Ngày 8/9, tại thủ đô Lima của Peru, các Bộ trưởng Tài chính của 20 nước có nguy cơ cao nhất hứng chịu hậu quả nghiêm trọng nhất của biến đổi khí hậu, từ Vương quốc Bhutan thuộc dãy Himalaya cho tới quốc đảo Tuvalu ở Thái Bình Dương, đã nhóm họp đánh dấu sự ra đời của nhóm mới, với tên gọi V20.
Nhóm này ra đời nhằm nhấn mạnh sự cần thiết phải có các hành động mạnh mẽ hơn nữa trong việc ngăn chặn tình trạng ấm lên toàn cầu. Việt Nam cũng là một thành viên trong nhóm 20 quốc gia này.
Phiên họp đầu tiên của V20 diễn ra ngay trước thềm cuộc họp bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cũng tại Lima.
Cùng tham dự cuộc họp này còn có Thư ký điều hành Hiệp ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, bà Christiana Figueres.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã nhất trí đẩy mạnh việc gây quỹ tài trợ cho các chiến dịch chống biến đổi khí hậu, đồng thời kêu gọi hỗ trợ tài chính để bảo vệ những người nghèo trên thế giới khỏi những ảnh hưởng của tình trạng ấm lên toàn cầu.
Theo dự thảo kế hoạch hành động chung, V20 sẽ tìm cách tăng cường sự phối hợp kinh tế, tài chính với các hành động thiết thực nhằm đối phó với tình trạng biến đối khí hậu, đồng thời thúc đẩy toàn cầu hướng tới nền kinh tế xanh.
Các mục tiêu của V20 bao gồm, cải thiện việc tiếp cận nguồn tài chính quốc tế dành cho chống biến đổi khí hậu, nhằm giúp các nước đối phó với các đợt hạn hán, lũ lụt, tan bang và mực nước biển tăng cao.
V20 cũng nhất trí thiết lập một cơ chế góp quỹ chung, tạo điều kiện để các nền kinh tế có thể phục hồi tốt hơn sau các thảm họa bằng cách tăng khả năng tiếp cận các loại bảo hiểm vừa túi tiền và khuyến khích các giải pháp phù hợp khác.
Các bộ trưởng nhóm V20 cũng hy vọng chính phủ các nước phát triển sẽ thực hiện cam kết huy động 100 tỷ USD mỗi năm cho tới năm 2020 để giúp các nước đang phát triển đối phó với biến đổi khí hậu.
Bộ trưởng Tài chính Philippines Cesar Purisima, người chủ trì phiên họp khai mạc V20, nhấn mạnh nếu không thể xây dựng một chiến lược đối phó toàn cầu hiệu quả, các nước V20 sẽ phải đối mặt với hậu quả vô cùng to lớn, thiệt hại kinh tế hàng năm có thể lên tới hơn 400 tỷ USD vào năm 2030.
Thư ký điều hành Hiệp ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu Figueres hối thúc cộng đồng quốc tế "hỗ trợ tài chính đáng kể và kịp thời" cho các nước V20. Theo bà, biến đổi khí hậu không chỉ đơn thuần là vấn đề môi trường mà còn là một vấn đề kinh tế nền tảng và do đó cần đến các giải pháp tài chính.
Thành viên các nước V20 bao gồm Afghanistan, Bangladesh, Barbados, Bhutan, Costa Rica, Đông Timor, Ethiopia, Ghana, Kenya, Kiribati, Madagascar, Maldives, Nepal, Philippines, Rwanda, Saint Lucia, Tanzania, Tuvalu, Vanuatu và Việt Nam.
Với tổng dân số hơn 700 triệu người, V20 tập hợp các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, với địa hình đất đai khô cằn, nhiều đồi núi. 20 quốc gia, chỉ với 2% lượng khí thải nhà kính, song lại phải hứng chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ biến đổi khí hậu, với hơn 50.000 người thiệt mạng mỗi năm kể từ năm 2010 liên quan đến việc nhiệt độ toàn cầu tăng.
V20 ước tính thiệt hại kinh tế sẽ tăng cao, chiếm ít nhất 2,5% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) mỗi năm, tương đương 45 tỷ USD kể từ năm 2010./.
Theo Vietnam+