Chưa bao giờ việc phát triển năng lượng sạch đứng trước nhiều vận hội mới như hiện nay: Từ chính sách chung của Chính phủ cho đến các khuôn khổ pháp lý đã hoàn thiện; từ ưu đãi về giá, thuế, ưu đãi về cơ sở hạ tầng, đất đai cho đến các khoản phí, vốn vay… Vấn đề là làm sao để tận dụng được thời cơ và vận hội này.
Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu tăng tỷ lệ các nguồn năng lượng mới và tái tạo lên khoảng 5% tổng năng lượng thương mại sơ cấp vào năm 2020 và khoảng 11% nào năm 2050. Ảnh: Ngọc Thọ
Tiềm năng lớn
Năng lượng sạch là năng lượng được sản xuất trên cơ sở chuyển hoá từ các nguồn năng lượng sơ cấp tái tạo, ít tác động tiêu cực đến môi trường như thuỷ năng, năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng địa nhiệt, năng lượng thuỷ triều, nhiên liệu sinh học...
Năng lượng sạch cũng là năng lượng được sản xuất, cung cấp từ các nguồn năng lượng sơ cấp hóa thạch (than đá, sản phẩm dầu, khí đốt) và hạt nhân trên cơ sở sử dụng công nghệ chuyển hoá năng lượng là công nghệ sạch, công nghệ thân thiện môi trường hay bảo vệ môi trường. Đồng thời, quá trình sản xuất, cung cấp năng lượng được tiến hành trong điều kiện đảm bảo thực hiện nghiêm ngặt công tác quản lý tác động môi trường, tổ chức hoạt động có hiệu quả cao hệ thống giám sát, kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu ô nhiễm và các tác động tiêu cực khác đến môi trường.
Theo Trung tâm Năng lượng tái tạo và Cơ chế phát triển sạch, Viện Năng lượng, Bộ Công Thương thì nước ta có tiềm năng rất lớn để phát triển các nguồn năng lượng sạch.
Cụ thể, về thủy điện nhỏ, hiện nay có trên 1.000 địa điểm đã được xác định có tiềm năng phát triển thủy điện nhỏ, quy mô từ 100kW tới 30MW với tổng công suất đặt trên 7.000MW, các vị trí này tập trung chủ yếu ở vùng núi phía Bắc, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.
Về năng lượng gió, chúng ta cũng được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển năng lượng gió tuy số liệu về tiềm năng khai thác năng lượng gió của Việt Nam chưa được lượng hóa đầy đủ bởi còn thiếu điều tra và đo đạc chi tiết. Số liệu đánh giá về tiềm năng năng lượng gió có sự dao động khá lớn, từ 1.800MW đến trên 9.000MW, thậm chí có số liệu còn cho thấy là trên 100.000MW. Tiềm năng năng lượng gió của Việt Nam tập trung nhiều nhất tại vùng Duyên hải miền Trung, miền Nam, Tây Nguyên và các đảo.
Năng lượng sinh khối chính là gỗ năng lượng, phế thải - phụ phẩm từ cây trồng, chất thải chăn nuôi, rác thải ở đô thị và các chất thải hữu cơ khác. Khả năng khai thác bền vững nguồn sinh khối cho sản xuất năng lượng ở Việt Nam đạt khoảng 150 triệu tấn mỗi năm. Một số dạng sinh khối có thể khai thác được ngay về mặt kỹ thuật cho sản xuất điện hoặc áp dụng công nghệ đồng phát năng lượng (sản xuất cả điện và nhiệt) đó là trấu ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long hay bã mía dư thừa ở các nhà máy đường, rác thải sinh hoạt ở các đô thị lớn, chất thải chăn nuôi từ các trang trại gia súc, hộ gia đình và chất thải hữu cơ khác từ chế biến nông, lâm, thủy hải sản.
Với tổng số giờ nắng cao lên đến trên 2.500 giờ/năm, tổng lượng bức xạ trung bình hàng năm vào khoảng 230-250 kcal/cm² theo hướng tăng dần về phía Nam cũng là cơ sở tốt cho phát triển các công nghệ năng lượng mặt trời - một dạng phổ biến của năng lượng sạch.
Ngoài ra, tiềm năng điện địa nhiệt ở Việt Nam có thể khai thác đến trên 300MW. Khu vực có khả năng khai thác hiệu quả nhất được cho là tại miền Trung.
Để khai thác hiệu quả
Mới đây, ông Patrick Wall - Tùy viên thương mại, Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP. Hồ Chí Minh đã nhận định rằng: “Việt Nam có tiềm năng rất lớn về các nguồn năng lượng tái tạo phân bố rộng trên cả nước với gần 3.400km bờ biển cung cấp nguồn năng lượng gió khoảng 500 - 1.000 kWh/m² mỗi năm, nguồn năng lượng mặt trời phong phú với lượng bức xạ nắng trung bình 5 kWh/m2/ngày trên khắp cả nước. Cộng đồng doanh nghiệp rất muốn đầu tư sâu rộng hơn trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam”.
Theo ông Trần Văn An - Tổng giám đốc Công ty Công nghiệp kỹ thuật điện D.C.N, người có nhiều năm kinh nghiệm tìm hiểu và quan sát lĩnh vực này thì xu hướng đầu tư, sử dụng năng lượng sạch là tất yếu khi mà các nguồn năng lượng truyền thống sẽ dần được khai thác tối đa, cạn kiệt. Theo ông An, do là nước nằm gần xích đạo, Việt Nam được coi là có tiềm năng điện mặt trời với 4-5kWh/m2/ngày, tập trung ở miền Trung và miền Nam. Đánh giá gần đây của tư vấn quốc tế cho thấy, nếu quy mô nhà máy khoảng 50 MW sử dụng công nghệ CHP sẽ sản xuất được từ 60-100 triệu kWh/năm. Một nhà máy với quy mô 1 MW sử dụng công nghệ solar PV sẽ sản xuất được 1,2 triệu kWh/năm.
Ông An đề xuất nên sớm thành lập Hiệp hội năng lượng sạch Việt Nam như nhiều nước đã làm, Hiệp hội hình thành sẽ giúp cho công tác nghiên cứu, thăm dò, quy hoạch, đầu tư, chuyển giao công nghệ, xây dựng, chế tạo thiết bị và phát triển sản xuất năng lượng sạch... phục vụ phát triển ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững cũng như tuyên truyền, vận động để toàn dân hưởng ứng xây dựng ngành Năng lượng Việt Nam phát triển theo xanh - sạch; Qua đó, góp phần tích cực phát triển bền vững nền kinh tế - xã hội trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ tổ quốc. Thậm chí, Hiệp hội sẽ có một vườn ươm và quỹ ươm các dự án năng lượng sạch. Từ đây, nuôi dưỡng, ươm mầm, cung cấp các hỗ trợ về tài sản và các nguồn lực cần thiết để ươm tạo các ý tưởng nghiên cứu năng lượng sạch và tạo điều kiện cho các ý tưởng này phát triển thành các dự án tiềm năng.
Còn ông Đặng Quốc Toản, Giám đốc Công ty Cổ Phần Năng Lượng Dầu Khí châu Á thì đề xuất nên giảm thuế cho ngành năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng và đánh thuế cao các ngành khai thác tài nguyên không tái tạo, gây ô nhiễm môi trường như các nước phát triển đã và đang làm, để hỗ trợ lại cho năng lượng sạch. Ông Toản đề xuất sử dụng quỹ đầu tư cho lĩnh vực năng lượng sạch của WB, ADB và các nước giúp Việt Nam cho các doanh nghiệp vay ưu đãi và không lãi suất. Đầu tư nghiên cứu chuyển giao công nghệ từ các nước tiên tiến, để sản xuất các sản phẩm sử dụng năng lượng tái tạo như bếp và hệ thống đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời, pin mặt trời, turbine gió, biogas, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học... Và hỗ trợ vốn từ nguồn vốn của các tổ chức quốc tế và Nhà nước cho các hộ dân nghèo vay để mua bếp đun năng lượng mặt trời và máy đun nước nóng năng lượng mặt trời, điện mặt trời cho chiếu sáng, đèn compact và sản xuất nước sạch, sản phẩm nông nghiệp sạch. Qua đây, mang lại lợi ích lớn cho Nhà nước.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa đồng ý chủ trương lập đề án "Quy hoạch phát triển năng lượng quốc gia giai đoạn 2016-2025, định hướng đến năm 2035". Mục tiêu của Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 là bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo đảm giữ vững an ninh, quốc phòng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ của đất nước; cung cấp đầy đủ năng lượng với chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội; khai thác và sử dụng hợp lý, có hiệu quả nguồn tài nguyên năng lượng trong nước; đa dạng hóa phương thức đầu tư và kinh doanh trong lĩnh vực năng lượng, hình thành và phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh lành mạnh; đẩy mạnh phát triển nguồn năng lượng mới và tái tạo, năng lượng sinh học, điện hạt nhân để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững ngành năng lượng.
Nguồn tapchitaichinh