Nhằm thúc đẩy hoạt động BVMT, đi trước một bước trong công tác đánh giá năng lực bảo vệ môi trường của địa phương, đồng thời giúp các nhà hoạch định chính sách có những điều chỉnh và quy hoạch phát triển phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Viện Chiến lược chính sách Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Bộ Chỉ số hoạt động môi trường. Để hiểu hơn vấn đề này, Phóng viên Báo TN&MT đã có cuộc trao đổi với Viện trưởng Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tài.
Pv: Việc xây dựng bộ chỉ số môi trường để hỗ trợ đánh giá nỗ lực bảo vệ môi trường tại các địa phương hiện đang được các ban, ngành rất quan tâm. Xin ông cho biết việc xây dựng bộ khung chỉ số này xuất phát từ đâu, thưa ông?
Viện trưởng Nguyễn Văn Tài: Để kiểm soát sự gia tăng ô nhiễm môi trường, suy giảm đa dạng sinh học đồng thời cải thiện chất lượng môi trường sống, tháng 9 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 1216/QĐ – TTg, trong đó có giải pháp thực hiện việc đánh giá, phân hạng các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương theo mức độ thân thiện với môi trường.
Đồng thời, tại Nghị quyết 24/NQ – TW về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường, trong đó một trong những giải pháp đưa ra yêu cầu: “Thực hiện đánh giá, phân hạng về môi trường đối với các địa phương”. Ngoài ra, Nghị quyết 08/NQ – CP ban hành Chương Nghị quyết của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 24/NQ – TW của BCH Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường cũng đưa ra các giải pháp thực hiện nhiệm vụ này.
Thực hiện chủ trương, chính sách trên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và Môi trường triển khai Dự án: “Điều tra, đánh giá, thử nghiệm phân hạng môi trường đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương” từ năm 2014 – 2016. Viện Chiến lược, chính sách Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các chuyên gia thuộc Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNDP), đặc biệt là Tiến sĩ Angel Hus, chuyên gia EPI đến từ đại học Yele, Mỹ đã đưa ra phương pháp luận và những bài học kinh nghiệm trong quá trình xây dựng Bộ chỉ số hoạt động môi trường để đánh giá nỗ lực bảo vệ môi trường của các nước. Từ đó áp dụng vào trong nghiên cứu, xây dựng phương pháp và triển khai thực hiện việc đánh giá nỗ lực BVMT của các địa phương tại Việt Nam. Xây dựng bộ chỉ số hoạt động môi trường góp phần hỗ trợ đánh giá nỗ lực bảo vệ môi trường của các địa phương . Từ đó thúc đẩy hoạt động BVMT giúp các nhà hoạch định chính sách có những điều chỉnh và quy hoạch phát triển phù hợp nhằm mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Pv: Vậy bộ khung chỉ số môi trường tập trung xây dựng những nội dung quan trọng nào thưa Viện trưởng?
Viện trưởng Nguyễn Văn Tài: Tiếp thu những thành tựu tiên tiến của các chuyên gia, nhà khoa học tới từ các trường đại học hàng đầu trên thế giới, trên cơ sở kết hợp với thực tiễn của Việt Nam, các nhà khoa học đã đưa ra khung đề xuất bộ chỉ số sao cho thật phù hợp với thực trạng quản lý môi trường ở Việt Nam. Bộ chỉ số này sẽ được xây dựng tập trung vào 4 nội dung chính đó là: Bảo vệ con người, bảo vệ sức sống hệ sinh thái, bảo vệ hệ thống khí hậu của Trái đất và tăng cường năng lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường của địa phương. Từ 4 nội dung chính này, nhóm nghiên cứu đã xác định được 11 nội dung cụ thể, 21 chính sách để thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường. Sau khi xác định được 21 nhóm chính sách, nhóm nghiên cứu đã xác định các chỉ thị để đo lường việc triển khai thực hiện các chính sách này. Tiêu chí để lựa chọn các chỉ thị gồm 3 tiêu chí: Đảm bảo tính đại diện cho nhóm chính sách; sẵn có về số liệu và không được gây ra sự không thống nhất, bất bình đẳng giữa các địa phương khi đánh giá.
Dựa trên các tiêu chí này, các địa phương có thể tự đánh giá được chất lượng môi trường. Cách tiếp nhận của nhóm nghiên cứu đó là vừa tự đánh giá vừa có đánh giá độc lập trên cơ sở số liệu thực tế một cách khách quan. Nếu tự đánh giá và đánh giá độc lập thì sẽ thống nhất lấy số liệu chung, còn chưa trùng khớp thì sẽ xem lại quá trình đánh giá để đưa ra điều chỉnh. Từ đó số liệu chất lượng môi trường của mỗi địa phương sẽ được đánh giá tổng quan cụ thể.
PV: Để xây dựng hoàn thiện được bộ chỉ số, trong quá trình nhóm nghiên cứu đã tiến hành tham vấn ý kiến của bao nhiêu địa phương và kết quả bước đầu được sử dụng như thế nào, thưa Viện trưởng?
Viện trưởng Nguyễn Văn Tài: Hiện nhóm nghiên cứu đã tiến hành gửi dự thảo bộ chỉ số cho 14 tỉnh thành phố để địa phương nghiên cứu đóng góp ý kiến cũng như thu thập số liệu. Các địa phương sẽ tự thử tính sau đó nhóm nghiên cứu sẽ cùng với địa phương cùng trao đổi tháo gỡ những khó khăn bất cập, số liệu nào chưa hoàn thiện sẽ hoàn thiện và đưa vào thử nghiệm. Kết quả bước đầu, nhóm nghiên cứu chỉ mới tính điểm các chỉ tiêu chất lượng môi trường để xác định được một số tỉnh làm tốt sau đó sẽ chia sẻ kết quả thành công với các tỉnh còn lại trong cả nước.
Pv: Theo ông đâu là những khó khăn cho việc xây dựng bộ chỉ số áp dụng cho toàn quốc?
Viện trưởng Nguyễn Văn Tài: Khó khăn lớn nhất của nhóm nghiên cứu đó là việc thiếu số liệu thực tế từ địa phương. Những số liệu thu thập được thì không phản ánh đúng thực tế thành ra việc đánh giá chưa được chính xác. Để tháo gỡ khó khăn này, trước mắt vẫn sử dụng số liệu chính thống đã có từ Cục Thống kê các địa phương, đồng thời tiến tới thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để điều chỉnh lại các chỉ số thống kê và cách thức thống kê để các số liệu sát với thực tế. Hiện bộ chỉ số thống kê môi trường của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa phản ánh hết các khía cạnh của công tác quản lý môi trường hiện nay.
Còn đối với bộ chỉ số môi trường đang xây dựng hiện hành sẽ phản ánh, hệ thống một cách khoa học, khắc phục được những thiếu sót của Bộ chỉ số môi trường của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Sau khi thống nhất và hoàn thiện, bộ chỉ thị này sẽ góp phần hoàn hiện bộ chỉ số thống kê sẵn có, từ đó các địa phương sẽ dễ dàng tiếp cận và biết phải làm gì với các tiêu chí đánh giá để phản ánh đúng thực trạng môi trường tại địa phương mình. Đồng thời bộ chỉ số chuẩn này sẽ làm công cụ để đánh giá thẩm định lại các chỉ số môi trường của địa phương có thật sự chính xác và sát thực tiễn.
Pv: Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn báo TN&MT