Logo
phone
Hotline: 02437327155
Đề xuất giải pháp chống ngập, chống nóng cho TP Hồ Chí Minh và chương trình 1 triệu ngôi nhà xanh cho Việt Nam
  30/09/2016
icon-zalo

Ông Đặng Quốc Toản GĐ-Asiapetro - Thành viên sáng lập hiệp hội nhiên liệu sinh học và năng lượng tái tạo Việt Nam; Hiệp hội công nghiệp môi trường Việt Nam đưa ra giải pháp chống ngập, chống nóng cho Thành phố Hồ Chí Minh và các khu đô thị, cũng như đề xuất chương trình 1 triệu ngôi nhà xanh cho Việt Nam...

 


Huy động toàn dân giữ nước mưa để sử dụng, giảm ngập lụt cho các thành phố, tiết kiệm nước

TP. Hồ Chí Minh, Tháng 9 – 2015

 

I Giải pháp giữ nước mưa giảm ngập lụt cho Thành phố Hồ Chí Minh

Là người dân của thành phố HCM và cũng là doanh nghiệp luôn đi tiên phong trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học và môi trường. Chúng tôi luôn trăn trở với từng hơi thở, nhịp sống của thành phố, của đất nước và thấy phải có trách nhiệm, hành động, đóng góp công sức, trí tuệ để giảm những thiệt hại cho thành phố như là đối với chính ngôi nhà của mình đang sinh sống.

 

Những trận lụt lịch sử từ năm 2008 ở Hà Nội và mới đây ở TP HCM và những trận hạn hán vừa qua tại các tỉnh miền trung là tác động rõ nhất của hiện tượng biến đổi khí hậu, ảnh hưởng và cách nhìn nhận, thích ứng của chúng ta với những vấn đề này. Trước tiên chính quyền cần phải nhận thức rằng, để thích ứng với biến đổi khí hậu chỉ có chính quyền thì không làm được, chúng ta cần phải huy động sức mạnh của toàn dân, hiến kế của nhân dân, vì khó vạn lần dân liệu cũng xong.

 

Các Vua Hùng đã có công dựng nước, toàn dân ta phải đồng lòng giữ nước.

 

Việt Nam là một trong năm nước chịu ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong thế kỷ này. Sự khắc nghiệt của thiên nhiên càng ngày càng lớn, làm thiệt hại của đất nước hàng tỷ đô la mỗi năm, ước tính đến 5% GDP hàng năm. Nhưng Việt Nam cũng là một trong những nước được thiên nhiên ưu đãi với tiềm năng về nắng, mưa, gió hàng đầu Châu Á với lượng mưa trung bình từ 1500mm tới 2000mm/m2 một năm, và tiềm năng về năng lượng mặt trời từ 1600/2600 giờ nắng mỗi năm, tiềm năng gió tới 8,6% diện tích lãnh thổ có tốc độ và mật độ gió tốt 6m/s để sản xuất điện gió.

 

Tôi còn nhớ 10 năm trước đại sứ Israel nói trên báo rằng nước ông một năm chỉ có vài trận mưa lất phất ướt đầu, nếu được nắng mưa như Việt Nam chúng tôi đã giàu to rồi.  Chúng ta cần nhìn nhận nguồn tài nguyên thiên nhiên ban tặng đất nước chúng ta chính là khí hậu tương đối ôn hòa và lượng mưa tốt, nắng nhiều, gió tốt.. nếu chúng ta biết sử dụng một cách hợp lý thì chính nguồn tài nguyên mưa, nắng, gió này sẽ mang lại lợi ích to lớn cho đất nước ta. Để nói được những điều này chúng tôi đã phải trải qua nhiều năm thử nghiệm làm các mô hình, dự án thực tế và chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo đài.

 

Đối với TP HCM cần đi tiên phong trong vấn đề này để xây dựng một thành phố xanh hài hòa với thiên nhiên và có môi trường trong lành. Để làm được điều này chính quyền thành phố cần tuyên truyền và nhận được sự hưởng ứng, ủng hộ từ người dân và doanh nghiệp để cùng chung tay xây dựng cho chính ngôi nhà chung là thành phố của chúng ta. Với bài học của các nước đi trước như  Nhật Bản, họ đã tổ chức hội nghị quốc tế về sử dụng nước mưa để cứu trái đất vào tháng 8-1994 tại thành phố Sumida, Tokyo để tất cả các nước đến học tập và họ đã rất thành công với các giải pháp 100 phương pháp sử dụng nước mưa để chống thiếu nước, chống nóng và giảm ngập lụt cho các thành phố, họ đã đưa ra lý thuyết về sử dụng nước mưa là trách nhiệm của toàn thế giới “sử dụng nước mưa để cứu trái đất” gắn liền với “Phát triển bền vững” các thành phố từ những năm 1994. Các thành phố Việt Nam chúng ta cần nhanh chóng học tập họ sớm ngày nào đất nước tiết kiệm hàng tỷ đồng ngày đó, họ đã giải quyết thành công được vấn đề thiếu nước, khô hạn, ngập lụt và sự nóng lên của các thành phố từ việc thu giữ và sử dụng nước mưa suốt hàng chục năm qua, đây là bài học vô cùng quí báu.

 

 

Lắp tặng trường tiểu học Bình Mỹ II, Củ Chi, TP HCM hệ thống điện mặt trời hòa lưới 10KW và hệ thống túi đựng nước mưa vừa sử dụng và để làm mô hình dạy học. Mô hình ngôi trường xanh 8-2015

 

Giải pháp giữ nước mưa có lẽ là đơn giản và hiệu quả với chi phí thấp nhất, cùng với những giải pháp tổng hợp như làm hồ điều hòa, kênh mương và chống triều cường sẽ giảm đáng kể ngập lụt cho thành phố. Với hệ thống cống thoát nước và kênh rạch nhỏ như hiện nay thì những trận mưa từ 50mm trở lên đã có thể gây ngập, vì cống thoát không kịp trong khi tất cả các mái nhà đều đổ nước mưa xuống đường và cuốn theo cả rác rưởi làm tắc cống rãnh. TP HCM với lượng mưa bình quân hàng năm khoảng 2000mm sẽ thu được hàng tỷ m3 nước mưa.

 

Với hơn 2 triệu hộ dân thành phố và hàng vạn tòa nhà cao ốc, nhà máy, xí nghiệp, trường học, siêu thị, bệnh viện.. nếu thu toàn bộ nước mưa từ trên các mái nhà vào các hệ thống túi, bồn, bể chứa nước mưa thì sẽ giảm ngay ngập lụt, và lượng nước này có thể sử dụng cho những việc như tưới cây, cọ rửa, làm mát thành phố.. vừa tiết kiệm tương đương mấy nhà máy nước và giảm ngay ngập lụt của thành phố.

 

VD : Theo tính toán một mái nhà 50m2 nếu 1 trận mưa 50mm thì thu được khoảng gần 2,5m3 nước và chứa vào 2 túi loại 1m3 là vừa, như vậy giảm được 80% lượng nước đổ xuống cống. 1 năm thu được gần 100m3 nước mưa để sử dụng.

 

Đối với với các công trình lớn như siêu thị Metro Q2 chúng tôi tính toán với khoảng 15.000m2 mái nhà mỗi năm cũng thu được 30.000m3 nước mưa. Vừa sử dụng nước để cọ rửa, làm mát, phòng cháy nổ, toilet, tưới cây...giảm sử dụng nước máy, mà đầu tư chỉ 2 năm thu hồi vốn, làm tấm gương về tiết kiệm tài nguyên.

 

Nếu lượng nước từ những mái nhà này đổ xuống cống cùng một lúc thì không thể thoát kịp và vừa lãng phí một nguồn tài nguyên quí là nước và gây ra ngập lụt đường xá, hỏng cơ sở hạ tầng, xe cộ, chập điện nguy hiểm tính mạng người dân…các nước họ đưa vào luật xây dựng bắt buộc các công trình phải thu giữ nước mưa, và đánh thuế nếu đổ nước mưa xuống cống. Thành phố chúng ta cũng cần vận động các doanh nghiệp, các hộ dân và bộ xây dựng cần sớm đưa vào luật.

 

 

Túi đựng nước mưa 1m3  dùng cho các hộ gia đình giữ nước mưa sử dụng, tưới cây, cọ rửa, làm mát nhà.Tiết kiệm nước, giảm ngập lụt và hút nước ngầm

 

 

   Lắp thử nghiệm túi đựng nướcmưa 20m3 tại thành ủy TP HCM – tặng bộ đội quần đảo Trường Sa và tíu 1m3 tặng nhà sàn DK

 

II Giải pháp sáng tạo không cần sử dụng điện mặt trời bơm nước :

Túi đựng nước mưa 1m3 đến 20m3, giải pháp tiện lợi và chi phí thấp cho việc chứa nước mưa tại các vùng biển đảo, miền núi, vùng ngập mặn và các thành phố để tiết kiệm nước, chống hạn hán và giảm ngập lụt.

 

Chúng tôi làm rất đơn giản và chi phí thấp mà chúng ta có thể làm được so với đầu tư bên Nhật chỉ bằng 1% đầu tư cho một mái nhà của họ là đủ và phù hợp cho một hộ gia đình nghèo ở Việt Nam, với chi phí khoảng 50-100 USD cho 1 đến 2 túi đựng nước mưa 1m3 để trên cao và 1 bộ lọc gốm sứ là có thể vừa sử dụng nước mưa để sinh hoạt và ăn uống được cho các hộ gia đình ở miền núi, hải đảo, ngư dân, vùng ngập mặn mỗi tháng mùa mưa tiết kiệm được khoảng 15- 30m3 nước và thu hồi vốn sau một mùa mưa 6 tháng. Còn tại các thành phố nếu hàng triệu hộ dân cùng sử dụng nước mưa sẽ có những ý nghĩa vô cùng to lớn như sau.

 

1 - Giảm thiếu nước cho các thành phố, giảm ngay ngập lụt cho các thành phố (đỡ tốn hàng tỷ đôla tiền đầu tư cho cấp nước và thoát nước, giảm hư hỏng cơ sở hạ tầng, phương tiện giao thông, tắc nghẽn giao thông…).

 

2 - Chống nóng cho các thành phố vì sử dụng nước mưa rất mát để tưới cây, trồng rau sạch,  giặt, cọ rửa xe, toilet,  tưới công viên, điều hòa không khí cho các thành phố bị bê tông hóa hấp thụ nhiệt rất nóng (giảm điện cho điều hòa).

 

3 – Giảm hút nước ngầm làm cạn kiệt, ô nhiễm tầng nước ngầm, tiết kiệm điện cho bơm nước ngầm, và bổ sung nước mưa khi sử dụng cho tầng nước ngầm có tác dụng chống sụt lún thành phố do hàng triệu giếng khoan hút nước ngầm.

 

4 – Nâng cao được nhận thức, ý thức, kiến thức của toàn dân về xây dựng những thành phố văn minh, xanh, sạch khi sử dụng tài nguyên thiên nhiên như nắng, mưa, gió vừa an toàn vừa tiết kiệm như các nước văn minh đã làm được, mà để có được ý thức này cần rất nhiều thập kỷ.

 

5 – Đóng góp phần tiết kiệm đó vào việc giúp đỡ hàng triệu hộ đồng bào nghèo miền núi, biên giới, biển đảo, ngư dân… đang là tuyến đầu bảo vệ đất nước để cùng có điện có nước mưa sử dụng.

 

Nhà nước cần đầu tư hỗ trợ các hộ dân nghèo miền núi, biển đảo, ngư dân, vùng nông thôn, thành phố một hệ thống dự trữ và lọc nước mưa, việc làm này sẽ giải quyết được những vấn nạn về thiếu nước, thiếu điện, ngập lụt, ô nhiễm môi trường khi nhà nước và toàn dân cùng làm, nhà nước vừa tiết kiệm rất lớn tiền đầu tư cho các nhà máy nước và chống ngập lụt vì chi phí để mua túi đựng nước mưa tặng các hộ dân nghèo chưa bằng 1% số tiền đầu tư cho cấp nước và thoát nước chống ngập lụt, mà hiệu quả thì vô cùng lớn. Người dân sẽ có được ý thức và kiến thức luôn luôn chủ động trong việc sử dụng nước mưa, năng lượng tái tạo trong mọi điều kiện hoàn cảnh của đất nước khi có thiên tai, thảm họa, chiến tranh, các nhà máy điện, nước không cung cấp được. Nhà nước cần sớm đưa vào luật xây dựng về bắt buộc sử dụng nước mưa và tiết kiệm năng lượng như các nước đã làm với các công trình xây dựng qui mô lớn và vừa như các nhá máy, siêu thị, cao ốc, biêt thự, công viên, sân bay…sẽ mang lại một hiệu quả to lớn từ việc tiết kiệm này. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm hãy bắt tay ngay vào những việc này vì chúng ta đã quá lãng phí khi hàng ngày nắng, mưa, gió là tài nguyên tái tạo của đất nước không được sử dụng đang bị bỏ phí.

 

 

 

Tặng túi đựng nước mưa và bình lọc nước gốm sứ, đèn LED sạc cho các đảo Trường Sa

 và nhà giàn DK, tại Ủy Ban MTTQ TP HCM. Tặng một số trường Tây Bắc

 trong chương trình Cơm có thịt.

 

Sử dụng năng lượng mặt trời, nước mưa vừa an toàn, tiết kiệm cho ngôi nhà xanh (green home) và một thế giới xanh (green world).  

1 triệu ngôi nhà solar green home cho Việt Nam là một phần của giấc mơ Việt Nam

 

Đặng Quốc Toản GĐ-Asiapetro - Thành viên sáng lập hiệp hội nhiên liệu sinh học và năng lượng tái tạo Việt Nam. Hiệp hội công nghiệp môi trường Việt Nam

Dưới đây là những bài báo và tivi nói về việc sử dụng điện mặt trời, nước mưa từ nhiều năm nay:

http://vea.gov.vn/vn/truyenthong/hoidapmt/Pages/100c%C3%A1chs%E1%BB%ADd%E1%BB%A5ngn%C6%B0%E1%BB%9Bcm%C6%B0a.aspx

http://bientoancanh.vn/Su-dung-nuoc-mua-va-nang-luong-tai-tao_C16_D6781.htm

http://vbcsd.vn/detail.asp?id=374

http://vbcsd.vn/detail.asp?id=375

http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/tiet-kiem-nang-luong-vi-to-quoc-than-yeu-2198188.html

https://www.youtube.com/watch?v=OumqOqLvNh8

https://www.youtube.com/watch?v=-_a4ezbeTcQ

http://youtu.be/akwS7dvs_v0

https://www.youtube.com/watch?v=lEt7c0sXztg

http://youtu.be/O78hSOcZ0XM

 

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt