Logo
phone
Hotline: 02437327155
9 nhiệm vụ cụ thể ứng phó với BĐKH, phòng tránh thiên tai
  26/04/2016
icon-zalo

 

 

Toàn cảnh buổi làm việc của Ủy ban TƯ MTTQVN với Bộ TN&MT về phòng tránh thiên tai, ứng phó với BĐKH, sáng 25/4. Ảnh: Hoàng Minh

Tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân đã trình bày báo cáo của Bộ TN&MT về kết quả thực hiện chính sách phòng tránh thiên tai và ứng phó với BĐKH trong đó đề ra 9 phương hướng nhiệm vụ ứng phó với BĐKH và phòng tránh thiên tai trong thời gian tới.

 

Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết, trên quy mô toàn cầu, diễn biến của BĐKH ngày càng phức tạp; biểu hiện của BĐKH đã xác lập các kỷ lục mới, vượt xa mô hình dự báo.

 

Ngày 22/4 vừa qua, thỏa thuận Paris được thông qua đã tạo ra khuôn khổ vững chắc thúc đẩy các quốc gia hợp tác và nỗ lực thực hiện cam kết giảm phát thải KNK của quốc gia nhằm đảm bảo mức phát thải KNK toàn cầu đạt đỉnh sớm nhất có thể để kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái đất ở mức dưới 2oC và nỗ lực lực đạt mức 1,5oC so với thời kỳ tiền công nghiệp vào cuối thế kỷ XXI.

 

Thỏa thuận mới cũng nêu thể về cam kết tài chính, chuyển giao công nghệ, yêu cầu về báo cáo thực hiện cam kết giảm phát khí nhà kính (KNK)... đòi hỏi các quốc gia cần phải xem xét, điều chỉnh thể chế, chính sách về BĐKH trong nước phù hợp với yêu cầu mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc giảm nhẹ thiệt hại, mất mát và đảm bảo mục tiêu giảm phát thải KNK chung của toàn cầu trong những năm tới.

 

Tại Việt Nam, diễn biến BĐKH ngày càng có tác động vượt xa so với dự báo. Trên cơ sở các khuôn khổ thể chế, chính sách, tạo nền tảng, phương hướng đã được thiết lập trong giai đoạn 2011 – 2015, công tác phòng chống thiên tai và ứng phó với BĐKH trong giai đoạn tới sẽ phải mang tình hành động cao, giải quyết được ngay những vấn đề bức xúc, cấp thiết trong thực tiễn, đồng thời đảm bảo tính bền vững... Cụ thể:

 

Thứ nhất, tăng cường nhận thức cho các cấp các ngành và mọi người dân về ứng phó với BĐKH phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt tiếp tục quán triệt, tuyên truyền sâu rộng Nghị quyết 24-NQ/TW để các cấp, các ngành và mọi người dân đều nhận thức đầy đủ và có trách nhiệm cao trong việc ứng phó với BĐKH, phòng tránh giảm nhẹ thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường để thích nghi, phát triển bền vững.

 

Thứ hai, chuẩn bị mọi điều kiện về thể chế, năng lực các bộ, ngành, địa phương để triển khai đầy đủ, toàn diện các nội dung của Hiệp định Paris từ năm 2020 trở đi; trong đó có một số nội dung liên quan đến thích ứng với BĐKH, trồng rừng có thể triển khai ngay từ trước năm 2020.

 

Thứ ba, thể chế hóa các nội dung quan trọng được nêu trong Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về BĐKH, nước biển dâng; rà soát, cập nhật, hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các nhiệm vụ ứng phó BĐKH, phòng tránh thiên tai. Chú trọng lồng ghép vấn đề BĐKH vào trong chiến lược, quy hoạch, kế hoạch. Nghiên cứu, chuẩn bị cho việc xây dựng Luật biến đổi khí hậu.

 

Thứ tư, nghiên cứu hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức đối với lĩnh vực BĐKH để triển khai hiệu quả nhiệm vụ và hội nhập quốc tế. Tăng cường hiệu quả công tác điều phối; tăng cường sự tham gia của toàn hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương đối với công tác ứng phó với BĐKH.

 

Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra tình hình triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về BĐKH, nước biển dâng. Tăng cường giám sát, đánh giá các mục tiêu, chỉ tiêu về ứng phó với BĐKH.Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về ứng phó với BĐKH, phòng tránh thiên tai.

 

Thứ sáu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, phát thải ít các-bon. Tập trung hoạt động ứng phó đa mục tiêu, đạt hiệu quả chi phí-lợi ích; xây dựng cơ chế, thể chế ứng phó liên vùng, liên ngành ứng phó với BĐKH; tăng cường triển khai các dự án ứng phó với BĐKH liên ngành, liên vùng. Chú trọng bảo vệ phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; đẩy mạnh thích ứng với BĐKH dựa vào cộng đồng và hệ sinh thái.

 

Thứ bảy, nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, giám sát BĐKH, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm chủ động phòng, tránh, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, xâm nhập mặn do nước biển dâng đối với các vùng ven biển, nhất là vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền Trung, trước hết là khu vực TP. Hồ Chí Minh, Cần thơ, Cà Mau và các thành phố ven biển khác; đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong ứng phó với BĐKH, nước biển dâng; sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, giảm mức phát thải khí nhà kính; tăng cường các hành động NAMAs, tiến tới hình thành thị trường kinh doanh tín chỉ các-bon trong nước, hội nhập với thị trường quốc tế.

 

Thứ tám, ưu tiên nguồn lực đầu tư ứng phó với BĐKH, trọng tâm là: Trồng, phục hồi rừng ngập mặn ven biển tạo đê mềm chắn sóng, nước dâng, tăng cường khả năng hấp thụ CO2 và tạo sinh kế bền vững cho người dân; Trồng, phục hồi rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm tăng khả năng giữ nước, chống xói mòn, nâng cao độ che phủ, giảm thiệt hại do lũ, lũ quét, sạt lở đất, bảo vệ các công trình hạ lưu, điều hòa khí hậu, duy trì và phát triển sinh kế bền vững; Xây dựng, nâng cấp, các hồ chứa nước ngọt phục vụ sản xuất trong bối cảnh hạn hán, xâm nhập mặn gia tăng; Xây dựng, nâng cấp các đoạn đê biển, đê sông kết hợp các giải pháp công trình mềm ở những khu vực có ảnh hưởng lớn và trực tiếp đến sản xuất, tính mạng và đời sống nhân dân; Xây dựng, triển khai các dự án giảm phát thải KNK.

 

Thứ chín, tích cực tham gia các diễn đàn quốc tế về BĐKH, tăng cường, đẩy mạnh công tác hợp tác quốc tế, kịp thời chuyển hóa các cơ chế, chính sách toàn cầu về BĐKH thành cơ hội hợp tác, phát triển mới; xây dựng các cơ chế, chính sách huy động, đa dạng hoá nguồn lực cho ứng phó với BĐKH; xây dựng Chương trình SP-RCC giai đoạn sau 2015; Chương trình quốc gia về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020. Thực hiện có trách nhiệm, hiệu quả các Công ước quốc tế về BĐKH mà Việt Nam là thành viên; Hoàn thiện hệ thống kiểm kê khí nhà kính quốc gia; Chuẩn bị thực hiện Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC)…

 

Ba thông điệp đối với người dân để ứng phó với BĐKH

 1 - Biến đổi khí hậu đụng chạm đến mọi gia đình, đụng chạm đến mọi người, đụng chạm đến chúng ta từ nay và mãi mãi về sau.

 2 - Mỗi người cần góp phần làm giảm thiểu tác động do biến đổi khí hậu gây nên.

 3 - Mỗi người dân cần nâng cao vai trò giám sát đối với tất cả các hành động liên quan đến biến đổi khí hậu.  

 

Theo baotainguyenmoitruong

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt