Sáng 19/11, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường/Tổng cục Môi trường phối hợp với Bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân của CHLB Đức tổ chức hội thảo “Bảo vệ khí hậu thông qua trồng cây năng lượng trên đất sau khai thác mỏ - Mô hình mới của Chiến lược Tăng trưởng xanh Việt Nam”.
TS. Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường và TS. Helge Wendenburg, Tổng vụ trưởng về Quản lý nước, Bảo tồn tài nguyên đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có các chuyên gia đến từ các Bộ, ban, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, tổ chức của Việt Nam và CHLB Đức.
Khai mạc Hội thảo, TS. Hoàng Dương Tùng cho biết để triển khai các giải pháp ứng phó với vấn đề biến đổi khí hậu trong khai thác khoáng sản tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam và Bộ Môi trường, Bảo vệ thiên nhiên, Xây dựng và An toàn hạt nhân của CHLB Đức đã phối hợp nghiên cứu khả năng giảm phát thải khí nhà kính thông qua việc trồng, sử dụng các loại cây trồng năng lượng sinh học. Các hệ thống canh tác cây trồng năng lượng sinh học thích hợp sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh tại Việt Nam.
Trên cơ sở những nghiên cứu này, hai bên hy vọng sẽ xây dựng, triển khai được dự án chung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua trồng cây năng lượng tại các khu khai thác mỏ bị bỏ hoang và tăng cường năng lực cho các bên liên quan trong các lĩnh vực trồng trọt năng lượng sinh học của Việt Nam - TS. Hoàng Dương Tùng cho biết thêm.
Tiếp đó, các đại biểu đã được nghe bài trình bày của các chuyên gia: “Chương trình bảo vệ khí hậu quốc tế - Tại sao Đức lại liên quan đến Việt Nam” của ông Klaus Mindrup, Đại biểu Quốc hội, Thành viên Ủy ban Môi trường Quốc hội CHLB Đức; “Sáng kiến về Chương trình bảo vệ khí hậu quốc tế và bảo vệ đất ở Việt Nam” của TS. Helge Wendenburg; “Quản lý bảo vệ môi trường trong khai thác khoáng sản ở Việt Nam” của TS. Hoàng Văn Thức, Chánh Văn phòng Tổng cục Môi trường; “Trồng cây năng lượng trên đất sau khai thác - Ý tưởng về dự án thí điểm ở Việt Nam” của TS. Michael Zschiesche, Viện nghiên cứu độc lập về các vấn đề môi trường; “Quản lý môi trường và khai thác mỏ - Kinh nghiệm thực tiễn 10 năm thưc hiện các dự án bảo vệ môi trường” của GS. TS. Harro Stolpe, TS. Katrin Bromme, Đại học Bochum; “Những tiềm năng trồng cây năng lượng trên đất sau khai thác tại Việt Nam và các nhiệm vụ của dự án thí điểm” của TS. Harald Mark, Công ty MSP; “Xây dựng cơ sở dữ liệu về các khu khai thác mỏ - nhiệm vụ, phạm vi và hiệu quả” của TS. Nguyễn Quốc Khánh, Trung tâm Thông tin và Tư liệu, Tổng cục Môi trường.
Các đại biểu cũng cùng nhau thảo luận về công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu thông qua trồng cây năng lượng trên các khu đất sau khai thác mỏ tại Việt Nam, những mối quan tâm chung của Việt Nam, CHLB Đức đối với công tác bảo vệ môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, từ đó xây dựng các nội dung cụ thể cho kế hoạch hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Kết thúc Hội thảo, TS. Hoàng Dương Tùng cảm ơn các chuyên gia Đức đã truyền bá kiến thức, kinh nghiệm; cảm ơn ý kiến góp ý của các đại biểu và đề nghị các chuyên gia của Việt Nam, CHLB Đức tiếp tục tăng cường trao đổi thông tin về công tác bảo vệ môi trường, trồng cây năng lượng … để sớm xây dựng, triển khai được dự án chung nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua trồng cây năng lượng tại các khu khai thác mỏ bị bỏ hoang hiệu quả, phù hợp với Việt Nam.
Bên cạnh đó, TS. Hoàng Dương Tùng nhấn mạnh “Cây năng lượng là điều rất mới đối với Việt Nam, do đó, cần tăng cường tuyên truyền về việc trồng cây năng lượng cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, tổ chức, người dân nhằm sớm tăng diện tích đất được phủ xanh và phát triển năng lượng sạch”. TS. Hoàng Dương Tùng hy vọng “Trong thời gian ngắn tới, Việt Nam sẽ có “bạt ngàn” cây năng lượng được trồng ở khắp các địa phương”.
Đại diện phía CHLB Đức cũng khẳng định CHLB Đức sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong triển khai công tác bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, CHLB Đức đã có nhiều nghiên cứu về việc trồng cây năng lượng, trong thời gian tới, CHLB Đức hy vọng có thể phổ biến các kinh nghiệm, nghiên cứu của mình vào áp dụng hiệu quả trong thực tiễn của Việt Nam.
Theo VEA