Quy chế Ứng phó sự cố môi trường do chất thải gây ra nhằm khắc phục hạn chế, vướng mắc trong thực thi pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, đầy đủ, thống nhất, hiệu quả để ứng phó sự cố về môi trường.
Sự cố đổ chất thải vào nguồn nước của Nhà máy nước Sông Đà gây ô nhiễm nguồn nước nghiêm trọng.
Thời gian qua, trên phạm vi cả nước đã xảy ra nhiều sự cố môi trường do chất thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, điển hình là sự cố môi trường tại 04 tỉnh miền Trung do Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh gây ra năm 2016 và gần đây là sự cố đổ chất thải vào nguồn nước của Nhà máy nước Sông Đà. Qua thực tiễn ứng phó sự cố môi trường cho thấy các cơ quan có thẩm quyền, các cấp chính quyền địa phương rất lúng túng, khó khăn trong ứng phó sự cố chất thải. Nguyên nhân chính là do thiếu quy định cụ thể về quy trình ứng phó và trách nhiệm không rõ ràng trong ứng phó sự cố cả ở cấp quốc gia và địa phương; năng lực ứng phó sự cố môi trường ở cấp địa phương còn bất cập; cơ chế và trách nhiệm phối hợp trong ứng phó sự cố môi trường chưa rõ ràng giữa các cơ quan liên quan, giữa trung ương và địa phương; thiếu cơ chế cụ thể về huy động nguồn lực cho ứng phó sự cố môi trường…
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều quy chế ứng phó với từng loại sự cố môi trường; tuy nhiên chi tiết hóa quy định ứng phó sự cố môi trường tại Luật Bảo vệ môi trường và ứng phó sự cố chất thải hiện đang là khoảng trống pháp lý hiện nay. Chính vì vậy, Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 đã giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định ban hành Quy chế ứng phó sự cố môi trường (sự cố chất thải).
Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự thảo Quy chế, trong đó quy định rõ quy trình và cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong ứng phó sự cố chất thải trên cơ sở các quy định nguyên tắc được quy định trong Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.
Dự thảo quy định ứng phó sự cố chất thải trong quá trình thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý và xả chất thải, bao gồm: chuẩn bị ứng phó sự cố môi trường, tổ chức ứng phó sự cố môi trường, cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố môi trường – quy định này phù hợp với quy định tại Mục 3 Chương X Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 quy định về xử lý ô nhiễm, phục hồi và cải thiện môi trường.
Về quy trình ứng phó sự cố theo các bước công việc, thời gian và trách nhiệm thực hiện của các tổ chức, cá nhân có liên quan theo 03 bước công việc gồm: (1) chuẩn bị ứng phó sự cố; (2) tổ chức ứng phó sự cố; (3) cải tạo, phục hồi môi trường sau sự cố.
Theo đó, mỗi một bước công việc cũng đã quy định rõ quy trình chi tiết và thể hiện rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan, từ người có thẩm quyền chỉ đạo, người chỉ huy hiện trường, người phát ngôn, cơ quan chủ trì ứng phó, cơ quan tham mưu, tổ công tác xác định nguyên nhân sự cố.v.v,
Quy trình cụ thể như sau:
Về tổ chức ứng phó sự cố chất thải, dự thảo Quy chế đã quy định rõ quy trình, bước thực hiện cụ thể bao gồm: Tiếp nhận thông tin về sự cố -> xử lý thông tin -> công bố thông tin sự cố và khuyến cáo cộng đồng -> chỉ định người chỉ huy, người phát ngôn -> thành lập sở chỉ huy và huy động lực lượng ứng phó sự cố -> tiến hành các hoạt động ứng phó sự cố và xác định nguyên nhân sự cố (nếu có) ->Công bố kết thúc ứng phó sự cố -> Cải tạo, phục hồi môi trường -> công bố kết thúc cải tạo, phục hồi môi trường.
Về yêu cầu quy định rõ trách nhiệm, phạm vi, nội dung thông báo, cung cấp, công bố thông tin và truyền thông của các cơ quan trong quá trình ứng phó sự cố đảm bảo chặt chẽ, thống nhất, tránh bị các thế lực thù địch lợi dụng để kích động, thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong dư luận, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã làm rõ trách nhiệm thông báo, cung cấp, công bố thông tin về sự cố và thực hiện công tác truyền thông về sự cố theo hướng quy định việc cung cấp thông tin về sự cố chỉ được thực hiện thông quan người phát ngôn chính thức để bảo đảm tính thống nhất, chính xác và tránh việc thông tin sai sự thật, gây hoang mang trong xã hội và ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự và an toàn xã hội.
Theo đó người phát ngôn sẽ chịu trách nhiệm và chủ động cung cấp thông tin về sự cố cho các cơ quan truyền thông.
Trong thời gian tới, để thống nhất các quy định pháp luật khác nhau về ứng phó các sự cố môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đề xuất các quy định điều chỉnh tổng thể, bao quát về ứng phó sự cố môi trường trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Theo congnghiepmoitruong