Logo
phone
Hotline: 02437327155
Năng lượng mặt trời và gió - cho kinh tế Ninh Thuận cất cánh…
  02/05/2017
icon-zalo

 

 
Lễ khởi công dự án Nhà máy điện gió Đầm Nại 

 

Vùng đất ven biển thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ được thiên thiên ưu ái tặng cho những “đặc sản” là gió và mặt trời. Việc khai thác tiềm năng này khiến Ninh Thuận có một cơ sở vững chắc để tin tưởng, ở một tương lai không xa, có thể phát triển thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước…

 

*Vùng “sa thảo” độc nhất Đông Nam Á

Với đặc điểm khí hậu khá đặc thù là ít mưa, nhiều nắng, hầu như quanh năm không bị ảnh hưởng mưa bão nên nhiều nhà địa lý học đã ví Ninh Thuận như “vùng sa thảo độc nhất Đông Nam Á”. Sự độc nhất của địa phương này chính là vì đã quy tụ tiềm năng to lớn để phát triển năng lượng tái tạo, như điện gió, điện mặt trời….

 

Theo nghiên cứu của Ngân hàng thế giới (WB), Ninh Thuận có vị trí thuận lợi là nằm ở cuối dãy núi Trường Sơn, được bao bọc bởi 3 dãy núi sát ra biển. Trong đó, ở vị trí phía Bắc và phía Nam là 2 dãy núi chạy sát ra biển, phía Tây là dãy núi cao giáp cao nguyên của tỉnh Lâm Đồng.

 

Từ vị trí thuận lợi này, WB đưa ra số liệu khảo sát như sau: Tốc độ gió tại Ninh Thuận lớn nhất cả nước, trung bình 7,1m/s, ở độ cao 65m và mật độ gió từ 400-500W/m2 trở lên, cao nhất trong khu vực phía Nam; tốc độ gió mạnh nhất trong năm từ 18-20m/s (ở độ cao 12m). Toàn tỉnh hiện có 14 vùng gió tiềm năng, khoảng 8.000 ha, tập trung chủ yếu ở 3 huyện Ninh Phước, Thuận Nam và Thuận Bắc. Đặc biệt là Ninh Thuận ít có bão và lượng gió thổi đều tron suốt 10 tháng với tốc độ từ 6,4-9,6m/s, đảm bảo ổn định cho turbin gió phát điện.

 

Qua khảo sát WB và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội tỉnh đến năm 2020, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 7-2011, năm 2013, Ninh Thuận đã hoàn thiện Đề án Quy hoạch phát triển điện gió giai đoạn 2011 - 2020, tầm nhìn 2030, được Bộ Công Thương phê duyệt. Theo quy hoạch này, Ninh Thuận có 5 khu vực tiềm năng phát triển điện gió, giai đoạn 2011 - 2020 trên diện tích gần 21.500 ha, công suất điện gió dự kiến 1.429 MW, điện mặt trời quy mô 282 MW.

 

Bên cạnh đó, Ninh Thuận còn có thế mạnh để phát triển điện mặt trời. Theo WB, bình quân lượng bức xạ mặt trời của Ninh Thuận trên 320 kcal/cm2 mỗi năm, trong đó tháng ít nhất là 14 kcal/cm2. Số giờ nắng trung bình cả năm khoảng 2.600-2.800 giờ, phân bố tương đối điều hòa quanh năm, cũng là tỉnh có tiềm năng về năng lượng mặt trời lớn nhất cả nước.

 

Nhiều chuyên gia cho rằng, tiềm năng to lớn về nắng, gió là cơ hội tốt cho Ninh Thuận đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển các dự án điện năng lượng tái tạo, trở thành trung tâm năng lượng sạch của cả nước, đồng thời thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

*Tiềm năng được đánh thức

Đã có 3 dự án điện gió được chính thức khởi công ở Ninh Thuận. Kể từ ngày 27/8/2016, Dự án Nhà máy Điện gió (NMĐG) Trung Nam nằm trên địa bàn 2 xã Lợi Hải và Bắc Phong (Thuận Bắc) khởi công đã đánh dấu bước ngoặt của cuộc “cách mạng” năng lượng sạch trong việc đánh thức tiềm năng về gió ở tỉnh Ninh Thuận.

 

Dự án NMĐG Trung Nam do Công ty Cổ phần Điện gió Trung Nam làm chủ đầu tư có 45 tua-bin, với quy mô công suất 90 MW, tổng vốn đầu tư 3.965 tỷ đồng. Dự kiến đến năm 2018 hoàn thành, với sản lượng điện hằng năm khoảng 259,7 triệu kWh.

 

Tiếp đó, ngày 30/8/2016, Công ty TNHH Điện gió Mũi Dinh tổ chức lễ khởi công NMĐG Mũi Dinh tại thôn Từ Thiện (xã Phước Dinh, Thuận Nam). NMĐG Mũi Dinh gồm 16 tua-bin, với tổng công suất 37,6 MW,được xây dựng trên diện tích 12 ha, với nguồn vốn đầu tư 1.272 tỷ đồng do Công ty EAB (Cộng hòa Liên bang Đức) làm chủ đầu tư. Dự án dự kiến hoàn thành và đưa vào hoạt động trong năm 2017, góp phần cung cấp nguồn điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

 

Và mới đây nhất, sáng 28/4/2017, Nhà máy điện gió Đầm Nại quy mô 9,6ha tại vùng tứ giác xã Bắc Sơn, Bắc Phong (huyện Thuận Bắc) và xã Tân Hải, Phương Hải (huyện Ninh Hải) có vốn đầu tư 1.523 tỉ đồng đã chính thức khởi công, do liên doanh giữa doanh nghiệp Việt Nam là Công ty Cổ phần TSV Investment và đối tác nước ngoài là Công ty The Bule Circle làm chủ đầu tư. Dự kiến khoảng tháng 10-2018, toàn bộ 16 turbine của nhà máy điện gió Đầm Nại sẽ đi vào hoạt động.

 

Tại lễ khởi công dự án này, ông Lưu Xuân Vĩnh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết,“hiện Ninh Thuận là địa phương được nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước quan tâm đầu tư ngành năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời”.

 

Minh chứng cho điều này, Tổng công ty Phát điện 3 (Genco 3) vừa đề xuất với UBND tỉnh Ninh Thuận về chủ trương đầu tư 2 dự án điện năng lượng mặt trời tại xã Phước Minh, huyện Thuận Nam với diện tích 554 ha, công suất lắp đặt phát điện dự kiến 350 MW, tổng mức đầu tư khoảng 9.576 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự án từ quý 2/2018 đến quý 1/2021.

 

Trước đó, UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho 3 nhà đầu tư thực hiện khảo sát và lập dự án, đó là: Dự án Điện mặt trời Thiên Tân Solar, Dự án Điện mặt trời Ninh Hải 1, Dự án Điện mặt trời HBRE. Ngoài ra, hiện còn có hàng chục dự án điện mặt trời khác đang được các nhà đầu tư quan tâm, mong muốn đầu tư ở Ninh Thuận.

Theo  monre

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt