Logo
phone
Hotline: 02437327155
Quy định ban bố tình trạng khẩn cấp ô nhiễm không khí
  09/06/2020
icon-zalo

Trường hợp ô nhiễm không khí lên ngưỡng tím (rất có hại cho sức khỏe) hoặc ngưỡng nâu (nguy hiểm đến sức khỏe), Chủ tịch UBND cấp tỉnh hoặc Thủ tướng Chính phủ có thể ban bố tình trạng khẩn cấp về ô nhiễm không khí với nhiều giải pháp như hạn chế giao thông, xây dựng, cho học sinh nghỉ học.

 

Trong dự thảo Luật bảo vệ môi trường lần này (đã trình Quốc hội, dự kiến thông qua vào kỳ họp Quốc hội thứ X vào cuối năm nay) ban hành hàng loạt các giải pháp hạn chế tác động về ô nhiễm không khí. Đáng lưu ý là việc xây dựng khung hành lang pháp lý ban bố tình trạng khẩn cấp. Ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Quản lý Chất lượng Môi trường, Tổng cục Môi trường, cho biết trên Baotienphong: Dự thảo luật sẽ đưa ra một số nguyên tắc cơ bản về ban bố tình trạng khẩn cấp, dự kiến có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết việc ban bố tình trạng khẩn cấp thông qua một nghị định. Tuy nhiên, kinh nghiệm mốt số nước như Trung Quốc, Thái Lan cho thấy, trường hợp ô nhiễm lên ngưỡng rất xấu và nguy hại có thể ban bố tình trạng khẩn cấp. Một số biện pháp có thể triển khai như yêu cầu cơ sở sản xuất công nghiệp giảm công suất sản xuất, cấm một số loại phương tiện giao thông trong nội đô, yêu cầu các công trình xây dựng phun nước. Điều chỉnh thời gian làm việc, đến trường của học sinh, người dân.

 

 

 

Về thẩm quyền, Chủ tịch UBND tỉnh có thể ban bố tình trạng khẩn cấp nếu ô nhiễm xảy ra tại địa bàn tỉnh. Thủ tướng sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp nếu ô nhiễm xảy ra liên tỉnh, liên vùng. PGS.TS Nghiêm Trung Dũng, trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết thêm, cơ quan làm luật sẽ nghiên cứu các điều kiện cụ thể để ban bố tình trạng khẩn cấp, trong đó có 2 tình huống phổ biến, một là khi xảy ra sự cố môi trường, hai là khi chất lượng không khí trở nên rất xấu. Về vấn đề đốt rơm rạ, ông Lê Hoài Nam cho biết, dự thảo Luật Bảo vệ Môi trường quy định rơm rạ phải tái chế, sản xuất phụ phẩm nông nghiệp thành sản phẩm có ích để phục vụ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng người dân, cấm đốt phụ phẩm nông nghiệp. PGS.TS Hoàng Thu Hương, trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, việc đốt rơm rạ cho thấy, bà con đang thiếu giải pháp để giải quyết. Căn cứ trên quy định mới của Luật về vấn đề bảo vệ môi trường nông thôn, sẽ có chính sách khuyến khích các nghiên cứu về xử lý rơm rạ cũng như chính sách hỗ trợ người dân giải quyết vấn đề này.

 

Đợt nắng nóng hiện nay ở Bắc Bộ có thể dài nhất trong 27 năm qua


Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, nắng nóng ở Bắc Bộ có khả năng kéo dài nhiều ngày với mức nhiệt phổ biến ở từ 36-39 độ C. Thủ đô Hà Nội có mức nhiệt phổ biến từ 37-39 độ C. Nhiều khả năng đây là đợt nắng nóng dài nhất kể từ năm 1993 tới nay tại Bắc Bộ (do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn). Tại miền Trung, nắng nóng đã duy trì được 10 ngày, dự báo sẽ có còn kéo dài thêm 6 -7 ngày (đến khoảng ngày 15-16/6). Như vậy, đợt nắng nóng ở miền Trung có thể kéo dài khoảng 17-18 ngày. Đây là đợt nắng dài trung bình ở Trung Bộ. Năm 2015, miền Trung xảy ra nắng nóng dài kỷ lục (32 ngày ở khu vực Nam Trung Bộ, 36 ngày ở các tỉnh Trung Trung Bộ, 39 ngày ở khu vực Bắc Trung Bộ). Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 9/6, do ảnh hưởng của rìa Đông Nam vùng áp thấp nóng phía Tây kết hợp với hiệu ứng phơn, các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ tiếp tục có nắng nóng và nắng nóng gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 36-39 độ C; có nơi đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất trên 39 độ C; độ ẩm tương đối thấp nhất trong ngày phổ biến 45-55%. Thời gian có nhiệt độ trên 35 độ C từ 10-18 giờ.

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo đợt nắng nóng này còn kéo dài trong nhiều ngày tới, riêng khu vực Bắc Bộ nắng nóng có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 13/6. Thủ đô Hà Nội ngày 9/6 có nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt với nền nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-39 độ C. Do ảnh hưởng của nắng nóng và nắng nóng gay gắt kết hợp với độ ẩm trong không khí giảm thấp, gió Tây Nam gây hiệu ứng phơn thổi mạnh, nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ, hỏa hoạn ở khu vực dân cư do nhu cầu sử dụng điện tăng cao, nguy cơ cao cháy rừng ở các tỉnh Trung Bộ. Ngoài ra, nắng nóng còn có thể gây tình trạng mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ cao.

 

Lấy ý kiến về giảm thuế bảo vệ môi trường với nhiên liệu bay

 

VietnamPlus thông tin: Ngày 8/6, Bộ Tài chính đã gửi Công văn lấy ý kiến của các bộ, ngành liên quan về dự án Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 về việc các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19; tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không bị tác động rất lớn của đại dịch, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự án Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay theo trình tự, thủ tục rút gọn. Theo dự án này, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc quy định mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay bằng 70% mức thuế quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26/9/2018 đến hết ngày 31/12/2020.

Thực hiện phương án giảm 30% mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ giảm 900 đồng/lít xuống còn 2.100 đồng/lít (đảm bảo nằm trong khung thuế bảo vệ môi trường của nhiên liệu bay quy định tại Luật thuế bảo vệ môi trường). Theo tính toán, số giảm thu Ngân sách Nhà nước ước tính khoảng 87,33 tỷ đồng/tháng. Tuy nhiên, việc giảm thuế bảo vệ môi trường sẽ góp phần giúp doanh nghiệp vận tải hàng không giảm bớt gánh nặng tài chính, duy trì hoạt động kinh doanh trong bối cảnh dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và khó lường, việc hạn chế nhập cảnh được dự báo vẫn phải kéo dài thời gian thực hiện. Nghị quyết này sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và được áp dụng đến hết ngày 31/12/2020. Kể từ ngày 1/1/2021, mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay tiếp tục áp dụng theo quy định tại Nghị quyết số 579/2018/UBTVQH14 ngày 26 tháng 9 năm 2018 về Biểu thuế bảo vệ môi trường.

 

Ra mắt HTX dịch vụ Thu gom rác thải - Môi trường xã Hợp Thành

 

Thực hiện nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, sáng 8-6, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức ra mắt Hợp tác xã (HTX) dịch vụ thu gom rác thải - Môi trường xã Hợp Thành (Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa). HTX dịch vụ Thu gom rác thải - Môi trường xã Hợp Thành được thành lập với số vốn điều lệ 140 triệu đồng, thu hút 14 thành viên tham gia. HTX đã bầu Hội đồng quản trị và thông qua phương án sản xuất kinh doanh, điều lệ hợp tác xã và được 100% thành viên thông qua.

Theo Baothanhhóa, HTX thực hiện các hoạt động thu gom xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải rắn, rác thải nguy hại; thu mua phế liệu, cung ứng giống, kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa, cây xanh, cây trang trí… Với mục tiêu 100% thành viên và 95% người dân trên địa bàn được cung cấp các dịch vụ của HTX, HTX dịch vụ Thu gom rác thải - Môi trường xã Hợp Thành đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương gắn với bảo vệ môi trường nông thôn ngày càng xanh, sạch, đẹp. Nhân dịp này, Hội LHPN tỉnh đã trao tặng 3 xe chở rác cho HTX, trị giá 18 triệu đồng.

 

Công nghệ đột phá giúp làm sạch nguồn nước trên toàn cầu

 

TTXVN đưa tin: Các nhà nghiên cứu Australia đã phát triển được loại màng rây siêu mỏng mới có thể hoàn toàn tách các ion độc hại khỏi nước như chì, thủy ngân, qua đó mở ra triển vọng làm sạch nguồn nước trên toàn cầu thông qua biện pháp lọc và các quy trình khử muối. Nhóm nghiên cứu do Đại học Monash và Tổ chức Khoa học và công nghệ hạt nhân Australia đứng đầu đã phát triển màng rây phân tử sử dụng các tấm nano cấu trúc hai chiều. Các tấm nano này có thể giúp loại bỏ các chất độc hại gây ung thư trong không khí thông qua việc tạo ra các màng rây, thúc đẩy quá trình tách khí và loại bỏ các chất dung môi hữu cơ như sơn.

Trưởng nhóm nghiên cứu Xiwang Zhang cho biết trong công trình nghiên cứu đầu tiên trên thế giới này, các nhà khoa học đã có thể tạo ra tấm màng thấm nước, mà vẫn lọc được gần như 100% các ion. Nghiên cứu mở ra tiềm năng trong việc ứng dụng các tấm màng kiểu này vào các quy trình lọc khác trong tương lai, chẳng hạn như tách khí. Báo cáo của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết trung bình trên toàn cầu cứ ba người thì có một người không được tiếp cận nước sạch. Theo Đại học Monash, sáng kiến về màng lọc mới có thể giúp thúc đẩy quá trình khử muối và chuyển đổi nước bẩn thành nước sạch cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Nghiên cứu cho thấy màng lọc đã hoạt động ổn định trong hơn 750 giờ đồng hồ với nguồn năng lượng giới hạn. Chúng cũng có thể được sản xuất trên quy mô toàn cầu sau khi được thử nghiệm kỹ hơn.

 

Theo moitruong

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt