt Nam với các hạn dự báo phù hợp cảnh báo sớm với độ chính xác cao (tập trung cho các đối tượng: bão, lũ lụt, lũ quét miền Trung; hạn hán khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên);

 

 2/ Nghiên cứu những vấn đề liên quan đến đánh giá rủi ro và chu trình quản lý rủi ro thiên tai (tập trung cho khu vực miền núi phía Bắc, nơi có các bậc thang thuỷ điện Sơn La, Hoà Bình; khu vực miền Trung, nơi có nhiều nhà máy thuỷ điện vừa và nhỏ);

 

3/ Nghiên cứu công nghệ mới, kỹ thuật mới áp dụng cho các công trình phòng chống và giảm nhẹ thiên tai để nâng cao hiệu quả, độ bền và phù hợp với điều kiện kinh tế - kỹ thuật của Việt Nam (tập trung vào các giải pháp công nghệ bảo vệ bờ sông, bờ biển; công nghệ mới gia cố đê; giải pháp khoa học công nghệ giảm thiểu các tác động bất lợi tới dân sinh, kinh tế, xã hội do ảnh hưởng của việc vận hành các hồ chứa thủy điện ở thượng nguồn tới chế độ dòng chảy - lòng dẫn vùng hạ du);

 

4/ Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam để xử lý ô nhiễm môi trường kết hợp với tận dụng nguồn thải (tập trung cho các đối tượng: chất thải các trang trại chăn nuôi; rác thải sinh hoạt đô thị loại nhỏ, nguồn thải nông nghiệp nông thôn, làng nghề…);

 

 5/ Nghiên cứu việc phát triển thuỷ điện với vấn đề sử dụng nguồn nước và phát triển tài nguyên sinh vật (rừng) để bảo vệ duy trì ổn định nguồn nước, môi trường nước, đồng thời đảm bảo an toàn cho hạ du trong mùa mưa, lũ, đặc biệt ở các lưu vực sông quan trọng (tập trung vào lưu vực sông Đồng Nai, các lưu vực sông  miền Trung và Tây Nguyên) và,

 

6/ Nghiên cứu cơ sở khoa học cho việc nhận dạng đầy đủ và đánh giá đúng vị thế của các dạng tài nguyên thiên nhiên quan trọng (tài nguyên địa chất bao gồm khoáng sản, nước ngầm và nước mặt, và di sản địa chất; tài nguyên sinh vật).

 

Với 6 nội dung nghiên cứu nêu trên, nội dung 4: Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp với điều kiện Việt Nam để xử lý ô nhiễm môi trường kết hợp với tận dụng nguồn thải chiếm tỷ lệ khá lớn: 31% tổng số đề tài.

 

Để đánh giá hiệu quả, Chương trình đã đề ra 5 chỉ tiêu, đối chiếu với các chỉ tiêu của khung chương trình được duyệt, có thể thấy:

 

1. Chỉ tiêu về trình độ khoa học: Cho đến nay, đã có 83% các để tài có công trình công bố hoặc chuẩn bị công bố trên tạp chí khoa học công nghệ có uy tín của quốc gia hoặc quốc tế (đã công bố 7 công trình trên các tạp chí uy tín của quốc tế, chuẩn bị đăng 11 công trình), trong đó  tỷ lệ công trình công bố/chuẩn bị công bố quốc tế đã đạt 27%, vượt so với yêu cầu.

 

2. Chỉ tiêu về ứng dụng vào thực tiễn: Cần phải có thời gian mới xác định chính xác mức độ hiệu quả của các giải pháp đã đề xuất, đã ứng dụng thực tế, trên cơ sở đó, mới có được số lượng sản phẩm được các tổ chức công nhận.

 

3. Chỉ tiêu sở hữu trí tuệ: Theo yêu cầu, cần có ít nhất là 15% số đề tài/dự án có kết quả được cấp bằng hoặc chấp nhận đơn yêu cầu bảo hộ sở hữu trí tuệ (giải pháp hữu ích hoặc sáng chế). Hiện nay có 1 sản phẩm đã được đăng ký sáng chế, giải pháp hữu ích, 13 sản phẩm đang làm thủ tục đăng ký sáng chế giải pháp hữu ích, tập trung vào 8 đề tài, chiếm khoảng 22%.

 

4. Chỉ tiêu về đào tạo: 100% số đề tài, dự án đã và đang đào tạo/góp phần đào tạo 34 tiến sỹ và 93 thạc sỹ, góp phần hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh của các cơ quan chủ trì và phối hợp, góp phần quan trọng cho việc đảm bảo nguồn lực nghiên cứu, triển khai thành công và hiệu quả các nội dung nghiên cứu trọng tâm của Chương trình trong giai đoạn tiếp theo.

 

5. Chỉ tiêu về cơ cấu nhiệm vụ khi kết thúc chương trình: Hoàn toàn có thể thực hiện được theo yêu cầu của chương trình khi kết thúc.

 

Một số kết quả nổi bật từ KC.08/11-15 và các Chương trình nhà nước khác liên quan đến công nghiệp môi trường

 

(1)Đề tài KC08.08 (chủ nhiệm: GS.TS. Đặng Đình Kim): Mô hình pilốt thu hồi và sử dụng CO2 từ khí thải đốt than để nuôi tảo có giá trị kinh tế, được đánh giá có hiệu quả kinh tế và môi trường so với các phương pháp xử lý đã và đang áp dụng. Các sản phẩm tảo thu được có thể sử dụng làm thực phẩm chức năng và trong công nghiệp mỹ phẩm. Cần thiết có những nghiên cứu nhằm thương mại hóa mô hình và các sản phẩm của mô hình này.

 

(2) Đề tài KC.08.16 (chủ nhiệm: TS. Đoàn Văn Tuyến): Mô hình điều hòa không khí sử dụng công nghệ bơm nhiệt đất, đã tiết kiệm >20% điện tiêu thụ so với điều hòa không khí thông thường, không xả nhiệt vào không khí và mở ra tiềm năng ứng dụng rộng rãi của điều hòa không khí nhiệt đất ở Việt Nam.

 

(3) Dự án KC.08.DA01 (chủ nhiệm: Công ty Cổ phần Công nghệ Năng lượng và Môi trường NUSA Việt Nam): Thiết bị lọc nước giếng khoan tuần hoàn NUSA-CWSA và Bình lọc nước Kiềm tính NUSA - BLKT sử dụng các vật liệu rẻ tiền, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở các vùng nông thôn, hiện đã được đăng ký sở hữu trí tuệ và đã bắt đầu có đơn đặt hàng sản xuất đại trà.

 

(4) Đề tài KC.08.05 (chủ nhiệm: PGS.TS. Đặng Xuân Hiển): Phát triển quy trình ôxy hóa quang hóa BK-PHOTOXYD để xử lý các chất hữu cơ khó phân hủy trong nước thải/nước rỉ rác;Chế phẩm sinh học BK-BIOLEACHATE để xử lý các hợp chất các bon khó phân hủy, nitơ, phốt pho và lưu huỳnh trong nước rỉ rác và Phân vi sinh BK-BIOMAP từ struvite thu hồi qua quá trình kết tủa ni bằng kỹ thuật MAP. Trong tương lai, cần có các nghiên cứu xác định tính hiệu quả và kinh tế để có thể ứng dụng, mở rộng quy mô để xử lý nước rỉ rác ở các bãi chôn lấp rác của các khu đô thị.

 

(5) Đề tài KC.08.27 (chủ nhiệm: PGS.TS. Lều Thọ Bách, chưa nghiệm thu): Có mục tiêu phát triển được công nghệ ngăn chặn ô nhiễm không phát thải - “Bãi chôn lấp xanh” nhằm giải quyết ô nhiễm môi trường tại các bãi chôn lấp rác thải đô thị qui mô nhỏ hiện có.

 

2.1.3. Về các Chương trình khác

 

Trong Chương trình Tây Bắc có Đề tài Nghiên cứu, áp dụng công nghệ tích hợp địa môi trường - địa sinh thái nhằm ngăn ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường nước tại một số điểm ở các lưu vực sông vùng Tây BắcKHCN-TB.02C/13-18 (Chủ trì: Hội Địa hóa Việt Nam; TS. Nguyễn Thị Hoàng Hà, chưa nghiệm thu). Đề tài đã xây dựng quy trình địa sinh thái xử lý dòng thải từ các nhà máy chế biến quặng chì kẽm ở khu vực Chợ Đồn sử dụng chủ yếu vật liệu hấp phụ tự nhiên chi phí thấp, cánh đồng lọc trên cơ sở thực vật bản địa, làm trong trước xử lý bằng hệ thống lắng cặn bùn tự lọc cải tiến trên cơ sở tận dụng địa hình. 

 

Chương trình Tây Nguyên 3 có đề tài TN3/T21 “Điều tra, đánh giá hiện trạng thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn các tỉnh Tây Nguyên và đề xuất phương án quy hoạch, xử lý và quản lý chất thải rắn phù hợp đến năm 2020” (chủ nhiệm: TS. Trần Trung Dũng). Đề tài đã xây dựng phần mềm GIS về hiện trạng và quy hoạch chất thải rắn vùng Tây Nguyên. Đây là hệ thống dữ liệu mở có thể cài đặt cho tất cả các cơ quan quản lý, các cơ quan nghiên cứu, trường đại học và dễ dàng cập nhật thông tin khi có các thay đổi. Đồng thời dữ liệu phần mềm đã được liên kết với Google Earth, giúp người dùng khai thác và sử dụng dễ dàng. Các thông tin vị trí có thể chuyển vào thiết bị thông tin di động thông minh, phục vụ công tác quản lý, kiểm soát nghiên cứu quản lý CTR nói riêng và quản lý môi trường chung.

 

2.1.4. Một số sản phẩm và công nghệ ứng dụng

 

Ngoài những đề tài/dự án theo các Chương trình được thực hiện nhờ ngân sách nhà nước, qua khảo sát 10 Tập đoàn, Tổng công ty, 32 tổ chức tư vấn, Công ty môi trường, kết hợp các thông tin từ các thành viên của Hiệp hội Công nghiệp môi trường, đề tài đã ghi nhận được những thành tựu ứng dụng sau (chi tiết đã được trình bày trong bài: Định hướng ưu tiên nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ phục vụ phát triển ngành CNMT Việt nam giai đoạn 2016 – 2020):

 

1. Thiết bị xử ký khí thải, bao gồm: Lò đốt rác thải nguy hại; Lò đốt chấtthải rác thông thường.

 

2. Thiết bị công nghệ phân loại và tái chế rác thải;

 

3.  Thiết bị công nghệ xử lý chất thải, nước, nước thải;

 

4. Sản xuất các sản phẩm môi trường;

 

5. Sản xuất các thiết bị đo lường, quan trắc, tự động hóa;

 

6. Sản xuất các “sản phẩm xanh”.

 

Vấn đề sử dụng bền vững tài nguyên và phục hồi môi trường, gồm: (1) Công nghiệp tái chế giấy; (2) Công nghiệp tái chế nhựa; (3) Công nghiệp tái chế kim loại; (4) Công nghiệp tái chế chất thải điện tử; (5) Công nghiệp tái chế gắn với nguồn CTR đô thị; (6) Công nghiệp tái chế gắn với xử lý chế biến CTNH; (7) Công nghiệp tái chế chất thải rắn CN; (8) Làng nghề tái chế.

 

3. Đánh giá và kết luận

 

1.Các sản phẩm ứng dụng của các doanh nghiệp thường là mô phỏng của nước ngoài.

 

2. Một số đề tài, nhất là các đề tài do khối các Trường, Viện nghiên cứu chủ trì, vẫn còn mang nhiều tính hàn lâm, cần phải được nghiên cứu tiếp để có thể ứng dụng trong công nghiệp.

 

3. Các doanh nghiệp – người tiếp nhận và sử dụng các kết quả nghiên cứu của đề tài còn ít tham gia trong quá trình nghiên cứu. Do mối liên hệ nghiên cứu – người sử dụng/thị trường còn yếu nên khả năng ứng dụng các kết quả nghiên cứu sẽ bị hạn chế, đây cũng là nguyên nhân nghiên cứu còn mang nhiều tính hàn lâm.

 

4. Các doanh nghiệp công nghiệp môi trường chủ yếu thực hiện chức năng sản xuất, vì vậy, các nghiên cứu nếu có, thường mang tính giải quyết tình thế, phần nhiều mang tính mô phỏng công nghệ/thiết bị đã có, nhưng những “nghiên cứu” này vẫn có giá trị cao về mặt thực tiễn, rất tiếc kết quả thường ít được phổ biến.

 

5. Các đề tài do khối các doanh nghiệp thực hiện có tính thực tiễn hơn, nhờ bám sát thực tế, tuy nhiên, do hạn chế về năng lực cũng như nguồn lực nghiên cứu, nên từ phương pháp nghiên cứu tới trình bày diễn đạt kết quả thường còn thiếu cơ sở khoa học.

 

6. Một số sản phẩm nghiên cứu của chương trình đã có tiềm năng ứng dụng cao, tuy nhiên để thương mại hóa vẫn cần nhiều nỗ lực, đặc biệt về công tác đánh giá hiệu quả kinh tế, thực hiện các công tác thị trường và hoàn thiện công nghệ.

 

7. Khối nghiên cứu ứng dụng tin học, tự động hóa của Việt Nam rất có tiềm năng, tuy nhiên để tạo công nghệ “Việt” rất cần sự kết hợp của các chuyên gia công nghệ, cần có cơ chế để hiện thực hóa liên kết cần thiết này.

 

8. Những hạn chế kể trên là một phần của những nguyên nhân tại sao chưa có nhiều kết quả nghiên cứu mang tính đột phá để có thể có được công nghệ thuần Việt trong lĩnh vực môi trường.

 

PGS. TS. Cao Thế Hà

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt