Bộ Tài chính đang dự thảo Nghị định của Chính phủ về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản thay thế Nghị định số 74/2011/NĐ-CP ngày 28/5/2011.
Ảnh minh họa |
Theo đó, đối tượng chịu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản theo quy định tại dự thảo Nghị định này là dầu thô, khí thiên nhiên, khí than, khoáng sản kim loại và khoáng sản không kim loại.
Về mức thu phí, dự thảo nêu rõ, mức thu phí bảo vệ môi trường đối với dầu thô là 100.000 đồng/tấn; đối với khí thiên nhiên, khí than: 50 đồng/m3. Riêng khí thiên nhiên thu được trong quá trình khai thác dầu thô (khí đồng hành): 35 đồng/m3.
Mức thu phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản như sau: đối với Quặng sắt, mức phí tối thiểu là 40.000 đồng/tấn và mức phí tối đa là 60.000 đồng/tấn; Quặng vàng, Quặng bạch kim, Quặng bạc, Quặng thiếc mức phí từ 180.000 đồng/tấn đến 270.000 đồng/tấn…
Mức phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản tận thu bằng 60% mức phí của loại khoáng sản tương ứng trên.
Căn cứ mức thu phí quy định nêu trên, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) quyết định cụ thể mức thu phí bảo vệ môi trường đối với từng loại khoáng sản áp dụng tại địa phương cho phù hợp với tình hình thực tế trong từng thời kỳ.
Quy định rõ cách tính phí
Điểm mới của dự thảo Nghị định là quy định rõ cách tính phí.
Theo đó, phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản phải nộp trong kỳ nộp phí được tính theo công thức sau:
Phương án 1:
F = [(Q1 x f1) + (Q2 x f2)] x K1 x K2
Trong đó:
- F là số phí BVMT phải nộp trong kỳ;
- Q1 là số lượng đất, đá bốc xúc trong kỳ nộp phí (m3);
- Q2 là số lượng quặng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ (tấn hoặc m3);
- f1 là mức phí đối với đất, đá bốc xúc: 300đ/m3.
- f2 là mức phí tương ứng của từng loại khoáng sản khai thác (đồng/tấn hoặc m3).
- K1, K2 là hệ số tính phí theo yếu tố gây ô nhiễm môi trường, trong đó:
+ K1 là hệ số tính phí theo phương pháp khai thác;
+ K2 là hệ số tính phí theo công nghệ, kỹ thuật khai thác;
+ Đối với K1: Nếu khai thác hầm lò: K1 = 1; Nếu khai thác lộ thiên: K1 = 1,1.
+ Đối với K2:
- Công nghệ, kỹ thuật hiện đại: K2 = 1
- Công nghệ thông thường: K2 = 1,1
- Khai thác thủ công, thô sơ: K2 = 1,2
Phương án 2:
F = Q x f x K x K2
Trong đó:
- F là số phí BVMT phải nộp trong kỳ;
- Q là khối lượng quặng khoáng sản nguyên khai khai thác trong kỳ
- f là mức phí tương ứng của loại khoáng sản khai thác (đồng/tấn hoặc m3).
- K1, K2 là hệ số tính phí theo yếu tố gây ô nhiễm môi trường như đã nêu tại phương án 1.
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý dự thảo này trên website của Bộ.
Theo baochinhphu