Logo
phone
Hotline: 02437327155
10 sự kiện môi trường nổi bật thế giới năm 2017
  29/12/2017
icon-zalo

 

Năm 2017 sắp qua đi, xin điểm lại 10 sự kiện môi trường thế giới nổi bật của năm trong đó đáng chú ý hơn cả như: Hơn 80% cư dân đô thị đang phải hít thở không khí ô nhiễm; Ô nhiễm không khí ảnh hưởng trí nhớ của trẻ; Lượng CO2 đạt mức kỷ lục trong 800.000 năm qua; Trái Đất đang ngập trong hàng tỷ tấn rác thải nhựa độc hại; Đan Mạch là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng năng lượng xanh hoàn toàn.

 

Hơn 80% cư dân đô thị đang phải hít thở không khí ô nhiễm


Ngày 12/5, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố báo cáo mới, cảnh báo hơn 80% dân số thành thị trên toàn cầu đang hít thở bầu không khí kém trong lành và điều này đang làm gia tăng nguy cơ mắc ung thư cũng như các bệnh khác đe dọa tới tính mạng. Dựa trên số liệu thu thập được về tình trạng không khí ngoài trời của 795 thành phố tại 67 quốc gia trong giai đoạn 2008-2013, báo cáo đã khắc họa được một bức tranh toàn cảnh về sự suy giảm chất lượng không khí tại các thành phố trên thế giới, đồng thời cho thấy cư dân thành thị tại các quốc gia nghèo là những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi vấn đề nói trên.

 

 

 

Đáng chú ý, 98% các thành phố thuộc các quốc gia thu nhập thấp và trung bình có mức độ không khí không đáp ứng được các tiêu chuẩn do WHO đề ra. Trong khi đó, tại các quốc gia thịnh vượng hơn, con số này chỉ là 56%. Báo cáo trên cũng dẫn ra những số liệu cho thấy việc gia tăng nguy cơ về các yếu tố đe dọa nghiêm trọng tới sức khỏe, trong đó có nguy cơ dẫn tới đột quỵ và bệnh hen suyễn. Đặc biệt, có trên 3 triệu ca chết yểu mỗi năm vì các chất gây ô nhiễm bầu không khí ngoài trời.


Nửa triệu trẻ tử vong mỗi năm vì thiếu nước sạch


Báo cáo của Tổ chức từ thiện về cải thiện điều kiện vệ sinh WaterAid cho biết mỗi năm có nửa triệu trẻ chết trước khi được 1 tháng tuổi vì thiếu nước sạch và các điều kiện vệ sinh an toàn. WaterAid cho biết 1 trong 5 trẻ trong số đó có thể tránh được nguy cơ tử vong nếu được tắm rửa bằng nước sạch và chăm sóc trong môi trường sạch và an toàn bởi những người đã được rửa tay bằng xà phòng.


Báo cáo trên xuất hiện cùng ngày với báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới WHO. WHO cho biết 38% các cơ sở y tế ở 54 nước đang phát triển không được tiếp cận với nguồn nước sạch; gần 1/5 thiếu nhà vệ sinh và hơn 1/3 không có chỗ cho nhân viên y tế hoặc bệnh nhân rửa tay bằng xà phòng. Trẻ em ở các quốc gia Châu Phi nằm ở phía Nam Saharan có nguy cơ chết vì nhiễm trùng trong tháng đầu tiên gấp 30 lần trẻ em ở các nước phát triển. Chẳng hạn, ở nước Cộng hòa Sierra Leone, 1 trong 21 phụ nữ có trẻ chết vì nhiễm trùng tháng đầu tiên, trong khi con số này ở Mỹ chỉ là 1 trên 2.958 phụ nữ.


Ô nhiễm không khí ảnh hưởng trí nhớ của trẻ


Nhập học ở những trường nằm gần tuyến đường đông đúc hoặc ở các khu vực có mức độ ô nhiễm không khí cao có thể cản trở quá trình phát triển trí tuệ của trẻ - nghiên cứu được đăng trên chuyên san PLoS Medicine. Đó là kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trung tâm nghiên cứu về dịch tễ học môi trường (CREAL) ở Tây Ban Nha liên quan tới 2.715 học sinh tiểu học ở 39 trường học tại thành phố Barcelona.


“Trẻ học ở những trường có mức độ ô nhiễm không khí cao do xe cộ, thường ít có tiến triển hơn trong phát triển nhận thức”, chuyên gia Jordi Sunyer thuộc CREAL lý giải. Cụ thể, khả năng ghi nhớ trong 1 năm cải thiện 11,5% ở những em thuộc nhóm trường thuộc khu vực có mức độ ô nhiễm thấp, trong khi tỷ lệ này ở nhóm trường tiếp xúc với không khí ô nhiễm cao chỉ là 7,4%.


Lượng CO2 đạt mức kỷ lục trong 800.000 năm qua


Lượng khí CO2 thải ra từ năm 2015 đến 2016 tăng mạnh, theo Báo cáo Khí Nhà kính của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), Mother Nature Network hôm 30/10 đưa tin. Nồng độ CO2 trong khí quyển trung bình năm 2016 là 403,3 phần triệu (ppm), tăng so với mức 400 ppm năm 2015. Những số liệu này được tính sau khi các bể khí như rừng hay biển đã hấp thụ bớt một lượng đáng kể khí CO2. Đây là mức CO2 cao nhất trong 800.000 năm qua.


Ngoài việc lượng CO2 thải ra liên tục tăng, hiện tượng El Niño năm 2016 cũng góp phần đáng kể khiến nồng độ CO2 trong khí quyển đạt ngưỡng cao kỷ lục. Hiện tượng thời tiết này gây ra những đợt hạn hán làm hạn chế khả năng hấp thụ CO2 của Trái Đất.


Trái Đất đang ngập trong hàng tỷ tấn rác thải nhựa độc hại


Các nhà nghiên cứu Mỹ ngày 19/7 cho biết thế giới đang đối mặt với vấn đề rác thải nhựa với khoảng hơn 9,1 tỷ tấn tích tụ trên Trái Đất. Với nhịp độ hiện nay, hơn 13 tỷ tấn rác thải nhựa sẽ được chôn lấp trong các bãi rác hoặc đổ vào môi trường vào năm 2050. Theo số liệu thu thập từ các nhà sản xuất, các nhà nghiên cứu cho biết tính đến năm 2015, gần 7 tỷ tấn rác thải nhựa đã được tạo ra trên toàn thế giới, so với thời điểm năm 1950 chỉ khoảng hơn 2 tấn, trong đó có tới 79% lượng rác thải chôn vùi trong các bãi rác hoặc đổ vào các đại dương.


Mặc dù các nhà sản xuất đã nỗ lực trong việc tái sản xuất lượng rác thải này, song ước tính chỉ khoảng 9% số rác thải nhựa được tái chế trong những năm qua. Ngoài ra, khoảng 12% lượng rác thải được đem thiêu hủy, một giải pháp đang gây nguy hại trực tiếp đến môi trường. Các nhà khoa học ước tính khoảng 8 tỷ tấn rác thải nhựa đã đổ vào đại dương kể từ năm 2010. Đồng tác giả nhóm nghiên cứu, phó giáo sư trường Đại học Georgia, Jenna Jambeck cho rằng hầu hết các chất dẻo không có khả năng phân hủy sinh học, do đó rác thải nhựa do con người tạo ra có thể tồn tại hàng trăm năm, thậm chí hàng nghìn năm.


Trung Quốc chi gần 2,5 tỷ USD xử lý ô nhiễm khói bụi


Trung Quốc chi gần 2,5 tỷ USD cho xử lý ô nhiễm khói bụi ở 13 tỉnh thành của nước này trong năm 2017. Đây là con số được Bộ Bảo vệ Môi trường Trung Quốc đưa ra ngày 23/11. Theo bộ này, đây là khoản chi nằm trong gói ngân sách 7,5 tỷ USD trong năm 2017 dùng để phòng chống ô nhiễm không khí, nước và đất đai. Trọng tâm công việc này là nhằm nghiên cứu, xử lý khói bụi từ các lò than, khói bụi hữu cơ, khí thải xe ô tô phát tán ra môi trường.


Đặc biệt, Bộ bảo vệ Môi trường Trung Quốc cũng dành một khoản ngân sách lớn trong đó để nghiên cứu thí điểm các loại hình khí sưởi thân thiện với môi trường dùng trong mùa Đông ở khu vực miền Bắc Trung Quốc. Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc cũng yêu cầu chính quyền các địa phương tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những khu công nghiệp, nhà máy, cơ sở sản xuất gây tác hại tới môi trường.


Chile bác dự án 1 tỷ USD để bảo vệ môi trường


Chính phủ Chile đã bác bỏ dự án khai thác mỏ trị giá 1 tỷ USD để bảo vệ sinh vật biển, trong đó có loài chim cánh cụt. Công ty sắt Chile Andes muốn khai thác hàng triệu tấn sắt tại khu vực Coqimbo, phía Bắc Chile, tuy nhiên các Bộ trưởng nước này cho rằng dự án không đủ yếu tố kỹ thuật bảo vệ môi trường.
Coqimbo gần đảo có khu bảo tồn chim cánh cụt Humboldt. Nơi đây chiếm 80% chim cánh cụt Humboldt của thế giới cùng nhiều loài sinh vật biển quý hiếm khác như cá voi. Các công ty khai thác mỏ những năm gần đây ít khi được cấp phép tại Chile nhờ tinh thần bảo vệ môi trường của công chúng và các nhà chính trị.


Năm 2050, rác thải nhựa ở đại dương nhiều hơn cá


Ước tính, đến năm 2050, số rác thải nhựa trên thế giới sẽ đạt mức 12 tỷ tấn, nhiều hơn số lượng cá của các đại dương cộng lại. 8,3 tỷ tấn là khối lượng nhựa mà thế giới tạo ra từ những năm 1950. Con số này do các nhà khoa học Mỹ tính toán và công bố. Số nhựa được thế giới sản xuất trong 60 năm qua có thể phủ đầy hơn 8 lần diện tích Việt Nam.


Trong số 8,3 tỷ tấn này, có đến 6,3 tỷ tấn trở thành chất thải và chỉ có 9% được tái chế. Đây là con số báo động, buộc thế giới phải cấp thiết tìm hướng giải quyết vì rác thải nhựa rất khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường.


Máy bay đầu tiên bay bằng “dầu ăn bẩn”


Ngày 21/3, báo chí Trung Quốc đưa tin hãng Hainan Airlines của nước này đã trở thành hãng hàng không đầu tiên ở Trung Quốc sử dụng một loại nhiên liệu sinh học được chế xuất từ dầu bẩn thu thập từ các nhà hàng. Chiếc máy bay chở theo 156 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn này đã thực hiện thành công chuyến bay kéo dài 2 tiếng rưỡi và đã đáp xuống sân bay Bắc Kinh an toàn.


Theo Tân Hoa Xã, một chiếc máy bay Boeing 737 của hãng hàng không này đã thực hiện chặng bay từ Thượng Hải tới Bắc Kinh bằng cách sử dụng hỗn hợp 50-50 nhiên liệu thông thường và nhiên liệu chiết xuất từ dầu ăn bẩn do tập đoàn năng lượng Sinopec cung cấp.


Đan Mạch là nước đầu tiên trên thế giới sử dụng năng lượng xanh hoàn toàn


Đi đầu thế giới trong việc phát triển năng lượng tái tạo, hiện Đan Mạch đã có thể dùng điện gió để cung cấp cho toàn bộ nhu cầu sử dụng điện trong cả nước. Châu Âu là một trong những khu vực đi đầu thế giới về sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó có Đan Mạch. Một thống kê về lĩnh vực năng lượng điện tái tạo cho thấy, tỷ lệ điện gió trên toàn hệ thống điện ở châu Âu đã đạt tới mức 1/4 tổng sản lượng điện.


Theo các chuyên gia, có tới 24,6% tổng lượng điện được tiêu thụ ở châu Âu hiện nay là từ điện gió. Một phần nguyên nhân của việc này là xuất hiện một cơn bão trong khu vực, đã làm gia tăng đáng kể công suất phát điện của các nhà máy điện gió. Tuy nhiên, tỷ lệ điện gió ở khu vực châu Âu không thật sự đồng đều. Theo kết quả thống kê, đứng đầu là Đan Mạch với việc điện gió hoàn toàn đủ cho nhu cầu sử dụng điện của người dân. Kế đến là Đức - với 61% nhu cầu; Bồ Đào Nha 44%, Ireland 34%, Áo 33%, Tây Ban Nha 31%, Anh 29%, Hà Lan 25%;...

 

Theo MTX

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt