Ngày 17/5, tại thành phố Hải Phòng, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, UBND thành phố Hải Phòng và Tập đoàn Seibu Steel đã phối hợp tổ chức chương trình tiếp nhận, giới thiệu và ứng dụng công nghệ xử lý ô nhiễm nước hồ bằng bột Bakture do Tập đoàn Seibu Steel Nhật Bản và Công ty Cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) tài trợ để xử lý ô nhiễm nước hồ Hạnh Phúc, quận Kiến An. Đây là lần đầu tiên, chương trình xử lý ô nhiễm bằng bột Bakture được Nhật Bản tài trợ thực hiện tại Việt Nam.
Đại diện nhà sản xuất, ông Sugiyama Kouta – Giám đốc Công ty Cổ phần ES Nhật Bản cho biết, bột Bakture được sản xuất từ các nguyên liệu thiên nhiên, bằng công nghệ riêng biệt với nguyên liệu chủ yếu là đá núi lửa dạng tổ ong, xốp. Giúp thúc đẩy quá trình tự làm sạch của môi trường thông qua phát huy tối đa năng lực phân giải các chất bẩn, độc hại… bởi các vi sinh vật có lợi sẵn có trong môi trường. Sản phẩm đã được cấp bằng sáng chế tại Nhật Bản và được tổ chức UNIDO công nhận về công dụng làm sạch môi trường. Bakture là viết tắt của cụm từ tiếng Anh "back to the nature" - trở về với tự nhiên. Công nghệ này đã xử lý thành công tại 300 điểm ô nhiễm trên khắp nước Nhật bao gồm khu vực nước thải công nghiệp, cơ sở chăn nuôi, nước hồ, ao ô nhiễm do tù đọng và được giới thiệu và thử nghiệm tại một số nước Châu Á như Ấn Độ, Lào, Indonesia, Thái Lan.
Trước khi tiến hành phun bột Bakture xử lý ô nhiễm nước hồ Hạnh Phúc, tại hội trường, với sự chứng kiến của toàn thể đại biểu dự chương trình, ông Sugiyama Kouta đã tiến hành thí nghiệm trực quan với 2 mẫu nước được lấy tại hồ Lâm Tường (hồ Ông Báo) và hồ Hạnh Phúc. Chỉ số mùi (ammoniac) được đo nhanh, mẫu nước hồ Lâm Tường (hồ Ông Báo)là 5,2; hồ Hạnh Phúc là 6,5. Sau 10 phút cho bột Bakture vào, chỉ số đo được là 0. Độ trong lắng so với mẫu đối chứng có thể thấy ngay sự khác biệt bằng mắt thường.
Về việc nước hồ Hạnh Phúc sau khi làm sạch sẽ giữ được trong thời gian bao lâu, ông cho biết, sau khi sử dụng bột Bakture làm sạch hồ và giữ không cho các nguồn xả thải đổ vào hồ sẽ đảm bảo sạch vĩnh viễn, trong trường hợp các nguồn thải tiếp tục đổ vào thì tùy mức độ, định kì sau 1 năm, trên cơ sở đánh giá lại sẽ phải bổ sung thêm một lượng bột nhất định để giữ sạch nguồn nước. Đặc biệt, ông Sugiyama Kouta nhấn mạnh, xử lý ô nhiễm nước hồ bằng công nghệ này không làm ảnh hưởng hệ sinh thái cùng các loài thủy sản trong nước…
Đại diện lãnh đạo thành phố Hải Phòng, TS.Nguyễn Đình Bích, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố bày tỏ sự ghi nhận và cảm ơn tới nhà tài trợ đã tài trợ chương trình; cảm ơn Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã quan tâm, kết nối giúp thành phố trong hoạt động làm sạch môi trường. Ông cũng khẳng định, trong tiến trình để xây dựng Hải Phòng trở thành thành phố xanh, Hải Phòng rất coi trọng và sẵn sàng tiếp nhận công nghệ mới, thân thiện môi trường, nhất là công nghệ ứng dụng vi sinh, không đưa các chất hóa học, không để lại các chất lắng đọng độc hại như bột Bakture, tin rằng việc ứng dụng sẽ mang lại hiệu quả bền vững.
TS. Nguyễn Đình Bích đề nghị các cơ quan chức năng của thành phố tiếp tục tăng cường hợp tác, đánh giá kỹ hiệu quả ứng dụng của bột Bakture và sớm báo cáo với thành phố nếu đảm bảo hiệu quả môi trường, công nghệ, chi phí kinh tế tương thích và sẽ sớm triển khai tại các địa điểm ô nhiễm khác trong thành phố. Yêu cầu các cơ quan Sở Xây dựng, UBND quận Kiến An tiếp quản, tăng cường tuyên truyền để nhân dân quận Kiến An cùng chung tay giữ gìn và duy trì môi trường hồ Hạnh Phúc xanh, sạch, đẹp.
Theo monre