Logo
phone
Hotline: 02437327155
Chiến lược BVMT đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030: Nhiều quyết sách quan trọng
  12/02/2016
icon-zalo

 

Nhằm định hướng và từng bước kiểm soát ô nhiễm đưa hoạt động bảo vệ môi trường phát triển bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định 1261/QĐ- TTg ngày 5/9/2012 về Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Bộ TN&MT đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 166/QĐ- TTg ngày 21/1/2014 về Kế hoạch thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đến nay, sau 2 năm triển khai, Chiến lược đã gặt hái được những kết quả quan trọng góp phần cho sự phát triển môi trường bền vững.

 

Nâng cao chất lượng giải quyết “điểm đen” ô nhiễm

 

Theo báo cáo của Bộ TN&MT, tới nay, Bộ đã nhận được 6 báo cáo của các Bộ, ngành, 37 báo cáo của các địa phương gửi về tình hình triển khai thực hiện Chiến lược và Kế hoạch Bảo vệ môi trường quốc gia. Với chức năng nhiệm vụ thực hiện 23 chỉ tiêu bảo vệ môi trường, Bộ TN&MT đã tích cực thực hiện một số chỉ tiêu, trong đó, nổi bật là việc đạt 100% so với mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2011 - 2015 với tỷ lệ xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 64/2003/QĐ - TTg, đạt 38% mục tiêu so với tỷ lệ xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng theo Quyết định số 1788/QĐ – TTg. Ngoài ra, nâng tỷ lệ xử lý chất thải rắn y tế đạt chuẩn từ 91% năm 2011 lên 96% năm 2015.

Sau 2 năm triển khai thực hiện Chiến lược và hơn 1 năm thực hiện Kế hoạch, các Bộ, ngành và địa phương đã chủ động ban hành các chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường nhằm giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường cấp bách tại địa bàn. Song, việc xây dựng và ban hành các chương trình, kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa các nội dung của Quyết định số 1216/QĐ-TTg và Quyết định số 166/QĐ-TTg chưa được triển khai đồng đều tại các Bộ, ngành và địa phương. Tính đến tháng 9/2015 mới có khoảng 53,1% các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố đã báo cáo về xây dựng và ban hành kế hoạch để triển khai thực hiện. Đến nay, sau gần 2 năm triển khai thực hiện, mới có 37/63 các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện (đạt tỷ lệ 58,7%), 5 Bộ, ngành đã báo cáo tình hình triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao chủ trì thực hiện.

 

Chủ động phòng ngừa phát sinh nguồn ô nhiễm

 

Nhằm nâng cao chất lượng đánh giá môi trường chiến lược, đảm bảo các yêu cầu về bảo vệ môi trường được lồng ghép trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, nâng cao hiệu quả của đánh giá tác động môi trường trong việc sàng lọc, ngăn ngừa công nghệ sản xuất lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường trong các dự án đầu tư phát triển”, thời gian qua, Bộ TN&MT đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC), đánh giá tác động môi trường (ĐTM) góp phần phòng ngừa ô nhiễm, giảm thiếu các tác động xấu đối với môi trường. Nội dung, quy trình, thủ tục thẩm định ĐMC, ĐTM được quy định rõ ràng, minh bạch hơn theo hướng cải cách hành chính nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu về chất lượng của công tác thẩm định. Đã bổ sung một số điểm mới quan trọng trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 như: công cụ quy hoạch bảo vệ môi trường; rà soát lại danh mục các đối tượng phải lập ĐMC/ĐTM; quy định yêu cầu về chứng chỉ tư vấn ĐMC/ĐTM; hình thành danh mục dự án đầu tư, phương án sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phải lập kế hoạch bảo vệ môi trường. Đặc biệt, đã bổ sung yêu cầu lồng ghép nội dung về biến đổi khí hậu trong báo cáo ĐMC và nội dung đánh giá sức khỏe cộng đồng trong ĐTM.

Để nâng cao chất lượng công tác ĐMC và ĐTM, các hướng dẫn kỹ thuật chuyên ngành đã được xây dựng và ban hành. Bên cạnh việc triển khai các hoạt động nhằm nâng cao chất lượng báo cáo ĐMC, ĐTM, Bộ TN&MT đã thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực ĐMC. Đã có hơn 700 cán bộ của các Bộ, ngành, địa phương, các cơ quan tư vấn, nghiên cứu, đào tạo tham gia học tập.

Việc yêu cầu kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường trước khi dự án đi vào hoạt động tiếp tục được quy định cụ thể, rõ đối tượng hơn trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 nhằm đảm bảo các dự án phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo báo cáo ĐTM, kế hoạch bảo vệ môi trường đã được phê duyệt, xác nhận. Theo đó, các dự án đầu tư lớn, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, xác nhận các công trình bảo vệ môi trường, mới được phép đi vào hoạt động chính thức.

 

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật

 

Trong những năm qua, việc bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tiếp tục được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường đã có những bước phát triển mới với Bộ TN&MT đã xây dựng, trình Quốc hội thông qua Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2014, sửa đổi và thay thế Luật BVMT năm 2005 với nhiều quy định mới đề cập đến những vấn đề nóng đang đặt ra trong công tác bảo vệ môi trường giai đoạn hiện nay. Nhiều điểm được bổ sung như vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu, thúc đẩy tăng trưởng xanh, cơ sở, sản phẩm thân thiện với môi trường gắn với phát triển bền vững; xây dựng quy hoạch môi trường; bổ sung quy định nội dung quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, cụ thể hóa quyền hạn và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội, xã hội nghề nghiệp và cộng đồng dân cư trong bảo vệ môi trường.

Ngay sau khi Luật BVMT năm 2014 được thông qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 8 văn bản quy định chi tiết hướng dẫn, thi hành Luật; đã ban hành theo thẩm quyền 10 trong tổng số 31 Thông tư, 2 Thông tư liên tịch dự kiến xây dựng, ban hành để quy định chi tiết thi hành Luật. Các địa phương đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai Luật; xây dựng và triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch về bảo vệ môi trường 5 năm và hàng năm, các quy định về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, thành phố; quy hoạch mạng lưới quan trắc môi trường trên địa bản tỉnh, thành phố.

 

Đa dạng hóa nguồn đầu tư cho bảo vệ môi trường

 

Một trong những nhiệm vụ được các Bộ, ngành và địa phương quan tâm chú trọng đó là việc tích cực và đa dạng hóa đầu tư cho bảo vệ môi trường. Theo đó, tốc độ tăng chi cho sự nghiệp môi trường, năm sau cao hơn năm trước, ở cả Trung ương và địa phương, cụ thể: Năm 2011 chi ngân sách Nhà nước (NSNN) cho sự nghiệp môi trường so với năm 2010 tăng 16,37% (năm 2010: 6.230 tỷ đồng); năm 2012 so với năm 2011 tăng 24,8%; năm 2013 so với năm 2012 tăng 8%; năm 2014 so với năm 2013 tăng 2,1%, năm 2015 so với năm 2014 tăng 14,2%. Kinh phí sự  nghiệp môi trường đã đáp ứng yêu cầu hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường theo Luật BVMT, từ đó, góp phần thực hiện Chiến lược Bảo vệ môi trường quốc gia đạt một số kết quả nhất định.

Trong các năm vừa qua, công tác xã hội hóa trong lĩnh vực sự nghiệp môi trường bước đầu được triển khai trong một số hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải; xử lý nước thải sinh hoạt, chăn nuôi; xử lý chất thải; vệ sinh môi trường công cộng, làng sinh thái; cải thiện môi trường làng nghề... Tại một số địa phương, cộng đồng dân cư thực hiện xã hội hóa bảo vệ môi trường dưới nhiều hình thức. Một số mô hình thực hiện xã hội hóa bảo vệ môi trường trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đã có nhưng chưa mạnh, mặc dù, các mô hình này đã và đang được xây dựng với sự hỗ trợ của Nhà nước, tài trợ của nước ngoài (đặc biệt là các mô hình cải tiến quản lý kết hợp yếu tố môi trường ở các xí nghiệp công nghiệp, áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng mô hình sinh thái).

 

Theo monre

Đối tác
bô kế hoạch
bộ tài chính
bộ khcn
bộ y tế
bộ nông nghiệp
bộ gtvt
bo xd
bo cong thuong
bộ tnmt