Sự phát triển kinh tế cùng với sự gia tăng dân số đã làm cho lượng rác thải sinh hoạt tại Việt Nam không ngừng tăng cả về số lượng và thành phần, gây khó khăn cho công tác quản lý. Để giải quyết tình trạng này, các cơ quan chức năng đang có nhiều định hướng về xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) đô thị, trong đó có việc chuyển đổi sang công nghệ đốt phát điện góp phần quản lý đô thị và BVMT bền vững. Với công nghệ này, Nhà máy xử lý rác công nghệ cao do Công ty TNHH Sa Mạc Xanh làm chủ đầu tư đã được xây dựng và đưa vào vận hành tại phường An Tảo (TP. Hưng Yên). Để tìm hiểu rõ hơn về công nghệ này, Phóng viên Tạp chí Môi trường đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Gia Long - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sa Mạc Xanh.
Ông Nguyễn Gia Long - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Sa Mạc Xanh
PV: Ông đánh giá như thế nào về tình hình phát thải CTRSH tại TP. Hưng Yên hiện nay?
Ông Nguyễn Gia Long: Cũng như nhiều địa phương trên cả nước, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân tại Hưng Yên được nâng cao, kéo theo sự gia tăng CTRSH ở các khu đô thị, khu công nghiệp, nông thôn. Hiện tổng lượng CTRSH phát sinh của tỉnh Hưng Yên trong năm 2018 khoảng 650 tấn/ngày, riêng địa bàn TP. Hưng Yên phát sinh khoảng 75 tấn/ngày và còn tăng nhiều hơn vào các dịp lễ, tết, trong đó tỷ lệ rác thải đô thị đượcthu gom, xử lý đạt 87% (tương đương 75 tấn/ngày). Việc thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH của TP do Công ty TNHH Một thành viên môi trường và công trình đô thị Hưng Yên thực hiện, với phương thức thu gom, vận chuyển hàng ngày tại các phường, khu phố nội thành; vận chuyển rác thải định kỳ 3 lần/tuần từ điểm tập kết của các xã ngoại thành. Rác thải sinh hoạt của 9 huyện, thị xã còn lại thông qua 879 tổ vệ sinh môi trường tự quản tại 100% số thôn, khu dân cư trên địa bàn tỉnh, có 2.211 người tham gia thu gom rác thải từ hộ gia đình đến các điểm tập kết, bãi chôn lấp rác thải, với tỷ lệ rác thải được thu gom, vận chuyển, xử lý đạt khoảng 76% (tương đương 428 tấn/ngày).
Như vậy, toàn tỉnh Hưng Yên còn 24% rác thải nông thôn, 13% rác thải đô thị phát sinh chưa được vận chuyển, xử lý, tồn đọng tại các điểm tập kết, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân. Đặc biệt, hiện tại, quỹ đất dành cho chôn lấp của Hưng Yên đã gần quá tải, trong khi đó lượng rác thải vẫn ngày một tăng.
PV: Để giải quyết tình trạng trên, Công ty TNHH Sa Mạc Xanh đã xây dựng và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý rác công nghệ cao tại phường An Tảo, ông có thể cho biết những ưu điểm của công nghệ?
Ông Nguyễn Gia Long: Trước thực tế trên, chính quyền địa phương nhận thấy, cần thiết phải triển khai một nhà máy xử lý rác công nghệ cao tại TP. Hưng Yên, giúp giảm áp lực tiếp nhận rác thải cho khu vực chôn lấp hiện đã quá tải.
Được sự ủng hộ của chính quyền tỉnh Hưng Yên, Công ty TNHH Sa Mạc Xanh, là công ty khởi nghiệp sáng tạo nhằm triển khai thương mại công nghệ điện rác độc quyền của Công ty TNHH Thủy lực - Máy (HMC) đã đầu tư dây chuyền công nghệ để xử lý rác thải bằng công nghệ khí hóa với 12 bằng sáng chế độc quyền trong và ngoài nướctại phường An Tảo (TP. Hưng Yên). Đây là công nghệ duy nhất được Bộ Khoa học Công nghệ cấp giấy chứng nhận và đã được kiểm định.
Công nghệ khí hóa là công nghệxử lý chất thải rắn trong môi trường nhiệt độ cao và thiếu ô xi để tạo ra khí tổng hợp (syngas) làm nhiên liệu chạy máy phát điện. Với toàn bộ hệ thống dây chuyền máy móc thiết bị được Công ty HMC chế tạo tại Nhà máy đặt ở Khu công nghiệp Đồng Văn - Hà Nam. Theo đó, rác tiếp nhận hàng ngày không cần phân loại đầu nguồn, được đưa trực tiếp vào hệ thống phân loại tự động nhằm loại bỏ hết các thành phần như vật liệu xây dựng, ni lông… để hàm lượng vật chất được đồng đều hơn. Do tính chất, rác tại Việt Nam có độ ẩm cao, nên sau khi được phân loại tự động, rác sẽ được đưa qua hệ thống ép vắt hữu cơ để chia rác đã phân loại thành hai dòng vật chất: Nước mô mềm giàu dinh dưỡng hữu cơ và xơ bã rác đã vắt kiệt nước. Lượng xơ bã rác được đưa qua một hệ thống sấy để tiếp tục làm giảm triệt để độ ẩm trước khi đưa vào lò khí hóa ở nền nhiệt độ cao. Do đặc điểm lò kín không sử dụng ô xi, quá trình khí hóa không phát sinh dioxin và furan (một hợp chất vô cùng độc hại không bao giờ mất đi nếu đã được hình thành và tái tổ hợp trong quá trình đốt).
Sau khi khí hóa xong, một lượng lớn khí syngas sẽ được sinh ra để làm nguyên liệu sạch chạy máy phát điện, đây là nguồn năng lượng chủ yếu để hỗ trợ các hoạt động của Nhà máy cũng như chạy lồng sấy xơ bã rác ở trên. Phần còn lại dưới đáy lò là lượng than các bon sẽ được lấy trộn với phần nước hữu cơ mô mềm đã được ép vắt ở khâu tiền chế. Đặc điểm của than các bon là cấu trúc lỗ rỗng, giữ độ ẩm cao, kết hợp với lượng dinh dưỡng hữu cơ để hòa trộn vào đất, làm vật liệu cải tạo đất rất tốt.
Có thể thấy, ban đầu là rác chưa phân loại, qua hệ thống dây chuyền công nghệkhí hóa, rác đã được quay vòng sử dụng vào các mục đích khác nhau. Đây cũng chính là điều tôi muốn nhấn mạnh khi tất cả chúng ta đang hướng tới một kỷ nguyên của nền kinh tế tuần hoàn.
Lò khí hóa đa nhiên liệu của Nhà máy xử lý rác công nghệ cao tại Hưng Yên
Với những ưu điểm vượt trội như trên, Nhà máy xử lý rác công nghệ caolà một nhà máy tiên tiến, không có ống khói, không phát sinh khí thải, nước thải, an toàn tuyệt đối với môi trường, đảm bảo cuộc sống trong lành cho người dân TP. Hưng Yên, đặc biệt là các hộ dân đã chịu ảnh hưởng nặng nề bởi khu chôn lấp cũ gây ô nhiễm môi trường từ trước tới nay.
PV: Ông có thể đánh giá những kết quả bước đầu của Nhà máy xử lý rác tại Hưng Yên?
Ông Nguyễn Gia Long: Tại Việt Nam, đây là Nhà máy đầu tiên áp dụng công nghệ này do Công ty TNHH Sa Mạc Xanh làm chủ đầu tư trực tiếp. Ngoài ra, Công ty còn một Nhà máy thử nghiệm chuyên chế tạo máy móc và dây chuyền công nghệ tại Khu công nghiệp Đồng Văn - Hà Nam. Đầu năm 2018, Nhà máy đã vinh dự được Thủ tướng cùng các cơ quan ban, ngành Trung ương và địa phương về thăm dây chuyền công nghệ và được đánh giá cao.
Với Nhà máy tại Hưng Yên, chỉ sau 5 tháng xây dựng, Công ty TNHH Sa Mạc Xanh đã từng bước tiếp nhận lượng rác hàng ngày để xử lý. Bằng sự đánh giá khách quan trong công tác đo kiểm của cơ quan quản lý nhà nước và chính quyền địa phương, các hộ gia đình khu vực xung quanh có thể thấy rằng, việc đưa công nghệ này vào xử lý môi trường là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.
Song song với việc xử lý rác, mỗi tháng, Công ty đã và đang cung cấp cho bà con nông dân xung quanh khu vực Nhà máy dùng thử hàng trăm tấn vật liệu hữu cơ cải tạo đất với những phản hồi rất tích cực.
Trong thời gian tới, Công ty sẽ triển khai xây dựng Dự án tương tự tại một số tỉnh, thành phố trên cả nước và một số quốc gia, điển hình là Nigieria.
PV: Nhằm đưa công nghệ vào sản xuất thương mại, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển kinh tế, ông có đề xuất, kiến nghị gì?
Ông Nguyễn Gia Long: Là một đơn vị khởi nghiệp sáng tạo với khao khát được góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường bằng lợi thế công nghệ sẵn có. Hiện tại, công nghệ của Công ty là một công nghệ đột phá. Tuy nhiên, vì tính đột phá, tính mới, nên chưa có đầy đủ quy định pháp luật để được áp dụng. Điều này gây mất nhiều thời gian cho doanh nghiệp trong công tác triển khai. Do đó, Công ty mong muốn, cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn để có cơ sở áp dụng và cơ chế, chính sách để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Đối với việc xây dựng Nhà máy mà Công ty đã thực hiện,việc bỏ ra một số kinh phílớn mà không có sự trợ giúp của các tổ chức tín dụng là một gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp. Vì thế, Nhà nước cần tạo cơ chế thông thoáng, ưu tiên cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực xử lý môi trường để có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn với lãi suất ưu đãi, giảm điều kiện vay vốn về thủ tục, tài sản bảo đảm, qua đó, doanh nghiệp có cơ hội được triển khai rộng rãi các công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, góp phần phát triển bền vững đất nước.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!