Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa ký Quyết định số 2026/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, trong đó chỉ rõ 87 văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung.
Đây là Đề án rất quan trọng để có thể kéo giảm thời gian thông quan hàng hóa theo yêu cầu của Chính phủ. Bởi thời gian qua, trong khi Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính và Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt cải cách các thủ tục hải quan, thì việc phối hợp triển khai các thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng XNK (gồm kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm tra an toàn thực phẩm và kiểm dịch) giữa các cơ quan vẫn là trở ngại lớn nhất, là “nút thắt cổ chai” với mục tiêu kéo giảm thời gian thông quan.
Đề án đặt mục tiêu cụ thể là giảm thời gian thông quan hàng hóa XK, NK ngang bằng với các nước ASEAN-6. Cụ thể, năm 2016, thời gian thông quan còn dưới 10 ngày đối với hàng xuất khẩu và dưới 12 ngày đối với hàng nhập khẩu; đến năm 2020 còn dưới 5 ngày đối với hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu.
Đề án nêu rõ quan điểm phải xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành; hoạt động kiểm tra chuyên ngành phải phù hợp với thông lệ quốc tế; áp dụng phương pháp quản lý rủi ro; thừa nhận kết quả kiểm tra của các nước; ứng dụng công nghệ thông tin…
Đề án nêu 4 nhóm nhiệm vụ cụ thể, gồm: Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm tra chuyên ngành; đổi mới phương pháp kiểm tra chuyên ngành; đầu tư cơ sở vật chất, nguồn lực, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành; và tăng cường công tác truyền thông, đào tạo và nâng cao năng lực hoạt động kiểm tra chuyên ngành cho các doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức có liên quan.
Nội dung đặc biệt quan trọng của Đề án là danh sách 87 văn bản quy phạm pháp luật về kiểm tra chuyên ngành cần sửa đổi bổ sung, thuộc lĩnh vực quản lý của 13 Bộ. Đề án có 30 trang nhưng dành tới 23 trang cho nội dung này.
Trong đó, Bộ NN&PTNT chiếm tới hơn một nửa với 49 thông tư, quyết định. Tiếp sau là Bộ Công Thương (10 văn bản), Bộ Y tế (9 văn bản), Bộ Xây dựng (4 văn bản). Các Bộ: KH&CN, TT&TT, TN&MT, Quốc phòng, Công an, GTVT cùng có 2 văn bản cần sửa đổi bổ sung, còn các Bộ: LĐTBXH, VHTTDL và KHĐT có 1 văn bản.
Đối với Bộ TN&MT, 2 văn bản cần sửa đổi bổ sung là: Quyết định số 73/2014/QĐ-TTg ngày 19/12/2014 quy định Danh mục phế liệu được phép nhập khẩu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất. Nội dung cần sửa đổi, bổ sung là: Xây dựng và ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với các loại phế liệu nhập khẩu chưa có Quy chuẩn, thời gian hoàn thành: quý I/2016. Văn bản thứ hai là: Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 về việc quản lý chất thải và phế liệu. Nội dung cần sửa đổi, bổ sung là: Hướng dẫn đối với trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu tại chỗ phế liệu thuộc phạm điều chỉnh của Nghị định số 38/2015/NĐ-CP, thời gian hoàn thành: quý I/2016.
Trong số 87 văn bản, thì có tới 85 văn bản phải được sửa đổi, bổ sung chậm nhất trong quý I/2016. Chỉ riêng có 2 văn bản của Bộ KHCN có thời hạn sửa đổi, bổ sung kéo dài hơn, nhưng cũng chỉ đến cuối năm 2016.
Theo VEA