Một hồ nước khô cạn do nắng nóng kéo dài tại Ajmer, Ấn Độ ngày 2/6/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo số liệu của C3S, nhiệt độ trên toàn cầu trong năm 2019 chỉ đứng thứ hai sau năm 2016, năm có nhiệt độ tăng 0,12 độ C do hiện tượng thời tiết El Nino mạnh bất thường.
Nhiệt độ trung bình trong năm 2019 chỉ thấp hơn một chút so với năm 2016. C3S cho biết 5 năm qua là giai đoạn nóng kỷ lục và giai đoạn 2010-2019 được ghi nhận là thập kỷ nóng nhất kể từ khi cơ quan này bắt đầu thu thập dữ liệu.
Trong năm 2019, nhiệt độ trên toàn cầu tăng 0,6 độ C so với mức trung bình giai đoạn từ năm 1981-2010. Trong khi đó, nhiệt độ Trái Đất trong 5 năm qua cũng tăng từ 1,1-1,2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
Năm 2019 được ghi nhận là năm nóng nhất chưa từng xảy ra ở châu Âu.
Người đứng đầu C3S, Carlo Buontempo nhận xét: "Năm 2019 là một năm ấm bất thường khác, thực tế là năm nóng kỷ lục thứ hai trên toàn cầu theo cơ sở dữ liệu của chúng tôi, với nhiều tháng đơn lẻ ghi nhận mức nhiệt tăng phá kỷ lục."
Theo C3S, hàm lượng khí thải CO2 trong khí quyền tiếp tục tăng trong năm 2019, lên tới mức cao nhất.
Hồi năm ngoái, Liên hợp quốc cho biết lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do con người thải ra cần phải giảm 7,6%/năm cho đến năm 2030 để hạn chế nhiệt độ Trái Đất tăng tới 1,5 độ C.
Ngay tuần đầu tiên của năm 2020 đã chứng kiến các thảm họa liên quan tới khí hậu như các vụ cháy rừng đang tàn phá miền Đông Nam Australia và lũ lụt làm hàng chục người ở Indonesia thiệt mạng.
Các nhà khoa học dự báo những thảm họa như vậy sẽ xảy ra thường xuyên hơn và với mức độ nghiêm trọng hơn do nhiệt độ Trái Đất tăng lên.
Năm ngoái đã chứng kiến nhiệt độ tăng lên rõ rệt tại Alaska và nhiều vùng khác ở Bắc Cực cũng như nhiều vùng rộng lớn ở miền Đông và Nam Âu, miền Nam châu Phi và Australia.
Trong khi đó tại châu Âu, nhiệt độ trong 4 mùa đều cao hơn so với mức trung bình trước đây, với một vài nước ghi nhận nhiệt độ trong mùa Hè và mùa Đông đều cao.
Theo TTXVN/vietnam+