"Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại" là kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học công nghệ do Bộ KH-CN&MT giao cho GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng chủ trì, 2 cán bộ khoa học tham gia chính là PGS.TS Vũ Công Hòe và PGS.TS Nguyễn Bá Toại. Đề tài được thực hiện trong 2 năm 2003 - 2004, với tổng kinh phí là 700 triệu đồng.
Chất thải công nghiệp độc hại phát sinh ngày càng nhiều cả về số lượng và chủng loại, tính độc hại ngày càng nguy hiểm. Nếu không được xử lý triệt để, an toàn vệ sinh môi trường thì sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng lâu dài đối với môi trường đất, môi trường nước và môi trường không khí, và cuối cùng là hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người và các hệ sinh thái ở Việt Nam.
Trước thực trạng đó, năm 2003, GS Phạm Ngọc Đăng (phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai Hà Nội) đã đăng ký với Bộ Khoa học - Công nghệ và môi trường thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế và chế tạo Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại phù hợp với điều kiện của nước ta”.
700 triệu trong tay với mong muốn cải thiện môi trường chất thải công nghiệp
Với vai trò là Chủ nhiệm đề tài, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật Môi trường Đô thị và Khu công nghiệp (CEETIA), trường Đại học Xây dựng Hà Nội, GS Đăng đã mời một số đồng nghiệp đến trao đổi về ý tưởng, nguyên lý thiết kế và tiến hành chế tạo Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại đầu tiên ở Việt Nam để cùng nhau thực hiện Đề tài.
Đây là lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại (CNNH) đầu tiên ở nước ta do người Việt Nam thiết kế, chế tạo, lắp đặt và vận hành, đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường quốc gia, đã được Cục Sở hữu Trí tuệ Bộ KH-CN&MT cấp Bằng độc quyền sáng chế số 5710 theo Quyết định số 5508/QĐ-SHTT, ngày 12/06/2006.
Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại này là kết quả nghiên cứu của Đề tài khoa học công nghệ do Bộ KH-CN&MT giao cho GS.TSKH Phạm Ngọc Đăng chủ trì, 2 cán bộ khoa học tham gia chính là PGS.TS Vũ Công Hòe và PGS.TS Nguyễn Bá Toại. Đề tài được thực hiện trong 2 năm 2003 - 2004, với tổng kinh phí là 700 triệu đồng.
Để hiểu thêm về cộng nghệ đốt chất thải ở nhều nước tân tiến trên thế giới, GS Đăng cùng cộng sự đã đi nhiều nước như Thái Lan, Malaysia, Hoa Kỳ. “Tuy nhiên ngoài việc tiếp cận với hiện trạng lò đốt ra phía đối tác không cho chúng tôi tiếp cận bản vẽ, đó là một điều khó khăn trong quá trình nghiên cứu. Vì vậy tôi cùng với các đồng nghiệp vừa phải tìm đọc các tài liệu của nước ngoài, vừa phải vận dụng kiến thức cơ bản đã được đào tạo để xây dựng sơ đồ nguyên lý hoạt động của lò đốt, tính toán thiết kế chế độ nhiệt của lò đốt và hệ thống xử lý khí thải để lò đốt khi hoạt động thực tế phải đạt được các quy định của tiêu chuẩn môi trường Việt Nam, chi phí vận hành thấp, vận hành thuận tiện, phù hợp với điều kiện của nước ta”. GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng chia sẻ.
Trong quá trình nghiên cứu thực hiện đề tài (2004-2005), GS. TSKH Phạm Ngọc Đăng cùng các cộng sự luôn phải đối mặt với nhiều thách thức, đáng kể nhất là về tài chính và kỹ thuật.
Nhiều hạng mục Đề tài tự chế tạo được, nhưng có bộ phận phải thuê các công ty trong nước sản xuất, có bộ phận phải đặt mua ở nước ngoài, như là vòi phun dầu được đặt mua từ nước Ý hoặc nước Đức. Cuối cùng công trình lò đốt cũng đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng để xử lý chất thải CNNH trong thực tế.
Từ bản vễ đến lò đốt chất thải nguy hại đầu tiên ở Việt Nam
Với mong muốn kết quả nghiên cứu của Đề tài phải được áp dụng vào thực tế sản xuất, nhằm tham gia giải quyết được vấn đề thực tế rất bức bách là xử lý an toàn tồn đọng chất thải công nghiệp nguy hại ở nhiều nhà máy và các khu/cụm công nghiệp nước ta, thời điểm đó, chủ trì Đề tài (GS Phạm Ngọc Đăng) đã trực tiếp liên hệ với Kỹ sư Chử Văn Chừng - Tổng Giám đốc Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO Hà Nội) để thuyết phục URENCO Hà Nội đồng ý đầu tư vốn chế tạo và xây dựng lò đốt này tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.
Kỹ sư Chử Văn Chừng đã không ngần ngại rủi ro, rất nhiệt tình ủng hộ, nhanh chóng ký văn bản hợp tác và đầu tư kinh phí khoảng 2 tỷ đồng. Với nguồn kinh phí khoa học từ Ngân sách Nhà nước cấp và vốn đầu tư tự nguyện của Công ty URENCO Hà Nội, Đề tài đã hoàn thành nhiệm vụ nghiên cứu về lý thuyết và tiến hành chế tạo, lắp đặt xây dựng lò đốt tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, Hà Nội.
Thời gian đó nếu mua lò đốt tương tự của nước ngoài thì rất đắt, với công suất đốt tương đương thì ước tính khoảng 10 tỷ đồng, còn với lò đốt này thì tổng chi phí nghiên cứu, thiết kế, chế tạo, xây dựng, vận hành thử và quan trắc kiểm tra ô nhiễm môi trường theo quy chuẩn môi trường Quốc gia,…, chỉ vào khoảng 2,5 tỷ đồng.
Lò đốt chất thải công nghiệp nguy hại này được đặt tên là CEETIA -150 (CEETIA là tên Trung tâm Kỹ thuật Môi trường Đô thị và khu Công nghiệp, 150 là công suất đốt 150 kg chất thải CNNH mỗi giờ), được thiết kế chế tạo dựa trên nguyên lý đốt chất thải CNNH ở 2 buồng đốt của lò: buồng đốt sơ cấp, với nhiệt độ khoảng 700 độ, dùng để đốt chất thải công nghiệp nguy hại biến chúng thành hơi khí; buồng đốt thứ cấp, dùng để đốt phần hơi khí thải phát sinh từ buồng đốt sơ cấp với nhiệt độ trên 1.000 độ để biến tất cả các hơi khí độc hại này trở thành khí trơ không độc hại.
Khi lò đốt ở Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn hoàn thành và đưa vào hoạt động từ năm 2005, một số công ty của Nhật Bản đầu tư nhà máy ở Hà Nội và Vĩnh Phúc đến đo lường kiểm tra khí thải của lò đốt thấy đạt tiêu chuẩn môi trường nên đã thuê URENCO Hà Nội xử lý chất thải CNNH của họ.
Nguồn: dantri