Sáng 25/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gồm 10 chương và 81 điều với tỷ lệ tán thành là 91,50%.
Phạm vi điều chỉnh của Luật quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân trong quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam.
Hoạt động bảo vệ môi trường, quản lý, khai thác, sử dụng các loại tài nguyên biển và hải đảo thực hiện theo quy định của các luật có liên quan và bảo đảm phù hợp với các quy định tại Luật này.
Chính sách của Nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo như sau: Nhà nước bảo đảm tài nguyên biển và hải đảo được quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả, bền vững theo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ chủ quyền quốc gia, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Nhà nước huy động các nguồn lực, khuyến khích đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; ưu tiên cho vùng biển sâu, biển xa, hải đảo, vùng biển quốc tế liền kề và các tài nguyên mới có tầm quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; có chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo. Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; nâng cao hiệu quả công tác phối hợp trong việc kiểm soát ô nhiễm, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường biển và hải đảo, biến đổi khí hậu, nước biển dâng; quản lý chặt chẽ các hoạt động nhận chìm ở biển. Đầu tư nâng cao năng lực quan trắc, giám sát, dự báo về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; thiết lập hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tổng hợp, đồng bộ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phục vụ phát triển kinh tế biển, quốc phòng, an ninh. Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên nguyên tắc giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia.
Luật cũng quy định những hành vi bị nghiêm cấm, đó là: Khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo trái quy định của pháp luật; Vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và công bố; Lợi dụng việc điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, khai thác, sử dụng tài nguyên biển và hải đảo làm ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác; Thực hiện các hoạt động bị nghiêm cấm trong hành lang bảo vệ bờ biển quy định tại Điều 24 và trên quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn quy định tại khoản 2 và khoản 4 Điều 41 của Luật này; Hủy hoại, làm suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển, hải đảo; Nhận chìm vật, chất ở vùng biển Việt Nam mà không có giấy phép, trái quy định của pháp luật; Cung cấp, khai thác, sử dụng thông tin, dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo không đúng quy định của pháp luật; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm trái quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Luật cũng quy định cụ thể trách nhiệm điều tra, đánh giá môi trường biển và hải đảo. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm quan trắc, đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, hiện trạng chất lượng nước, trầm tích, các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của các khu vực biển và hải đảo; điều tra, thống kê, phân loại, đánh giá các nguồn thải từ đất liền và từ các hoạt động trên biển và hải đảo theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường của khu vực biển, hải đảo ở vùng rủi ro ô nhiễm cao hoặc rất cao; công bố các khu vực biển, hải đảo không còn khả năng tiếp nhận chất thải; công khai thông tin môi trường biển và hải đảo theo quy định của pháp luật.
Luật cũng quy định rõ: Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lập báo cáo về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo trình Chính phủ định kỳ hằng năm.
Định kỳ hằng năm, các bộ, ngành có trách nhiệm lập báo cáo tình hình quản lý hoạt động điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao quản lý.
Định kỳ hằng năm, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển có trách nhiệm báo cáo tình hình quản lý hoạt động điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo, quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường trong phạm vi quản lý.
Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết nội dung, thể thức, thời điểm báo cáo về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.
Nguồn monre