Rác thải đổ tràn ra ruộng vườn, chất thành đống ven đường, người dân không có chỗ đổ rác, phải sống chung ô nhiễm. Đó là bức tranh xám màu về thực trạng rác thải nông thôn hiện nay.
Không có chỗ vứt rác
Cứ khoảng 2 - 3 ngày, bà Phan Ngọc (xã Phú Hộ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) lại thu gom những túi nilon đựng rác sinh hoạt của gia đình đem ra đường đốt. Bà Ngọc cho biết, vì không có ai đi thu gom, cũng không có khu xử lý rác nên gia đình bà và các hộ trong khu chỉ còn cách đốt rác như vậy. “Mỗi lần đốt rác thì khói um cả khu, rất ngột ngạt. Nhưng không có cách nào khác được, vì không có chỗ vứt”, bà Ngọc nói.
Do không có điểm thu gom nên bãi rác tự phát mọc lên ngay trước cổng chợ xã Phú Hộ (Phú Thọ). |
Cách nhà bà Ngọc khoảng 2 km là chợ tạm của khu, cứ 2 ngày là chợ họp một phiên. Cũng vì không có chỗ để vứt rác nên cứ hết phiên chợ, rác thải từ các hộ kinh doanh lại được thu gom vào ngay khu đất trống vốn là chỗ để xe. Sau một thời gian, cả khu đất đã ngợp rác, bốc mùi hôi thối, cách cả trăm mét vẫn thấy mùi nồng nặc, các hộ kinh doanh hay người đi chợ đều phải “né” khu vực ô nhiễm này. Những hộ dân quanh chợ không chịu được mùi hôi thối bốc lên cả ngày lẫn đêm nên đã bàn nhau thu gom rác, san đất và quây khu đất đó lại thành sân thể thao và treo biển cấm đổ rác thì mới giảm được tình trạng ô nhiễm.
Rác thải ở nông thôn chủ yếu được xử lý bằng phương pháp chôn lấp nhưng trên toàn quốc hiện chỉ có 12/63 tỉnh, thành có bãi chôn lấp hợp vệ sinh. Đa phần các bãi rác thải ở nông thôn là bãi rác hở và để phân hủy tự nhiên. |
Tương tự, làng nghề lược sừng Thụy Ứng (Thường Tín, Hà Nội) nổi tiếng với các sản phẩm độc đáo, được coi là địa điểm du lịch hấp dẫn. Nhưng ngay từ đầu làng, lượng chất thải từ việc làm sạch sừng và da động vật được đổ trực tiếp ra môi trường, gây tình trạng hôi thối, ô nhiễm và mất mỹ quan. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân và gây khó khăn trong việc xây dựng điểm du lịch làng nghề.
Những câu chuyện như trên không phải là hiếm gặp ở các làng quê hiện nay. Ông Hoàng Dương Tùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết, mỗi năm ở khu vực nông thôn phát sinh khoảng 6,6 triệu tấn rác thải sinh hoạt, nhưng tỷ lệ thu gom mới chỉ đạt khoảng 40 - 55%. “Nhiều xã không có quy định chỗ tập trung rác, không có quy hoạch bãi rác tập trung, bãi rác công cộng nên các bãi rác tự phát đã hình thành ở rất nhiều nơi, khiến rác thải nông thôn trở thành vấn đề nan giải”, ông Tùng cho biết.
Xây dựng mô hình phù hợp vùng miền
Theo các chuyên gia môi trường, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng rác thải nông thôn bị “bỏ quên”, trong đó, nguyên nhân chủ yếu là do tại nhiều địa phương chưa có quy hoạch quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Quy định quản lý chất thải rắn nông thôn giữa cơ quan Trung ương, địa phương… còn có sự chồng chéo, thiếu thống nhất dẫn đến phân tán nguồn lực, không có người chịu trách nhiệm.
Việc rác thải sinh hoạt không được quản lý, các bãi rác phát sinh bừa bãi đã gây ô nhiễm môi trường nước mặt như ao, hồ, sông suối và nước ngầm, không khí... Đặc biệt, sức khỏe người dân cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Một nghiên cứu tại 2 xã Quảng Lạc và Hoàng Đồng (Lạng Sơn) của Tổng cục Môi trường cho thấy, do ảnh hưởng của bãi rác tại địa phương mà số người ốm, mắc các bệnh da liễu, viêm phế quản, đau xương khớp… tại 2 xã này có tỷ lệ cao hơn nơi khác 10%.
Theo ông Tùng, biện pháp trước mắt, phải xóa các bãi rác tạm, tự phát để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, thực hiện đồng bộ việc phân loại rác tại nguồn, thu gom và xử lý, xây dựng các bãi rác đạt chuẩn, đảm bảo vệ sinh môi trường. “Tuy nhiên, vấn đề vốn trong triển khai các dự án môi trường nông thôn còn hạn chế. Ở cấp địa phương, công tác đầu tư tài chính trong hoạt động bảo vệ môi trường chưa được quan tâm thích đáng, chi phí cho hạ tầng môi trường, hệ thống xử lý chất thải chiếm tỷ lệ nhỏ”, ông Tùng cho biết.
Hiện nay, tùy vào đặc điểm từng địa phương, vùng miền mà có phương thức thu gom, vận chuyển và xử lý khác nhau. Một số nơi như tại Gio Linh (Quảng Trị) đã thực hiện mô hình thu gom, xử lý rác thải dựa vào cộng đồng với tổng chi phí 430 triệu đồng với các hạng mục: điểm trung chuyển, thùng đựng rác…; giảm đáng kể tình trạng ô nhiễm từ rác thải sinh hoạt. Hay tại xã Song Lãng, Vũ Thư (Thái Bình), người dân đã lập tổ tự quản thu gom rác thải với 7 xe chuyên chở rác với hơn 20 lao động, mỗi tuần thu gom rác 2 lần đã giảm đáng kể bãi rác phát sinh. Một số nơi áp dụng mô hình hợp tác xã dịch vụ vệ sinh môi trường hoặc xây dựng công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần môi trường… Những mô hình này đã đem lại tín hiệu tích cực trong việc xử lý rác thải tại địa phương.
“Cùng đó, cần tuyên truyền để thay đổi hành vi của người dân và có biện pháp xử lý vi phạm như công khai thông tin vi phạm trên phương tiện thông tin. Đồng thời, các địa phương cần chú trọng tăng cường đầu tư cho các dự án bảo vệ môi trường tại địa phương”, ông Tùng nhấn mạnh
Nguồn baotintuc