Logo
phone
Hotline: 02437327155
“Chiến lược năng lượng phải gắn với sử dụng tiết kiệm, hiệu quả”
  26/06/2017
icon-zalo

 

 

 “Chiến lược về năng lượng không đơn thuần là tăng trưởng đủ để phát triển kinh tế mà còn hướng đến yếu tố bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, gắn với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả”


Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh với phóng viên khi đề cập đến
chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam.


- Từ nước xuất khẩu than hiện Việt Nam đã phải chuyển dần sang nhập khẩu than để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế. Vậy theo Bộ trưởng, chúng ta phải làm gì với nhu cầu năng lượng ngày một tăng như hiện nay?


Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Việc nước ta đã bắt đầu phải nhập khẩu than và xu hướng có thể tăng lên thời gian tới là thực tế vì sự giới hạn của tài nguyên, khoáng sản, đặc biệt là nguồn năng lượng không tái tạo như than đá. 


Vì vậy, nội dung của Chiến lược phát triển bền vững phải dựa trên 3 yếu tố, đầu tiên là nền tảng dựa trên việc khai thác, sử dụng các nguồn năng lượng có hiệu quả và tiết kiệm. Tiếp đến là phải phát triền nguồn năng lượng hài hòa, hợp lý trên cơ sở bảo đảm yêu cầu phát triển của cả nước, gắn với bảo vệ môi trường.


Ngoài ra, chúng ta cần tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh thể chế nền kinh tế thị trường mà cung-cầu năng lượng vận hành trên nguyên tắc của thị trường, điều đó có nghĩa là việc cải tổ lại cơ cấu tổ chức ngành năng lượng hiện nay rất quan trọng, góp phần đảm bảo cho sự vận hành của nền kinh tế thị trường và toàn thể nền kinh tế trong giai đoạn hội nhập.


Thực tế, để xây dựng một chiến lược phát triển năng lượng bền vững phải xây dựng trên nền tảng của một ngành năng lượng kể cả sơ cấp và thứ cấp, cả nguồn năng lượng tái tạo và không tái tạo. Đồng thời, phải có chiến lược khai thác, sử dụng hiệu quả. 


Đặc biệt, ở thời điểm hiện nay, sự phát triển của một chiến lược năng lượng không đơn thuần là tăng trưởng đủ để phát triển kinh tế mà còn hướng đến yếu tố bền vững, gắn với bảo vệ môi trường, gắn với sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả. Vì vậy, chiến lược phát triển năng lượng bền vững định hướng đến năm 2020 và các năm sau đấy đều dựa trên nền tảng nguyên tắc này.

 

 

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đang trao đổi với báo chí. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

 

- Hiện nay, có 3 thách thức lớn là giá năng lượng, an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu. Theo Bộ trưởng, những biện pháp nào cần được áp dụng để giải quyết 3 thách thức này?


Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tôi cho rằng không thể tách rời từng nhóm vấn đề này ra mà cả 3 vấn đề này đều phải được đặt trong bức tranh tổng thể để ta có chiến lược hoàn chỉnh. Bởi chiến lược của ta ngoài việc mang tính dài hạn còn phải bao hàm đầy đủ các ý nghĩa của nhu cầu bức thiết và tính đồng bộ, toàn diện trong cả cách thức và giải pháp. 


Chẳng hạn, câu chuyện về biến đổi khí hậu đang đặt ra thách thức rất lớn đến mọi mặt, đó là thực tiễn, dù muốn hay không chúng ta cũng phải đối mặt với những thách thức này. Vì thế, bắt buộc trong những chính sách phát triển của ta đều phải tính đến khía cạnh bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, cả trong các chính sách về năng lượng hay chính sách về kinh tế-xã hội.


Chúng ta cũng không thể tách rời những yêu cầu về an ninh năng lượng, giữa nguồn năng lượng tái tạo và không tái tạo. Chiến lược cũng không thể tách riêng vai trò từng khu vực và nền kinh tế mà đây là tổng thể của nền kinh tế hội nhập. 
Phải nói rằng, khi đặt ra yêu cầu cho phát triển nhanh thì ta cũng phải đặt ra yêu cầu cho phát triển bền vững, khi ta nói về câu chuyên phát triển các ngành công nghiệp thì cũng phải tính đến tác động lan tỏa tới các ngành kinh tế khác, khi ta nói đến sự phát triển của các thành phần kinh tế nhà nước thì ta cũng hướng tới vai trò của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và khối tư nhân. 


Vì vậy, những yếu tố để đảm bảo cho sự phát triển bền vững phải được đặt tổng thể trong bức tranh nền kinh tế của cả đất nước. Và, để giải quyết bài toán cụ thể về an ninh năng lượng cần phải đặt trong tổng thể các vấn đề an ninh khác, cũng như những yêu cầu về sự phát triển của đất nước.


- Sự ra đời của Nhóm đối tác năng lượng Việt Nam có ý nghĩa như thế nào để giải quyết bài toán này?


Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Đây là mối quan hệ rất có ý nghĩa với Chính phủ Việt Nam và với Bộ Công Thương nói riêng, cũng như với việc xây dựng, hoạch định chính sách của ta trong lĩnh vực năng lượng. 


Các đối tác đang cùng tham gia với Việt Nam trong diễn đàn đối thoại quan trọng này đều đến từ các quốc gia là đối tác quan trọng của Việt Nam trong thương mại đầu tư và cả trong hợp tác kinh tế toàn diện. 


Ngoài ra, còn có sự góp mặt của hàng loạt đại diện của các tổ chức tài chính, tín dụng quốc tế của các nhà tài trợ khác đã có vị thế trong các chương trình hợp tác về ODA, đầu tư tư nhân cũng như các vấn đề hỗ trợ trong các chính sách phát triển của Việt Nam. Các quốc gia này đều có những chính sách, quan điểm rất tích cực và sự hài hòa trong chính sách quan hệ với các nước đang phát triển. 


Tôi cho rằng cơ chế đối thoại này giữa Bộ Công Thương và các đối tác từ EU, cũng như các tổ chức khác sẽ giúp ta có điều kiện nghiên cứu, tiếp cận bài học kinh nghiệm, thực tiễn, mang lại nhiều cơ hội quý báu cho chúng ta không chỉ trong xây dựng, hoạch định chính sách mà còn trong việc thực thi chính sách về năng lượng nói riêng và các lĩnh vực khác nữa. 


Có 5 nhóm làm việc trong khuôn khổ đối thoại được nêu ra và thống nhất giữa Việt Nam và các nước đối tác. Bao gồm: Nhóm thứ nhất, làm việc về năng lượng tái tạo; Nhóm thứ hai, làm việc về tiếp cận điện năng; Nhóm thứ ba, làm việc về cải cách và cơ cấu lại các ngành năng lượng Việt Nam; Nhóm thứ tư, tập trung vào các lĩnh vực về sử dụng và tiết kiệm năng lượng hiệu quả; Nhóm thứ năm, tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về năng lượng. 


Có thể nói, cả 5 lĩnh vực này đã cấu thành những nội dung nền tảng quan trọng nhất trong chiến lược an ninh năng lượng của Việt Nam hiện nay và tới đây. Hơn nữa, đối thoại còn giúp Việt Nam làm hài hòa và sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và các đối tác chiến lược cũng như nhiều khu vực khác. 


Chưa kể đến thông qua khuôn khổ đối thoại này chúng ta còn có điều kiện xây dựng chính sách chung cũng như chương trình chung để khai thác và sử dụng các nguồn viện trợ phát triển, thu hút đầu tư tư nhân phù hợp với các định hướng phát triển xanh của Việt Nam. 


Tôi tin rằng với vai trò làm đầu mối của Liên minh châu Âu (EU) trong cơ chế đối thoại này chúng ta sẽ có điều kiện cụ thể hóa những yêu cầu về mặt chiến lược của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng và trong cả nền kinh tế cũng như có điều kiện để cụ thể hóa thành chính sách trong thời gian tới đây.


- Xin cảm ơn Bộ trưởng./.

 

Theo Vietnam+

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt