Trong khi các nhà máy nhiệt điện còn đang loay hoay với việc giải quyết bài toán tro xỉ than, thì Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại (EVN) đã có những thành công trong xử lý tro xỉ, đảm bảo môi trường từ nhiều năm qua.
Dây chuyền xử lý tro xỉ than của Công ty Sông Đà Cao Cường |
Phát huy lợi thế, chủ động hợp tác
Theo ông Phạm Văn Thư, Tổng giám đốc Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại, mỗi năm nhà máy tiêu thụ 3-3,2 triệu tấn than trong nước để sản xuất điện, thải ra khoảng 800.000 đến 1 triệu tấn tro, xỉ nhưng chúng tôi đã xử lý tốt vấn đề này. Bởi vì, ngay từ khi xây dựng, nhà máy đã có quy hoạch bãi chứa tro xỉ than cho hàng vài chục năm bằng việc sử dụng hai hồ là Khe Lăng và Bình Gia với hơn 45ha và dung tích trên 23 triệu m3. Tất cả lượng tro xỉ thải của nhà máy đều đưa lên các hồ chứa này và được nhấn chìm dưới 2 mét nước để đảm bảo không phát tán ra môi trường. Có lẽ đây là một lợi thế rất lớn về mặt địa lý mà không phải nhà máy nhiệt điện nào cũng có được.
Theo ông Thư, cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu của thị trường nên trong nhiều năm trở lại đây, tro xỉ than của nhà máy được bán cho các đơn vị khai thác, sử dụng làm nguyên liệu sản xuất vật liệu trong xây dựng, do đó càng giảm thêm gánh nặng về chất thải của nhà máy.
Hiện tại, Nhiệt điện Phả Lại đã ký kết với nhiều doanh nghiệp bên ngoài để xử lý khoảng 350.000 tấn tro xỉ tại 2 dây chuyền của nhà máy, số còn lại được vận chuyển lên bãi chứa thải xỉ tại hồ Khe Lăng và hồ Bình Gia. Công ty Vina Fly Ash (Hàn Quốc) và Công ty Sông Đà Cao Cường đã hoàn tất hệ thống dây chuyền thu mua tro xỉ từ Nhiệt điện Phả Lại để sản xuất vật liệu cho ngành xây dựng như phụ gia bê tông đầm lăn thủy điện, xi măng, gạch chưng áp ACC, vữa khô, thạch cao…
Vẫn cần một cơ chế cụ thể
Báo cáo của công ty cho thấy, mặc dù đã đạt được những thành công nhất định, tuy nhiên công ty vẫn gặp một số vướng mắc như vấn đề kiểm toán do phát sinh nguồn thu (không đáng kể) từ việc bán tro xỉ. Do đó, nhà nước cần những quy định và hướng dẫn cụ thể về việc xử lý chất thải trong nhà máy nhiệt điện, nhất là trách nhiệm của các bên liên quan. Mặt khác theo Nghị định 38/2015/NĐ-CP về quản lý chất thải và phế liệu thì chi phí xử lý chất thải rắn của công ty hàng năm là rất lớn. Vì vậy kiến nghị Bộ Công Thương xem xét đưa vào giá thành sản xuất để có nguồn tài chính thuê các đơn vị bên ngoài hoặc đầu tư hệ thống xử lý tro xỉ.
Bên cạnh đó, theo ông Thư, việc xử lý tro xỉ than nhiệt điện nên để cho các doanh nghiệp có chuyên môn thực hiện sẽ hiệu quả hơn vì nhà máy chỉ tập trung cho phát điện. Trên thực tế đã có những doanh nghiệp thành công trong việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vận hành dây chuyền công nghệ xử lý tro xỉ thải để sản xuất ra sản phẩm tro bay với công suất lớn, vừa đảm bảo môi trường, vừa mang lại lợi ích về mặt kinh tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Kiều Văn Mát, Tổng giám đốc Công ty CP Sông Đà Cao Cường- cho biết, với một nhà máy nhiệt điện có công suất 1.200 MW như Phả Lại, chỉ cần khoảng 3 ha mặt bằng và đầu tư khoảng 70 tỷ đồng cho dây chuyền công nghệ khép kín là có thể xử lý cơ bản lượng tro xỉ thải ra.
Xử lý tro xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện than đang là vấn đề “nóng”, tuy nhiên không phải là không có hướng giải quyết, vấn đề là các cơ quan quản lý cần sớm thúc đẩy cơ chế hỗ trợ và có quy định, hướng dẫn rõ ràng để các doanh nghiệp triển khai. |
Theo baocongthuong