Logo
phone
Hotline: 02437327155
Hoàn thiện cơ chế, chính sách vận hành thị trường các-bon trong nước
  27/04/2022
icon-zalo

Hoàn thiện cơ chế, chính sách vận hành thị trường các-bon trong nước

 

Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã quy định về tổ chức và phát triển thị trường các-bon trong nước, với lộ trình vận hành chính thức từ năm 2028. Đây được coi là công cụ hữu hiệu để thúc đẩy giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam khi bước sang giai đoạn thực hiện các yêu cầu bắt buộc của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

 

Thống nhất triển khai các chương trình, dự án trao đổi tín chỉ

 

Thị trường các-bon trên thế giới hiện nay tồn tại dưới ba hình thức: Thị trường các-bon quốc tế trong khuôn khổ Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC), thị trường các-bon quốc tế tự nguyện và thị trường các-bon nội địa.

 

Thực tế, tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tham gia, xây dựng và thực hiện các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, đặc biệt là các hoạt động theo Cơ chế phát triển sạch CDM và Cơ chế tín chỉ chung JCM do Nhà nước quản lý. Một số cơ chế tạo tín chỉ các-bon theo hình thức tự nguyện cũng đã được nhiều tổ chức trong nước áp dụng triển khai cho các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính như Tiêu chuẩn vàng (GS), Tiêu chuẩn các-bon được thẩm tra (VCS).

 

Những năm qua, việc mua bán tín chỉ các-bon thu được từ các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trên đã cho thấy những tín hiệu khả quan. Riêng 4 triệu tín chỉ từ các dự án CDM mang về hơn 15 nghìn tỷ đồng, giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất, kinh doanh, đồng thời giảm chi phí trả lãi tiền vay, có thêm động lực phát triển.

 

Nguồn khách hàng tiềm năng chính là đối tác tại các quốc gia phát triển, đi đầu trên thị trường các-bon quốc tế. Điển hình trong thời gian gần đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký kết Thỏa thuận với Ngân hàng Thế giới để bán các chứng chỉ giảm phát thải khí nhà kính từ chương trình REDD+.

 

Đây cũng là điều kiện thuận lợi cho Việt Nam tổ chức và phát triển thị trường các-bon nội địa một cách thống nhất. Theo Nghị định số 06/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, thị trường các-bon trong nước gồm các hoạt động trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon thu được từ cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước và quốc tế phù hợp với quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

 

Đối tượng tham gia chính là các cơ sở thuộc danh mục lĩnh vực, cơ sở phát thải khí nhà kính phải kiểm kê khí nhà kính do Thủ tướng Chính phủ ban hành; tổ chức tham gia thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon; tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon.

 

Hiện nay, Bộ TN&MT đã ban hành các thủ tục xác nhận tín chỉ các-bon, hạn ngạch phát thải khí nhà kính được giao dịch trên sàn giao dịch của thị trường các-bon trong nước; đăng ký chương trình, dự án theo cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon. Các tổ chức có nhu cầu xây dựng chương trình, dự án sẽ nộp hồ sơ theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ sẽ tổ chức đánh giá và gửi thông báo cho tổ chức về việc quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận chương trình, dự án trong thời hạn tối đa 38 ngày.

 

Đối với chương trình, dự án theo cơ chế ngoài khuôn khổ UNFCCC, điều ước và thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam là thành viên được thực hiện trên lãnh thổ Việt Nam, tổ chức có trách nhiệm gửi thông tin đăng ký, định kỳ hằng năm cung cấp thông tin tình hình thực hiện về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

 

Thị trường tín chỉ các-bon trong nước có nhiều tiềm năng và là công cụ thúc đẩy giảm phát thải

 

Hình thành sàn giao dịch tín chỉ, kết nối quốc tế

 

Nghị định số 06/2022/NĐ-CP đã có quy định về việc trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính, tín chỉ các-bon được thực hiện trên sàn giao dịch tín chỉ các-bon. Các tổ chức, cá nhân, cơ sở phát thải có thể đấu giá, chuyển giao, vay mượn, nộp trả hạn ngạch phát thải khí nhà kính, sử dụng tín chỉ các-bon để bù trừ phát thải khí nhà kính.

 

Bộ TN&MT hiện đã trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Đề án Phát triển thị trường các-bon tại Việt Nam. Theo lộ trình đề xuất, giai đoạn từ nay đến hết năm 2027, Bộ TN&MT phối hợp cùng Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan sẽ tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc tổ chức, vận hành thị trường các-bon trong nước. Năm 2025 bắt đầu thí điểm và từ năm 2028, chính thức vận hành sàn giao dịch tín chỉ các-bon. Sau đó, Việt Nam cũng sẽ ban hành các quy định về kết nối, trao đổi tín chỉ các-bon trong nước với thị trường các-bon các nước trong khu vực và thị trường các-bon thế giới. Giai đoạn sau năm 2030, tiếp tục vận hành và mở rộng thị trường các-bon trong nước và kết nối với thị trường các-bon khu vực và thế giới.

 

Đề án cũng đưa ra 5 nhóm nhiệm vụ chủ yếu, gồm: Xây dựng hệ thống thông tin, dữ liệu về thị trường các-bon, bao gồm hệ thống quản lý hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon; hướng dẫn thực hiện cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon quốc tế; thiết lập cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon trong nước; xây dựng cơ chế xác định tổng hạn ngạch phát thải khí nhà kính, phân bổ hạn ngạch và xác định mức phát thải khí nhà kính; Hỗ trợ doanh nghiệp và các bên liên quan tiếp cận và sẵn sàng tham gia thị trường các-bon tại Việt Nam; tạo lập sàn giao dịch hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tính chỉ các-bon.

 

Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2025, Bộ TN&MT sẽ ban hành một số Thông tư về hướng dẫn triển khai cơ chế thị trường theo quy định tại Điều 6 của Thỏa thuận Paris; quy định thực hiện chương trình, dự án theo cơ chế bù trừ tín chỉ các-bon trong nước; hướng dẫn trao đổi hạn ngạch phát thải khí nhà kính và tín chỉ các-bon trên thị trường các-bon trong nước… Bên cạnh đó, Việt Nam sẽ phải hoàn thiện hệ thống kiểm kê khí nhà kính và hệ thống MRV (đo đạc, báo cáo, thẩm định) các cấp quốc gia/ngành/tiểu ngành/cơ sở sản xuất một cách minh bạch, chính xác theo tiêu chuẩn quốc tế.

 

Vy Huyền

 

Đến nay, Việt Nam đã có 258 dự án theo Cơ chế Phát triển sạch (CDM) và 13 Chương trình hoạt động theo CDM (PoA). Việt Nam xếp thứ tư trên thế giới về số lượng dự án CDM được đăng ký, với tổng tiềm năng giảm khoảng 140 triệu tấn CO2 tương đương. Bên cạnh đó, 17 dự án theo Tiêu chuẩn vàng (GS) đã phát hành quốc tế hơn 3 triệu tín chỉ các-bon; 24 dự án theo Tiêu chuẩn các-bon được thẩm tra (VCS) đã phát hành hơn 600 nghìn tín chỉ

 

Theo monre

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt