Năm 2013, tại Kumamoto - Nhật Bản, cùng với 96 quốc gia đầu tiên trên thế giới, Việt Nam đã tham gia ký Công ước Minamata về thủy ngân. Để thực hiện Công ước này, ngày 10/3/2015 tại Hà Nội, Cục Hóa Chất- Bộ Công Thương đã phối hợp với Chương trình phát triển Công nghiệp Liên Hợp quốc (UNIDO) thực hiện Hội thảo khởi động của Dự án “Đánh giá ban đầu Công ước Minamata về thủy ngân tại Việt Nam” do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ dưới dạng dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA .
Đây là hoạt động khởi đầu của Việt Nam nhằm hướng tới mục tiêu phê duyệt Công ước Minamata và theo lộ trình của Công ước việc sản xuất và sử dụng các sản phẩm có chứa thủy ngân hết hạn vào năm 2020.
Hội thảo có sự tham dự của hơn 60 đại biểu đến từ các Bộ ngành có liên quan (Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp) cùng đại diện Sở Công Thương của một số địa phương có hoạt động khai thác vàng; các tổ chức phi chính phủ cũng như các doanh nghiệp có sử dụng và làm phát thải thủy ngân tại Việt Nam.
Đằng sau sự lấp lánh:
Tại Hội thảo, ông Patrick J. Gilabert, Trưởng đại diện của UNIDO tại Việt Nam cho biết: “Thủy ngân là một kim loại lấp lánh và có khả năng bốc hơi tương đối dễ ở nhiệt độ phòng, lan truyền nhanh trong không khí, lưu truyền trong chuỗi thức ăn. Hiện nay thủy ngân thường được sử dụng trong các thiết bị đo lường nhiệt độ và áp suất, được sử dụng trong nha khoa (hàn, trám men chiếm 51% hàm lượng thủy ngân), bóng đèn, nhiệt kế… Đặc biệt, trong các ngành công nghiệp như: luyện kim, sản xuất xi măng hay khai khoáng vàng, … cũng là những ngành gây ô nhiễm thủy ngân cho môi trường và tác động đến sức khỏe của con người”.
Khi tác động đến con người, thủy ngân sẽ gây tổn thương hệ thần kinh, thận, gây mất ngủ, trầm cảm, gây teo cơ, suy giảm thị lực, nói khó, khiếm thính, rối loạn tâm thần…Còn nếu thẩm thấu qua nhau thai thì sẽ gây sảy thai tự nhiên hoặc em bé được sinh ra với các triệu chứng thần kinh năng hoặc ngớ ngẩn. Với độc tính như vậy mà tại Nhật Bản, hội chứng Minamata do nhà máy hóa chất Chiso xả thải thủy ngân vào vịnh Minamata (từ năm 1932-1968), đã gây ra phơi nhiễm cho hơn 10.000 người dân ở đây do sử dụng cá đánh bắt ở vịnh làm thức ăn. Theo thống kê năm 2004, đã có 2265 người mắc bệnh ( trong đó 1784 người đã chết), 10.000 người được bồi thường và chi phí khắc phục lên đến 86 triệu USD.
Theo ông Trần Anh Dũng- Cục Quản lý môi trường, Bộ Y tế: “Qua khảo sát và thống kê tại các địa phương và cơ sở khám chữa bệnh trên cả nước thì trung bình mỗi tháng có 1.629 nhiệt kế thủy ngân bị vỡ và ước tính trên cả nước mỗi năm tại các cơ sở y tế trên cả nước mỗi năm có khoảng 447.588 nhiệt kế thủy ngân bị vỡ. Như vậy ước lượng thủy ngân giải phóng từ nhiệt kế và huyết áp kế bị vỡ trung bình mỗi năm là 550 kg”.
Hướng đi của Việt Nam:
Với chức năng, nhiệm vụ của mình, tại Quyết định số 1811/QĐ-TTg ngày 04 tháng 10 năm 2013, Bộ Công Thương đã được Chính phủ giao nhiệm vụ là Cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu trình Chính phủ xem xét, phê duyệt Công ước vào thời điểm thích hợp.
Ông Lưu Hoàng Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Hóa Chất - Giám đốc Dự án Quốc gia của Dự án Đánh giá ban đầu Công ước Minamata tại Việt Nam cho biết: “ Dự án được phê duyệt với mức kinh phí 500.000 USD trong đó 25.000 USD là từ nguồn đối ứng của Chính phủ Việt Nam, 22.000 USD từ UNIDO. Dự án sẽ hoàn thành các hoạt động trước phê duyệt theo Công ước Minamata để xác định các chính sách, các quyết định chiến lược và các lĩnh vực ưu tiên cần can thiệp trong tương lai. Từ nay đến cuối năm 2016 chúng tôi sẽ cố gắng ban hành các cơ chế điều phối của Dự án và xác định các lỗ hổng trong quản lý thủy ngân. Đồng thời rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật hiện có về thủy ngân và xác đinh sự cần thiết về việc đề xuất sửa đổi, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện Công ước Manimata… Toàn bộ nội dung này dự kiến được trình Chính phủ vào cuối năm 2016. Sau khi Chính phủ phê duyệt Công ước, Việt Nam sẽ xây dựng Kế hoạch thực thi quốc gia thực hiện Công ước, đáp ứng lộ trình giảm thiểu, tiến tới ngừng sử dụng thủy ngân và các hợp chất chứa thủy ngân.
Cũng theo ông Ngọc, đối với các ngành công nghiệp có sử dụng, phát thải thủy ngân hoặc sản phẩm có chứa thủy ngân như sản xuất bóng đèn chiếu sáng có sử dụng thủy ngân thì vấn đề là thời gian tới các DN phải có sự điều chỉnh về mặt công nghệ.
Tuy nhiên khó khăn nhất hiện nay đó chính là việc kiểm soát các hoạt động khai thác vàng thủ công. Trên thế giới, đây là ngành chiếm đến 37% lượng thủy ngân phát thải ra môi trường (theo một báo cáo của UNEP vào năm 2010 được Cục Hóa chất công bố tại Hội thảo). “Hiện nay việc khai thác vàng ở Việt Nam chủ yếu là khai thác lậu hoặc giao cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ khai thác tận thu do vậy để kiểm soát được hoạt động này đối với các địa phương và ngành tài nguyên và môi trường là hết sức khó khăn. Biện pháp trước mắt là chúng ta phải nâng cao nhận thức thông qua đẩy mạnh các công tác tuyên truyền đến xã hội, người dân và doanh nghiệp biết được”- ông Ngọc nhấn mạnh.
Khai thác quặng trộm ở mỏ vàng Bồng Miêu- Quảng Nam Nguồn MOIT |