Ở Việt Nam, trước năm 1999, vấn đề bảo vệ môi trường mặc dù đã được quan tâm nhưng chưa được chú trọng đúng mức. Điều này phần nào thể hiện ở Bộ luật Hình sự 1985 khi chưa dành một chương riêng để quy định về các tội phạm về môi trường. Thời đó, các tội phạm gây thiệt hại cho môi trường được hiểu như là những hành vi xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (các tội quy định tại Điều 179, 180, 181 Bộ luật Hình sự 1985), hoặc các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính (như Điều 216 Bộ luật Hình sự 1985). Cá biệt, chỉ có một điều luật dành để quy định tội phạm xâm hại đến môi trường là Điều 195.
Hiến pháp năm 1992 là nền tảng cơ bản cho chính sách hình sự của Việt Nam đối với tội phạm về môi trường khi quy định: Cơ quan Nhà nước, đơn vị vũ trang, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, mọi cá nhân phải thực hiện các quy định của Nhà nước về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Nghiêm cấm mọi hành động làm suy kiệt tài nguyên và huỷ hoại môi trường” (Điều 29). Trên cơ sở đó, Bộ luật Hình sự 1999 đã dành Chương XVII để quy định các tội phạm về môi trường gồm 10 tội danh (từ Điều 182-191) và đến Bộ luật Hình sự sửa đổi, bổ sung năm 2009, con số này là 11.
Nguồn số liệu: Nguyễn Trí Chinh, 2010
Về mặt lập pháp là vậy, song trên thực tế, số lượng các hành vi xâm phạm đến môi trường bị xử lý không đáng kể mặc dù những năm gần đây vi phạm môi trường ở Việt Nam ngày càng phổ biến, đa dạng, liên tục với mức độ tổn hại ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, trong số các vụ việc bị xử lý cũng không có nhiều vụ bị truy cứu trách nhiệm hình sự cho dù các quy định về tội phạm môi trường trong Bộ luật Hình sự là tương đối đầy đủ. Những sai phạm điển hình như vụ Công ty TNHH Vedan xả nước thải trực tiếp xuống sông Thị Vải (Đồng Nai), Công ty sửa chữa tàu biển Huyndai-Vinashin xả chất thải rắn (hạt nix) độc hại không qua xử lý ra môi trường (Khánh Hoà), Nhà máy Miwon (Việt Trì – Phú Thọ) xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Hồng; hành vi xả nước thải độc hại ra sông Đông Điền (huyện Nhà Bè – TP. Hồ Chí Minh) của Công ty cổ phần thuộc da Hào Dương; các công ty nhập chất thải phế liệu về cảng Hải Phòng, Sài Gòn và Đà Nẵng… đều không bị xử lý hình sự.
Theo số liệu thống kê của Toà án Nhân dân Tối cao, trong giai đoạn 2001-2010, ngành Toà án nhân dân đã xét xử 1.098 vụ án các loại về tội phạm môi trường. Trong đó, phần lớn các tội phạm môi trường được xét xử liên quan đến hủy hoại rừng với 514 vụ (chiếm gần 47%) và vi phạm các quy định về bảo vệ động vật hoang dã quý hiếm với 526 vụ (chiếm gần 48%); trong khi gây ô nhiễm nguồn nước chỉ có 17 vụ và gây ô nhiễm đất 1 vụ bên cạnh một số tội phạm khác (Nguyễn Trí Chinh, 2010).
Sở dĩ có thực trạng này, ngoài một số bất cập của Bộ luật Hình sự hiện hành về tội phạm môi trường còn một nguyên nhân sâu xa có thể kể đến là việc các nhà lập pháp chưa xây dựng khái niệm về nhóm tội phạm môi trường. Điều này dẫn đến những khó khăn trong việc xây dựng các hình thức chế tài, phạm vi, nhiệm vụ và chiến lược của hoạt động phòng ngừa một cách hợp lý, từ đó phân hoá trách nhiệm hình sự đối với nhóm tội phạm này.
Có nhiều khái niệm về tội phạm môi trường trong khoa học Luật hình sự, nhưng đa số chưa rõ ràng và đầy đủ. Một trong số đó là: Tội phạm về môi trường là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do những người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, xâm hại đến sự bền vững và ổn định của môi trường; xâm hại đến các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực quản lý và bảo vệ môi trường, gây ra những hậu quả xấu đối với môi trường sinh thái”(NXB Công an Nhân dân, 2001). Khái niệm này khiến cho người đọc hiểu nhầm rằng tội phạm về môi trường bao gồm cả những hành vi vi phạm pháp luật hành chính trong lĩnh vực môi trường khi chưa nêu được dấu hiệu “vi phạm pháp luật hình sự”. Mặt khác, khái niệm này đã đồng nhất “sự bền vững và ổn định của môi trường” (với tư cách là đối tượng của tội phạm) với “các quan hệ xã hội về quản lý và bảo vệ môi trường” (với tư cách là khách thể của tội phạm môi trường).
Một khái niệm khác cho rằng:“Các tội phạm về môi trường là các hành vi nguy hiểm cho xã hội vi phạm các quy định của Nhà nước về môi trường, qua đó gây thiệt hại cho môi trường” (Đại học Luật Hà Nội, 2000). Khái niệm này cũng chưa có sự phân biệt giữa tội phạm về môi trường và hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường. Thêm vào đó, yếu tố “gây thiệt hại cho môi trường” trong khái niệm đã khiến cho các nhà lập pháp nhìn nhận rằng tất cả tội phạm về môi trường phải được xây dựng với cấu thành tội phạm vật chất. Sau cùng, khái niệm chưa xác định được khách thể của tội phạm môi trường.
Cũng có tác giả cho rằng: “Tội phạm về môi trường là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong BLHS Việt Nam, xâm hại tới các quan hệ xã hội về giữ gìn môi trường trong sạch, sử dụng hợp lý những tài nguyên của nó và đảm bảo an toàn môi trường cho dân cư”(Trần Lê Hồng, 2001). Khái niệm này không đề cập đến hai đặc điểm cơ bản của tội phạm là chủ thể và yếu tố chủ quan của tội phạm.
Khái niệm về tội phạm môi trường cần phải thể hiện được đầy đủ các đặc điểm của tội phạm nói chung vừa phải bao hàm được đặc trưng cho khách thể của những tội phạm về môi trường được quy định trong Chương XVII Bộ luật Hình sự Việt Nam hiện hành cũng như chính sách hình sự của Việt Nam trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Nghĩa là, bên cạnh việc bao quát các tội phạm môi trường được quy định tại Chương XVII, khái niệm còn phải bao hàm được một số tội phạm được quy định ở các Chương khác của Bộ luật Hình sự nhưng cũng ảnh hưởng đến môi trường.
Với yêu cầu đó, tội phạm môi trường có thể được khái quát trong khái niệm sau: Tội phạm về môi trường là những hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực TNHS thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm hại tới các quan hệ xã hội liên quan đến việc giữ gìn, bảo vệ môi trường trong sạch, sử dụng hợp lý những nguồn tài nguyên thiên nhiên và việc đảm bảo an ninh sinh thái đối với cộng đồng dân cư”.
Ảnh minh họa: Dương Văn Thọ/PanNature
Để có chính sách hình sự và chiến lược phù hợp nhằm phòng ngừa có hiệu quả các tội phạm về môi trường, bên cạnh đưa ra khái niệm tội phạm môi trường, việc phân loại các nhóm tội phạm môi trường có ý nghĩa không kém. Với mục tiêu đưa ra chiến lược phòng ngừa tội phạm môi trường, việc phân loại các nhóm tội phạm này cần dựa trên đặc trưng của hành vi khách quan và khách thể bị xâm hại. Theo đó, có thể chia các nhóm tội phạm môi trường ở Việt Nam như sau:
Nhóm thứ nhất, là các tội phạm trực tiếp hoặc gián tiếp xâm hại đến các quan hệ xã hội liên quan đến việc giữ gìn, bảo vệ môi trường trong sạch. Nhóm tội phạm này gồm những hành vi trực tiếp tác động đến môi trường đất, nước, không khí, như: Tội gây ô nhiễm môi trường (Điều 182 Bộ luật Hình sự hiện hành, Điều 231 Bộ luật Hình sự dự thảo). Có những tội phạm với những mục đích khác nhau và gián tiếp gây ra ô nhiễm môi trường với sự vô ý của người phạm tội, như: Tội vi phạm quy định về quản lý chất thải nguy hại (Điều 182a Bộ luật Hình sự hiện hành, Điều 232 Bộ luật Hình sự dự thảo), Tội đưa chất thải vào lãnh thổ Việt Nam (Điều 185 Bộ luật Hình sự hiện hành, Điều 236 Bộ luật Hình sự dự thảo). Đó có thể là các hành vi tạo ra khả năng gây lây lan dịch bệnh, như: Tội làm lây lan dịch bệnh cho người (Điều 186 Bộ luật Hình sự hiện hành, Điều 237 Bộ luật Hình sự dự thảo), hoặc tạo ra khả năng làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động, thực vật, như: Tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho động vật, thực vật (Điều 187 Bộ luật Hình sự hiện hành, Điều 238 Bộ luật Hình sự dự thảo). Ngoài ra, người phạm tội cũng có thể do không thực hiện đúng quy định hoặc thiếu trách nhiệm khiến môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng khác, như: Tội vi phạm quy định về phòng ngừa sự cố môi trường (Điều 182b Bộ luật Hình sự hiện hành, Điều 233 Bộ luật Hình sự dự thảo – Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường).
Đây là nhóm tội phạm có tác động trực tiếp đến môi trường sống của con người và mọi sinh vật trong phạm vi của nó, cho dù người phạm tội có trực tiếp hay gián tiếp, cố ý hay vô ý gây ra. Khi môi trường sống bị ô nhiễm, tính mạng, sức khoẻ con người sẽ không được đảm bảo. Mặt khác, thiệt hại về kinh tế do sinh vật nuôi trồng bị ảnh hưởng là điều không thể tránh khỏi. Bởi vậy, về mặt lập pháp cũng như trong hoạch định chiến lược phòng ngừa cần có sự quan tâm đặc biệt đến nhóm tội phạm này.
Nhóm thứ hai, là các tội phạm xâm hại đến các quan hệ xã hội liên quan đến việc bảo đảm an ninh sinh thái đối với cộng đồng dân cư. Đây là những tội phạm không gây ra ô nhiễm môi trường nhưng đe doạ đến an ninh sinh thái của con người. Có thể người phạm tội vì mục đích kinh tế đã có những hành vi góp phần làm giảm số lượng các loài động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ, đang trên bờ tuyệt chủng, như: Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (Điều 190 Bộ luật Hình sự hiện hành, Điều 241 Bộ luật Hình sự dự thảo). Có trường hợp người phạm tội có những hành vi vi phạm các quy định đối với việc quản lý khu bảo tồn thiên nhiên, rừng nguyên sinh gây xáo trộn môi trường nguyên thuỷ của động, thực vật, như: Tội vi phạm các quy định về quản lý khu bảo tồn thiên nhiên (Điều 191 Bộ luật Hình sự hiện hành, Điều 242 Bộ luật Hình sự dự thảo). Bên cạnh đó, người phạm tội cũng có thể phạm tội thông qua hành vi tạo điều kiện cho các loài động, thực vật ngoại lai xâm hại, tấn công làm giảm thiểu các loài động, thực vật truyền thống, gây mất cân bằng sinh thái động thực vật của Việt Nam, như: Tội nhập khẩu, phát tán các loài ngoại lai xâm hại (Điều 191a Bộ luật Hình sự hiện hành, Điều 243 Bộ luật Hình sự dự thảo). Các hành vi liên quan đến việc làm suy kiệt nguồn tài nguyên rừng cũng thuộc nhóm tội phạm này. Trong ba tội phạm liên quan đến rừng, có hai tội phạm được các nhà làm luật xếp vào chương các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Tuy nhiên, theo tác giả, việc nguồn lợi kinh tế bị ảnh hưởng có thể không nghiêm trọng bằng việc môi trường sống của con người bị ảnh hưởng do rừng bị tàn phá dẫn đến mất an toàn môi trường dẫn đến đến thiên tai, lũ lụt, xói mòn đất… Bởi vậy, tác giả đã đưa nó vào nhóm các tội phạm môi trường. Các tội phạm này bao gồm: Tội huỷ hoại rừng (Điều 189 Bộ luật Hình sự hiện hành, Điều 240 Bộ luật Hình sự dự thảo), Tội vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng (Điều 175 Bộ luật Hình sự hiện hành, Điều 228 Bộ luật Hình sự dự thảo), Tội vi phạm các quy định về quản lý rừng (Điều 176 Bộ luật Hình sự hiện hành, Điều 229 Bộ luật Hình sự dự thảo). Ngoài ra, Bộ luật Hình sự dự thảo cũng đưa vào thêm một tội phạm mới nhằm đảm bảo cho công tác phòng chống thiên tai đạt hiệu quả cao, đó là: Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình thuỷ lợi, hồ chứa, liên hồ chứa, đê điều và công trình phòng, chống thiên tai (Điều 234 BLHS dự thảo).
Đây là nhóm các tội phạm dù không trực tiếp làm cho môi trường bị ô nhiễm, nhưng đe doạ đến an ninh sinh thái của con người và sinh vật, gây mất cân bằng sinh thái. Điều này có thể trước mắt chưa tạo ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống con người, nhưng trong tương lai, tác hại của nó là khó lường và việc khắc phục hậu quả là vô cùng phức tạp. Bởi vậy, việc chủ động phòng ngừa là việc nên làm thông qua việc hoàn thiện Bộ luật Hình sự cũng như chiến lược phòng ngừa từ các cơ quan thực thi pháp luật. Có thế mới tránh được những hậu quả khôn lường sau này.
Nhóm thứ ba, là các tội phạm xâm phạm đến các quan hệ liên quan đến việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo an ninh kinh tế của đất nước. Tương tự như các tội phạm quy định tại Điều 175, 176 Bộ luật Hình sự hiện hành, tuy không nằm trong chương tội phạm về môi trường, nhưng quy định về các tội phạm này một phần cũng hướng tới việc bảo vệ môi trường. Vì thế, tác giả đã đưa các tội phạm này vào trong nhóm các tội phạm môi trường xâm phạm đến các quan hệ liên quan đến việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đó là: Tội huỷ hoại nguồn lợi thuỷ sản (Điều 188 Bộ luật Hình sự hiện hành, Điều 239 Bộ luật Hình sự dự thảo), Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên (Điều 172 Bộ luật Hình sự hiện hành, Điều 225 Bộ luật Hình sự dự thảo – Tội vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác khoáng sản), Tội vi phạm các quy định về sử dụng đất đai (Điều 173 Bộ luật Hình sự hiện hành, Điều 226 Bộ luật Hình sự dự thảo), Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai (Điều 174 Bộ luật Hình sự hiện hành, Điều 227 Bộ luật Hình sự dự thảo). Ngoài ra, Bộ luật Hình sự dự thảo còn đưa thêm một tội phạm mới trong nhóm tội phạm này, đó là: Tội vi phạm quy định về bảo vệ bờ, bãi sông, các công trình về tài nguyên nước (Điều 235).
Nhóm tội phạm này tuy xâm hại chính đến trật tự quản lý kinh tế, nhưng thông qua đó cũng ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường. Tài nguyên thiên nhiên được hình thành qua hàng triệu năm và không thể tái tạo vì vậy nếu khai thác thiếu kiểm soát tài nguyên sẽ cạn kiệt và các thế hệ sau không thể có đầy đủ nguồn lực để phát triển kinh tế. Mặt khác, môi trường cũng sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi tài nguyên thiên nhiên về bản chất là một yếu tố cấu thành quan trọng của môi trường. Do đó, việc đặt ra vấn đề phòng ngừa các tội phạm cũng là sự cấp thiết đòi hỏi kết hợp giữa các biện pháp kinh tế với hình sự, hành chính. Có như thế mới mong tránh được những thiệt hại về kinh tế và những sự cố về môi trường sau này.
Theo dự báo, trong những năm tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường vẫn còn nhiều diễn biến mới, phức tạp, chưa thể giải quyết một sớm một chiều. Pháp luật về môi trường nói chung và pháp luật hình sự về tội phạm môi trường của Việt Nam đang trong giai đoạn hoàn thiện; lực lượng thực thi pháp luật về môi trường cũng đang từng bước củng cố về năng lực. Đây là điều kiện để các đối tượng phạm tội thực hiện hành vi xâm hại môi trường, nhất là trong các lĩnh vực sản xuất công nghiệp; kinh doanh nhập khẩu; khai thác tài nguyên, khoáng sản v.v… Ngoài ra, trong thời kỳ hội nhập, chúng ta phải đặc biệt lưu ý nguy cơ các doanh nghiệp nước ngoài do áp lực về môi trường ở nước họ, sẵn sàng đầu tư các công nghệ lạc hậu vào Việt Nam nhằm trốn phí môi trường với các thủ đoạn ngày một tinh vi hơn. Dưới áp lực về yêu cầu tăng trưởng kinh tế, áp lực về công ăn việc làm, về đối ngoại, về an sinh xã hội, việc xử lý các vi phạm pháp luật về môi trường vẫn là bài toán nan giải. Bởi lẽ, việc tổ chức phát hiện vi phạm không khó, nhưng việc xử lý sai phạm, đặc biệt là ở các doanh nghiệp lớn, có yếu tố nước ngoài, số lượng lao động đông lại rất khó khăn.
Có thể thấy rõ, ngày nay, bảo vệ môi trường đang ngày càng được Nhà nước quan tâm. Điều này được minh chứng rõ nét qua việc Hiến pháp năm 2013 đã dành nhiều điều quy định về bảo vệ môi trường nhằm hướng đến một môi trường trong sạch cho mọi người và sinh vật, đảm bảo sự phát triển bền vững, cũng như quyền bình đẳng trong tiếp cận môi trường của mọi công dân. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở các quy định của Hiến pháp năm 2013 mà không kịp thời có cách tiếp cận đúng đắn để hoàn thiện pháp luật bảo vệ môi trường nói chung và các quy định về tội phạm môi trường nói riêng thì mục tiêu kiềm chế hành vi vi phạm pháp luật môi trường sẽ không thành công và chúng ta sẽ phải tiếp tục sống trong môi trường ô nhiễm, đe dọa đến tính mạng, sức khỏe và chất lượng cuộc sống.
Tiến sĩ Phạm Văn Beo, Trưởng Bộ môn Luật Tư pháp, Khoa Luật – Đại học Cần Thơ
Theo thiennhien