Giải pháp xử lý rác hữu cơ tái tạo năng lượng đang thí điểm tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức bắt đầu được thương mại hóa.
Trung tâm Ứng dụng Tiến bộ Khoa học và Công nghệ TP HCM (SIHUB) cùng tập đoàn MILAI (Nhật Bản) bắt đầu thương mại hóa công nghệ xử lý rác thải hữu cơ tái tạo năng lượng 6R của Nhật Bản. Dự án được Bộ Môi Trường Nhật Bản hỗ trợ và Trung tâm Môi trường Thế giới của Nhật Bản (GEC) quản lý. Hiệu quả của dự án đã được kiểm chứng trong hơn 5 tháng xử lý mẫu nguồn rác từ chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.
Công nghệ này xử lý rác hữu cơ thành điện năng năng hoặc nhiệt năng. Giải pháp gồm 2 thành phần chính: hệ thống xử lý rác thải hữu cơ và xe điện thu gom rác, tạo thành chu trình khép kín với mục tiêu không phát thải CO2. Rác được thu gom bằng xe điện, và dùng chính điện tạo ra từ quá trình xử lý rác để sạc cho xe.
Xe điện thu gom rác hữu cơ sạc bằng điện lấy từ quá trình đốt rác và tấm pin mặt trời trên xe.
Theo các chuyên gia, với các công nghệ hiện tại, rác hữu cơ thường được xử lý để tạo ra phân compost hoặc xử lý theo hướng biogas nên mất nhiều thời gian, chiếm không gian và có thể gây ô nhiễm. Trong khi đó, công nghệ này có độ linh hoạt về khả năng xử lý cao, từ 100 kg đến 25 tấn mỗi ngày mỗi máy.
"Giải pháp này có thể hướng đến cách xử lý rác phi tập trung hoặc xem đó là giải pháp phụ để hạn chế ô nhiễm tại các điểm tập trung và bớt chi phí vận chuyển. Chúng tôi hướng đến mô hình xử lý rác hữu cơ ngay ở cấp độ xã, phường, quận. Xử lý ở cấp quận, huyện tôi nghĩ sẽ tốt hơn là thu gom hết về", ông Huỳnh Kim Tước - Giám đốc SIHUB nhận định.
Cũng theo ông Tước, với các quy định mới về yêu cầu phân loại rác thải đang được áp dụng tại TP HCM, việc áp dụng công nghệ này vào xử lý rác thải hữu cơ để tái tạo năng lượng là phù hợp. Đơn vị nghiên cứu đang hoàn thiện mô hình kinh doanh để chuyển giao công nghệ cho các công ty dịch vụ môi trường.
"Đây là công nghệ rất phù hợp với tính chất và thành phần rác thải của Việt Nam. Chúng tôi hy vọng sẽ có thêm nhiều đối tác phối hợp và nhân rộng công nghệ này tại Việt Nam", ông Ichiro Hatayama – Chủ tịch tập đoàn MILAI nói.
Do không phải là đơn vị trực tiếp bán thiết bị, máy móc mà chỉ bán công nghệ nên nhóm nghiên cứu không thể đưa ra chi phí cho một suất đầu tư. Tuy nhiên, ông Tước khẳng định, giá chắc chắn rẻ hơn các giải pháp mua trọn gói khác từ nước ngoài. "Công nghệ này nội địa hóa đã được 90% thì chi phí đầu tư cũng phải rẻ hơn tối thiểu là 30%", ông phân tích.
Hiện nay, TP HCM có 26 trạm trung chuyển rác. Theo quy trình, rác được thu gom từ các hộ dân, điểm tập kết đưa về đây xử lý sơ bộ trước khi chuyển về các khu xử lý. Trong đó, Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam xử lý bằng công nghệ chôn lấp 5.500 tấn mỗi ngày với giá 20,9 USD mỗi tấn, Công ty Vietstar Lemna xử lý làm phân compost 1.500 tấn mỗi ngày giá 19 USD mỗi tấn, Công ty Tâm Sinh Nghĩa làm compost và đốt 1.300 tấn mỗi ngày với giá 20,38 USD mỗi tấn và Công ty Môi trường đô thị TP HCM chôn lấp 500 tấn mỗi ngày với giá xử lý 360.000 đồng mỗi tấn.
Bước đầu, công nghệ 6R đã được chuyển giao cho công ty cơ khí đầu tiên ở TP HCM sản xuất. Trong khi đó, một hệ thống siêu thị Nhật Bản cũng đã đặt vấn đề sử dụng giải pháp này.
Nguồn: VnExpress