INSEE Ecocycle vừa xử lý thành công hơn 45 tấn chất thải cực độc - dầu nhiễm PCB bằng công nghệ Đồng xử lý trong lò nung xi măng. Đây là hoạt động quan trọng trong khuôn khổ dự án “Quản lý PCB tại Việt Nam”, được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cấp phép, nhằm tiêu hủy dầu nhiễm PCB triệt để, an toàn cho môi trường theo công ước Stockholm tại Việt Nam.
Đội ngũ thu gom chất thải được trang bị bảo hộ lao động cá nhân phù hợp
Dự án “Quản lý PCB tại Việt Nam” thuộc khuôn khổ các hoạt động thực hiện công ước Stockholm tại Việt Nam được Chính phủ Việt Nam cùng Ngân hàng Thế giới triển khai, sử dụng nguồn tài trợ từ Quỹ Môi trường Toàn cầu (GEF). Dự án giúp xây dựng năng lực quốc gia của Việt Nam nhằm quản lý PCB và lưu trữ an toàn một lượng lớn PCB tại các tỉnh, thành trình diễn nhằm tiêu hủy trong tương lai.
Tham gia dự án với vai trò đơn vị thu gom và xử lý chất thải dầu nhiễm PCB, INSEE Ecocycle là đơn vị duy nhất tại Việt Nam được Tổng cục Môi trường cấp phép được vận chuyển, xử lý chất thải nguy hại này bằng công nghệ Đồng xử lý trong lò nung xi măng. PCB (Plychlorinated Biphenyls), 01 trong 22 nhóm chất hữu cơ khó phân hủy (POP) được quy định trong công ước Stockholm sẽ được dừng sử dụng vào năm 2020 và tiêu hủy an toàn vào năm 2028 tại Việt Nam.
Giái pháp thu gom, xử lý dầu nhiễm PCB bằng công nghệ Đồng xử lý trong lò nung xi măng là phương pháp hiệu quả để tiêu hủy chất thải nhiễm PCB. Ở nhiệt độ cao 1.8000C - 2.0000C, thời gian lưu cháy dài (khoảng 8 giây), trên 99,9999% PCB được phân hủy. Giải pháp này đã và đang được thực hiện trên khắp thế giới trong 30 năm qua và được rất nhiều nước công nhận là 1 phương pháp tiết kiệm, hiệu quả, thân thiện với môi trường.
Đồng xử lý là phương pháp hiệu quả để tiêu hủy chất thải nhiễm PCB
Từ 2012 đến nay, INSEE Ecocycle đã thu gom và xử lý hơn 150 tấn dầu nhiễm PCB từ các đơn vị trên cả nước. Tháng 7/2018, dự án xử lý chất thải nguy hại dầu nhiễm PCB cũng đã tiếp tục được thực hiện với chủ nguồn thải là Nhà máy nước Thủ Đức - Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn với tổng khối lượng chất thải là 45 tấn.
Quy trình thu gom, xử lý được thực hiện nghiêm ngặt đúng theo quy định pháp luật và tiêu chuẩn quốc tế. Tất cả các bước đều được khảo sát, nghiên cứu, đánh giá rủi ro, chuẩn bị kế hoạch kỹ càng và phương án ứng cứu trong trường hợp khẩn cấp, đảm bảo an toàn cho môi trường cũng như người thực hiện công việc. Khí phát thải sẽ được kiểm soát bởi Phòng điều khiển trung tâm bằng hệ thống giám sát khí thải liên lục ghi nhận mức độ phát thải thực tế của các loại khí VOC, NH3, O2, HCl, CO, NO, NO2, SO2, H2O luôn ở mức cho phép, không gây ảnh hưởng đến môi trường.
Quy trình này sẽ được giám sát bởi đơn vị giám sát độc lập - Viện Môi trường và Tài nguyên để xác nhận rằng việc tiêu huỷ đã được thực hiện một cách an toàn. Quá trình tiêu huỷ sẽ được chứng kiến bởi các cá nhân và tổ chức có liên quan: Nhà máy Nước Thủ Đức, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn, Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành (nếu có).
Bằng dự án này, INSEE Ecocycle mong muốn góp phần xử lý triệt để, an toàn một trong những loại chất thải nguy hại đặc biệt được lưu tâm bởi Chính phủ Việt Nam và thế giới, bảo vệ môi trường xanh bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống và bảo tồn nguồn tài nguyên cho thế hệ tương lai.
Theo Báo TN&MT